Tuân theo người điều tiết giao thông nhưng bị phạt nguội, phải làm sao?

(PLO)- Trường hợp tài xế bị phạt nguội sai có thể làm đơn giải trình, chứng minh rằng mình không vi phạm luật giao thông đường bộ vì tuân theo hiệu lệnh của người điều tiết giao thông. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đi theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông nhưng có trường hợp tài xế bức xúc vì bị phạt nguội với hành vi không tuân thủ theo tín hiệu đèn giao thông.

Tuân thủ báo hiệu nào là đúng?

Theo quy định hiện hành của Luật giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.

Trường hợp khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

Tuy nhiên, một số tài xế cho biết khi họ chấp hành theo quy định như trên thì lại bị phạt nguội vì lỗi không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông.

giao thông
Hình ảnh CSGT điều tiết giao thông thời điểm lễ 30-4. Ảnh: THU TRINH

Tài xế NHT (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) kể lại một lần phải khó xử khi di chuyển qua ngã ba khu Công nghệ cao và xa lộ Hà Nội. Lúc này đèn tín hiệu đỏ, còn thanh niên xung phong (lực lượng điều tiết giao thông) chỉ định xe phải di chuyển qua.

“Nếu người điều khiển đã ra tín hiệu mà mình không đi thì cũng là vi phạm vì không tuân theo người điều tiết, còn tôi đi thì lại bị phạt nguội vì không tuân thủ đèn giao thông”- anh T bức xúc.

Theo quy định, tài xế cần tuân theo người điều tiết nhưng hình ảnh camera giao thông chỉ chụp đúng chiếc xe mà không thấy được lực lượng điều tiết nên gây khó cho tài xế.

Theo khảo sát của PV, tại các giao lộ vào giờ cao điểm, đặc biệt các giao điểm dễ gây ùn tắc giao thông sẽ có lực lượng CSGT, thanh niên xung phong hoặc dân quân tự vệ tham gia điều tiết giao thông.

Trong đó, một số điểm sẽ có sự phối hợp giữa các lực lượng, ví dụ CSGT là người đứng giữa các giao lộ để thao tác điều tiết bằng tay, còn lực lượng thanh niên xung phong hoặc dân quân tự vệ sẽ bấm đèn giao thông phù hợp với người điều tiết. Tuy nhiên, cũng có trường hợp chỉ có một lực lượng đứng ra điều tiết khiến cho đèn giao thông và người điều khiển không thống nhất hiệu lệnh.

Xử lý ra sao khi bị phạt nguội?

Một cán bộ CSGT tại TP.HCM cho biết nếu tài xế bị phạt nguội thì cần phản ánh lại với cơ quan thông báo phạt nguội là đã đi theo hiệu lệnh của người điều tiết giao thông.

“Trong trường hợp này, người chỉ huy giao thông là người cao nhất, sau đó đến hệ thống đèn và các loại khác. Tài xế tuân thủ theo hiệu lệnh, nếu bị phạt nguội thì người này nên có văn bản kiến nghị, giải trình sự việc lúc đó gửi đến cơ quan phạt nguội”- vị này cho hay.

Vị này cũng nói thêm, người tham gia giao thông cần lưu ý, đối với các điểm có CSGT phối hợp với lực lượng tổ dân phố, thanh niên xung phong hỗ trợ thì có thể chứng minh vấn đề này. Trường hợp một người tự phát điều tiết thì sẽ khó chứng minh hơn.

Trao đổi với PLO, Luật sư (LS) Trần Văn Giới, Đoàn LS TP.HCM cho biết: Khoản 25 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: "Người điều khiển giao thông là CSGT; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt."

Theo quy định này thì người điều khiển giao thông có thể là CSGT hoặc lực lượng khác với điều kiện những người này được người có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ. Người điều tiết giao thông tự phát sẽ không được coi là người điều khiển giao thông theo quy định pháp luật.

Về hiệu lực của người điều khiển giao thông, Khoản 2 Điều 11 Luật GTĐB 2008 quy định “Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông”.

Ngoài ra, Điều 8 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT ban hành theo Thông tư số 54/2019 của Bộ giao thông vận tải có quy định “Người tham gia giao thông đều phải chấp hành nghiêm chỉnh hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, kể cả trong trường hợp hiệu lệnh trái với tín hiệu của đèn điều khiển giao thông, biển báo hiệu hoặc vạch kẻ đường”.

Như vậy, khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông bắt buộc phải tuân theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

“Quy định pháp luật như trên cũng có thể dẫn đến nhiều trường hợp do tuân theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mà bị phạt nguội về hành vi không tuân theo tín hiệu của đèn điều khiển giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường”- LS Giới cho hay.

Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, trường hợp này người bị xử phạt có thể làm văn bản giải trình đến người có thẩm quyền xử phạt (đối với các trường hợp luật có quy định hình thức xử phạt là tước quyền sử dụng giấy phép hoặc quy định mức tối đa của khung tiền phạt từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân) hoặc làm đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Kèm theo các văn bản này, người dân cần cung cấp được các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi bị xử phạt là do tuân theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mà không phải là do vi phạm.

giao thông
Nếu bị phạt nguội sai, người lái xe có thể làm đơn giải trình với cơ quan phạt nguội. Ảnh: PHI HÙNG

“Một trong các cách để thu thập chứng cứ là người bị xử phạt có thể đến vị trí bị ghi hình phạt nguội để xin trích xuất hình ảnh camera của các hộ dân, hộ kinh doanh ghi lại thời điểm đó có người điều khiển giao thông. Trường hợp tại các ngã tư, nút giao thông có lắp đặt camera giao thông thì có thể liên hệ đơn vị quản lý để xin trích xuất hình ảnh” - LS cho hay.

Cũng theo LS Giới, trong quá trình tham gia giao thông, nếu gặp tình huống tương tự thì người tham gia giao thông có thể tự mình ghi hình việc thực hiện theo hiệu lệnh của người điều khiển.

Tuy nhiên, cần lưu ý việc ghi hình không được làm cản trở hoạt động của lực lượng chức năng hoặc dùng các clip, hình ảnh ghi được phát tán lên các trang mạng xã hội gây mất an ninh trật tự.

Đề xuất bổ sung báo hiệu đường bộ mà người tham gia giao thông cần chấp hành

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ bổ sung báo hiệu đường bộ mà người tham gia giao thông phải chấp hành.

Theo đó, Điều 12 của dự thảo quy định báo hiệu đường bộ, gồm: Hiệu lệnh của người điều điều khiển giao thông; đèn tín hiệu giao thông; biển báo hiệu đường bộ gồm: biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh, biển chỉ dẫn, biển phụ; vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường; cọc tiêu, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H; thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.

Đồng thời dự thảo cũng quy định người tham gia giao thông phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới như sau: Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; Tín hiệu đèn giao thông; Biển báo hiệu; Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường; Cọc tiêu, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H; Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm