Người làm ấm áp các nghĩa trang liệt sĩ

(PLO)- Nhiều nghĩa trang liệt sĩ giờ đây trở nên ấm áp, gần gũi... nối kết các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì đất nước với những người sống trong hòa bình.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều năm nay, cứ có dịp thuận tiện là Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lại tổ chức cho cán bộ, công chức và người lao động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đi thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ ở các nghĩa trang liệt sĩ; thăm các gia đình có công với cách mạng, với đất nước.

Mục đích là để tri ân những đóng góp của các liệt sĩ, các gia đình có công với đất nước và giáo dục thế hệ trẻ “không được lãng quên”.

Làm ấm nơi linh thiêng nhưng lạnh lẽo

Giờ đây, đến các nghĩa trang như Vị Xuyên, Đường 9, Trường Sơn, những nghĩa trang dọc hai bên bờ Hiền Lương… thân nhân liệt sĩ cũng như người dân mọi miền đều thấy xanh mát hy vọng, ánh đèn buổi tối lung linh hòa quyện với âm nhạc tạo nên một không gian linh thiêng, gần gũi, ấm áp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay khi những nghĩa trang kể trên trở thành nghĩa trang – công viên thì thời gian viếng các anh hùng liệt sĩ được kéo dài hơn.

Thay vì trước đây chỉ viếng được đến 17 giờ, thì hiện nay, với việc tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang thành nghĩa trang – công viên, thân nhân các liệt sĩ, người dân có thể viếng các anh hùng liệt sĩ lâu hơn, thậm chí viếng cả ban đêm.

“Bất cứ lúc nào có điều kiện, chúng tôi đều tổ chức các đoàn viếng thăm cho các bạn trẻ để không ai được phép lãng quên xương máu của cha ông đã đổ xuống. Tôi tin rằng mỗi người đến đây ít nhiều đều tự hình thành cho mình ý thức trách nhiệm, sống tử tế và có ý nghĩa hơn” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

nguyen-chi-dung-nghia-trang-cong-vien-1.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị) hôm 23-7-2024. Ảnh: CHÂN LUẬN

Nhiều năm qua, ông cùng với các cán bộ, công chức trong Bộ KH&ĐT cùng những người có thiện chí đóng góp, làm đẹp các nghĩa trang liệt sĩ ở nhiều nơi, từ nghĩa trang Vị Xuyên đến nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, thành cổ Quảng Trị… thành nghĩa trang – công viên.

Ông cho biết thêm, ngoài các cán bộ, công chức và người lao động của Bộ KH&ĐT đóng góp thì những người có thiện chí khi biết mong muốn của ông và của Bộ KH&ĐT cũng đã mở lòng chung tay. Đây cũng là điều mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảm thấy hài lòng, vì đã đền đáp một phần công ơn, xương máu của các anh hùng liệt sĩ.

“Những lúc sống - chết mong manh đã hun đúc tôi”

Khi được hỏi về động lực nào thúc đẩy ông mong muốn biến nghĩa trang liệt sĩ thành nghĩa trang - công viên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhớ lại câu chuyện bắt đầu từ Hà Giang, nơi có nghĩa trang Vị Xuyên, cũng là nơi ông đã từng tham gia chiến đấu.

Ông Dũng kể: “Nghĩa trang Vị Xuyên là nghĩa trang đầu tiên chúng tôi góp phần làm nên công trình nghĩa trang – công viên. Ở Vị Xuyên có ngày giỗ trận, năm nào chúng tôi cũng cố gắng lên”.

nghĩa trang liệt sĩ
"Các nghĩa trang liệt sĩ trở thành nghĩa trang – công viên giờ đây không còn là nơi sợ hãi, lạnh lẽo nữa, mà trở thành một nơi mọi người đến gắn bó, cảm thấy ấp áp, gần gũi với các thế hệ cha anh" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Từng có 14 năm trong quân đội, ông Dũng nói: “Môi trường quân đội như một trường đại học tổng hợp, rèn luyện cho con người các kỹ năng, phẩm chất, sự tử tế, tinh thần sẵn sàng hy sinh, thậm chí không tiếc máu xương”.

Đứng giữa thành cổ Quảng Trị, ông nhớ lại: "Cuộc chiến ở đây tận 81 ngày đêm, mỗi ngày hy sinh một đại đội. Ở dòng Thạch Hãn, mỗi lần tấn công sang bờ bên kia là một lần hy sinh khủng khiếp".

nguyen-chi-dung-nghia-trang-cong-vien.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thăm hỏi bà Lê Thị Uyên, mẹ liệt sĩ Trần Đức Hùng tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: CHÂN LUẬN

Về những sự hy sinh này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ: “Chúng tôi đã từng trải qua như trên Hà Giang, giữa sống và chết đều rất mong manh nên không nghĩ nhiều, nhận lệnh, nhiều khi biết là mình sẽ hy sinh, nhưng vẫn sẵn sàng.

Cấp tiểu đoàn trưởng nhiều khi không cắt tóc, ba tháng không tắm vì mỗi ngày chỉ được dùng một lít nước và cũng bởi không biết mình hy sinh lúc nào. Ngẫm những điều đó mới thấy cuộc sống ý nghĩa.

Với những đồng đội còn sống, mỗi lần gặp lại, chúng tôi đều rất cảm xúc vì còn được gặp lại nhau, còn được cùng nhau nhớ về những đồng đội đã hy sinh”.

Không chỉ lo cho người đã khuất…

Không chỉ chăm lo nghĩa trang – công viên, ngoài việc khuyến khích, động viên các cán bộ, công chức, người lao động trong bộ phải quan tâm đến những người yếu thế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng còn động viên những người trong bộ mình quan tâm đến công tác đền ơn, đáp nghĩa với các gia đình, thân nhân các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh.

Ông luôn nói với mọi người rằng: “Mình có bát cơm thì lo cho người khác bát cháo, có được cuộc sống đàng hoàng thì phải nghĩ đến người nghèo khổ”.

Mỗi lần đi thăm viếng các nơi nhân Ngày Thương binh – Liệt sĩ, ông đều động viên các cán bộ, công chức, người lao động, nhất là những đoàn viên thanh niên trong bộ tham gia. Ở những buổi trao hàng trăm suất quà cho các thương binh, thân nhân liệt sĩ, ông chỉ trao quà lượt đầu, còn các lượt sau ông đều dành cho cán bộ, công chức, các đoàn viên thanh niên của bộ ông trao cho họ.

Với thân nhân các gia đình liệt sĩ, các thương binh, những người nghèo ở các tỉnh ông đến, ông đều nói: “Chúng tôi có một mong ước là bà con mạnh khỏe, mạnh khỏe là trên hết, luôn luôn hạnh phúc và gặp may mắn trong cuộc sống, luôn tin tưởng và thực hiện chủ trương, đường lối của Nhà nước, của tỉnh, huyện.

Chúng ta cùng phấn đấu để mỗi người, mỗi nhà đều hoàn thành mục tiêu riêng vì một mục tiêu chung là mọi người ngày càng hạnh phúc”.

Bà con thân nhân liệt sĩ rất mừng

Công tác duy tu Nghĩa trang Trường Sơn được tiến hành thường xuyên, vì có các đơn vị trong nước, nhà tài trợ, các địa phương và ngân sách cung cấp. Phần vỏ mộ năm nay nhiều tỉnh đầu tư vào, cây cối cũng được đầu tư thêm, các ghế đá, ghế gỗ cho khách đến viếng đều rất tốt.

Bà con, thân nhân liệt sĩ đến đều thấy rất mừng. Lượng khách thăm viếng nghĩa trang ngày càng đông hơn, có nhiều đoàn viếng cả vào ban đêm và xu hướng này đang tăng lên. Một số chùa cũng đăng ký vào cúng cầu siêu ban đêm ở nghĩa trang liệt sĩ này.

nguyen-chi-dung-nghia-trang-cong-vien-quan-trang.jpg
Ông Hoàng Văn Minh, phụ trách Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: CHÂN LUẬN

Chúng tôi chỉ còn một vài khó khăn nho nhỏ, và cố gắng khắc phục. Nhờ có Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng như Bộ KH&ĐT, nhân dân cả nước giúp đỡ nên Nghĩa trang Trường Sơn hiện nay đã được biết đến nhiều hơn nữa.

Ông HOÀNG VĂN MINH, Phụ trách Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm