Bí quyết đạt điểm cao khối C

Tuy nhiên, dù đã học ngày học đêm, nhiều bạn vào phòng thi đầu óc cứ rối tinh rối mù, nhầm lẫn lung tung giữa ngày tháng, sự kiện, nhân vật, dẫn chứng... Một số kinh nghiệm sau đây hy vọng giúp các bạn làm bài tốt.

Văn học - chịu khó đầu tư


Khi làm bài môn văn, tôi luôn bắt đầu với những từ hay, có từ hay sẽ có câu hay, có câu hay sẽ có đoạn hay, có đoạn hay sẽ có bài hay. Tôi cố gắng đưa vào bài văn của mình vài từ đắt, vài câu so sánh, trích dẫn hay. Ví dụ, khi viết về sự ngẫu nhiên trong một câu thơ nào đó, tôi sẽ dẫn chứng câu “Không có gì gọi là ngẫu nhiên, nhất là trong địa hạt văn chương” của Chế Lan Viên. Hoặc khi viết về câu Kiều “Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san” diễn tả sự chia ly, tôi sẽ so sánh một chút với đoạn “Đưa người ta không đưa qua sông - Sao có tiếng sóng ở trong lòng? - Bóng chiều không thắm không vàng vọt - Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?” của Thâm Tâm.

Cứ như thế, bài viết của tôi độc đáo và nhiều thông tin, người đọc sẽ thấy được sự đầu tư dày công. Tất nhiên là tôi đầu tư dày công thật, tôi sắm một quyển sổ nhỏ, ghi vào đó những đoạn thơ, những câu văn hay mà tôi cho rằng có thể liên hệ với các tác phẩm trong sách giáo khoa, những lúc rảnh rỗi như giờ chơi, tiết trống, tôi lại lấy ra đọc, chỉ đọc thôi chứ không học. Đọc đến ngày thi thì thấy những câu thơ văn đó rõ ràng như những bức ảnh được “trình chiếu” trong đầu.

Bí quyết đạt điểm cao khối C ảnh 1
Để thi khối C cũng cần có bí quyết. Ảnh do độc giả cung cấp
Trong môn văn học, trích dẫn là một điều khủng khiếp, thử trích một đoạn trong “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân xem, văn hay nhưng rất khó nhớ, mà trích dẫn gián tiếp nhiều khi không hay. Phương thức của tôi là không trích cả đoạn, mà chỉ trích những câu, từ đắt giá, độc đáo nhất và tập trung phân tích. Cộng thêm cách dẫn chứng liên kết như đã nói trên, bài viết của tôi vẫn phong phú và có sức nặng. Bên cạnh đó, tôi cố gắng viết câu đúng ngữ pháp, gọn gàng, súc tích cho dễ đọc. Tôi nghĩ, giám khảo chấm thi hàng trăm bài, mà bài của mình diễn đạt lòng vòng lê thê, thể nào giám khảo cũng chán đọc và cho điểm không cao. Lịch sử - thà viết lầm còn hơn bỏ sót Lịch sử là môn cao điểm nhất của tôi không chỉ trong kỳ thi đại học mà trong mọi kỳ thi trước đó, mặc dù tôi không phải là dân chuyên sử. Bí quyết của tôi được rút gọn trong một câu phương châm cải biên là “thà viết lầm còn hơn bỏ sót”. Lịch sử được tạo thành từ ngày tháng, cũng như các bạn, tôi cũng lẫn lộn lung tung ngày tháng năm. Nhưng chúng ta không thể nói sự kiện mà bỏ qua thời gian. Cách làm của tôi là nếu không nói chính xác được thì nói gần chính xác. Ví dụ, ngày 22/9/1940 phát xít Nhật bắt đầu tiến công phía Bắc nước ta, nếu không chắc chắn là ngày hai mươi mấy tháng 9, tôi sẽ viết cuối tháng 9, hoặc tháng 9/1940, tệ hơn nữa thì viết khoảng cuối năm 1940. Tôi tin nếu may mắn giám khảo sẽ cho tròn điểm chi tiết đó, còn không thì cũng chỉ trừ 0,25 hoặc 0,5 mà thôi. Lúc làm bài, nếu không nhớ chính xác trong năm 1963 có sự kiện hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu hay không, tôi sẽ viết vào bài làm là có. Thường thì giám thị sẽ cho điểm chi tiết đúng, bỏ qua chi tiết sai, nên nếu chi tiết này sai cũng không sao, còn nếu đúng mà thiếu thì thật tiếc biết bao. Đó chính là cách thức giúp tôi giành điểm cao Lịch sử. Địa lý - Hãy tận dụng các bản tin Đối với môn địa lý, tôi cho rằng bản tin thời sự trong nước và bản tin dự báo thời tiết của VTV vào buổi tối có tác dụng rất tốt. Thường thì các bản tin sẽ nói về tình hình nuôi trồng của bà con nông dân, việc đánh bắt thủy hải sản, việc trồng và khai thác rừng cũng như nền công nghiệp với những nhà máy, công trình, rồi tình hình khí hậu nơi nào nắng nóng thường xuyên, nơi nào có mưa nhiều... Theo dõi các bản tin chừng một tháng bạn sẽ hình thành một nền tảng kiến thức khá đầy đủ về đất đai, sông ngòi, khí hậu, đời sống của nhân dân ở các vùng miền trên khắp đất nước. Hơn nữa, đây là những kiến thức thực tế, được tiếp thu qua màn ảnh nên rất sinh động, dễ nhớ. Để bổ sung thêm, bạn nên thường xuyên xem bản đồ Atlat, đó là nơi mà đời sống địa lý của đất nước ta được thể hiện rõ nhất bằng hình vẽ. Một phần quan trọng của bài thi địa lý là vẽ biểu đồ, nên một trong những điều đầu tiên khi học địa lý là bạn phải nắm vững cách vẽ biểu đồ. Khi nào thì vẽ biểu đồ cột, khi nào thì vẽ biểu đồ tròn, khi nào thì vẽ biểu đồ miền… đều có “từ khóa” để bạn nhận ra. Ví dụ đề bài yêu cầu “vẽ biểu đồ tỷ lệ” tức là bạn phải vẽ biểu đồ tròn. Bạn nên dành một vài ngày để tập vẽ biểu đồ cho đẹp và nhanh, trước khi đi thi phải chuẩn bị đầy đủ các loại thước eke, thước đo độ, compa, bút chì, gôm, máy tính để tính số liệu… Các bí quyết của tôi rất đơn giản và dễ áp dụng. Chính nhờ những bí quyết này mà tôi, một học sinh khá, đã may mắn trở thành người có điểm thi đại học cao nhất trường trung học phổ thông của mình, được nhận học bổng khuyến khích học tập của địa phương. Tôi tin rằng, những bí quyết trên cũng có thể giúp các bạn. Chúc các bạn may mắn, sớm trở thành tân sinh viên vào mùa tựu trường tới.
 Nguyễn Thị Thùy Dung

(
Theo VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm