Bị phạt nguội vì tuân theo CSGT: Người dân có dễ chứng minh bị phạt 'oan'?

(PLO)- Một cán bộ Cục cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, khi xử phạt nguội, đơn vị chức năng phải xem xét cả một chuỗi tình huống. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau bài viết: “Tuân theo người điều tiết giao thông nhưng bị phạt nguội, phải làm sao?” PLO đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc cho rằng tại sao người tham gia giao thông không chủ động vi phạm nhưng lại phải chứng minh mình không vi phạm và việc chứng minh này rất khó khăn, mất thời gian.

Xem xét camera phạt nguội chứ không phạt “bừa”

Liên quan đến tình huống tài xế đi theo hiệu lệnh của người điều tiết giao thông nhưng bị phạt nguội, một cán bộ Cục CSGT (C08, Bộ Công an) cho biết, về quy định pháp luật người tham gia giao thông phải tuân thủ hiệu lệnh của người chỉ huy giao thông là cao nhất (gồm hiệu lệnh của CSGT hoặc người được giao nhiệm vụ tạm thời ở những đoạn đường đang thi công), sau đó đến chấp hành đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường… Tất cả phải tuân thủ theo thứ tự của Luật giao thông đường bộ.

“Khi tuân thủ theo hiệu lệnh của người điều tiết giao thông, kể cả họ vẫy người điều khiển đi vào đường ngược chiều cũng không sao. Khi phạt nguội, đơn vị chức năng sẽ có người phân tích, xem xét xem đó là tình huống nào. Đâu có thể xử phạt một cách tùy tiện, điều đó không thể xảy ra”- vị cán bộ này lập luận.

phat-nguoi-1.jpg
CSGT sẽ xem xét video từ camera phạt nguội chứ không phạt “bừa” người vi phạm. Ảnh minh họa: PHI HÙNG

Vị này dẫn chứng có trường hợp, khi dừng đèn đỏ có xe cứu thương phía sau thì tài xế có thể tiến lên phía trước (không vượt qua đèn đỏ) rồi nép gọn gàng vào vị trí trống để nhường cho xe ưu tiên đi qua. Tình huống này, cơ quan chức năng xem xét video để xử lý vi phạm nếu có, nhưng tài xế chỉ muốn nhường đường (theo đúng nguyên tắc ưu tiên) thì không bị xử phạt.

“Khi xử phạt nguội, đơn vị chức năng phải xem xét cả một chuỗi tình huống, đồng bộ, đồng thời thông qua clip, chứ không chỉ một bức ảnh đơn phương để đưa ra xử phạt vô lý”- vị cán bộ này nói thêm.

Một cán bộ CSGT khác phân tích: Người điều khiển giao thông có hiệu lệnh cao nhất thời điểm đó. Có thể có trường hợp ở khung giờ cao điểm, điều khiển bằng hiệu lệnh người điều khiển, nhưng không kết nối được với tín hiệu đèn giao thông nên xảy ra tình trạng bị phạt nguội. Tuy nhiên theo luật thì tình huống này là không bị xử phạt. Do đó, người vi phạm có thể làm đơn giải trình với cơ quan gửi thông báo phạt nguội.

“Khi có thông báo phạt nguội, người vi phạm có bảy ngày để giải trình, nộp lên cơ quan chức năng, sau đó sẽ rà soát đối chiếu lại camera”- vị này hướng dẫn.

Cách chứng minh không bị phạt nguội

Nhiều bạn đọc cho rằng việc chứng minh mình không vi phạm giao thông, không bị phạt nguội rất khó khăn, vừa mất thời gian, công sức. Tuy nhiên, trên thực tế không ít tài xế, người lái xe đã chứng minh không vi phạm giao thông.

Trao đổi với PV, anh Chu Võ Kim Long, lãnh đạo một doanh nghiệp tại TP.HCM chia sẻ, kinh nghiệm chứng minh không có lỗi khi nhận giấy phạt nguội.

Anh Long kể từng bất ngờ nhận giấy thông báo phạt nguội do xe của anh chạy quá tốc độ tại Cần Thơ. “Để "minh oan" tôi đã làm công văn gửi phòng CSGT nói rõ về thời gian, địa điểm và nhân chứng chứng minh xe tôi không di chuyển ra khỏi TP.HCM. Khoảng một tuần sau, tôi đã nhận được thư phản hồi xin lỗi về việc nhầm lẫn màu xe” - anh Long nói.

phạt nguội
Nhiều tài xế đã chứng minh được việc mình không bị phạt nguội. Ảnh minh họa: PHI HÙNG

Theo anh Long chỉ cần gửi công văn để chứng minh, không cần phải đến làm việc trực tiếp, vì theo quy định, cơ quan CSGT phải chứng minh được lỗi của người vi phạm giao thông mới tiến hành xử phạt.

Anh Long cho rằng việc chứng minh mình không có lỗi không quá khó khăn. Chủ xe chỉ cần cung cấp cho cơ quan chức năng chứng cứ về thời gian, địa điểm, công việc hoặc có người làm chứng, sự kiện ghi nhớ nào đó.

“Nếu xử phạt sai có thể làm ảnh hưởng tới công việc, thời gian của chủ xe không vi phạm. Đơn cử như việc bán xe hay đi kiểm định xe. Do vậy, cơ quan chức năng sẽ không gây khó dễ cho người dân và sẽ xác minh lại thông tin đúng” - anh Long lập luận.

CSGT có trách nhiệm chứng minh lỗi của người tham gia giao thông

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết: “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính (theo điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính)”.

Cũng theo luật sư Tuấn, quy định Thông tư 65/2020 của Bộ Công an (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 32/2023), khi kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nếu phát hiện, thu thập được thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm pháp luật của người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người có thẩm quyền xử phạt sẽ xác minh xác định thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính thông qua cơ quan đăng ký xe và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

“CSGT có trách nhiệm chứng minh lỗi của người tham gia giao thông khi xử phạt hành chính, có thể thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như camera, máy bắn tốc độ… hoặc trực tiếp phát hiện”- luật sư cho hay.

Luật sư Tuấn phân tích thêm, theo quy định tại Khoản 12 Điều 80 Nghị định 100/2019, nếu chủ phương tiện không đến phối hợp giải quyết vụ việc vi phạm theo thông báo của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, thì đơn vị này sẽ gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên chương trình quản lý kiểm định.

“Trong quá trình làm việc với CSGT, người vi phạm chứng minh là xe ô tô mình không vi phạm, đây là việc người lái xe tuân theo hiệu lệnh của người điều tiết giao thông. Nếu CSGT không chấp nhận thì chủ phương tiện (hoặc người điều khiển) có quyền khiếu nại, khởi kiện ra tòa”- luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm