Niềm vui vỡ òa của người con liệt sĩ khi đón bố trở về quê hương

(PLO)- Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 năm nay đối với ông Ninh (Nghệ An), con liệt sĩ Nguyễn Công Nam là một ngày đặc biệt. Bởi năm nay, bố ông đã được đưa về an nghỉ tại quê hương. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xa bố khi còn nhỏ, 55 năm qua, ông Nguyễn Công Ninh, con liệt sĩ Nguyễn Công Nam đã lặn lội đi tìm bố khắp nơi. Có lúc, ông Ninh đã toan bỏ cuộc. Chính vào lúc quyết định từ bỏ, niềm vui lại đột ngột đến với ông Ninh và gia đình, khi hài cốt của bố ông đã trở về với quê hương.

con-liet-si.jpg
Ông Nguyễn Công Ninh bên bức ảnh của bố mình. Ảnh: VT.

Chưa năm nào hạnh phúc như năm nay

Nở nụ cười trên khuôn mặt sạm màu vì sương gió, ông Nguyễn Công Ninh chia sẻ: “Ngày thương binh liệt sĩ năm nay có lẽ là ngày ấn tượng nhất với bố tôi. Ông đã được yên nghỉ trên chính quê hương của mình”.

Nhắc đến bố Nam, ông tự hào kể: "Bố là người đã hai lần nhập ngũ, chiến đấu vì Tổ quốc. Sau 6 năm chiến đấu, từ năm 1953 đến tháng 3-1959, ông phục viên trở về tham gia lao động, sản xuất. Đến năm 1965, khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ở miền Bắc, ông lại tình nguyện tham gia chiến đấu, trở thành chiến sĩ tại Sư 2, quân khu 5 của tỉnh Quảng Ngãi".

Qua lời kể của mẹ, ông Ninh nhớ lại ngày 20-4-1965, bố ông có ghé qua nhà trên đường hành quân vào miền Nam.

"Lúc đó tôi mới hai tuổi, chỉ biết ăn và ngủ. Bố chờ tôi dậy để được bế trên tay, nhưng tôi vẫn cứ ngủ. Bố đành viết lại mấy câu thơ tặng tôi và mẹ rồi lại cùng đồng đội hành quân” - ông Ninh bồi hồi kể.

con liệt sĩ
Ông Nguyễn Công Ninh và bức thư bố gửi về từ chiến trường. Ảnh: VT.

Nói rồi ông Ninh ngân nga đọc những câu thơ trong bài thơ của bố mình, trong đó có những câu như: “Nhìn con dòng lệ tuôn rơi/ Vì đâu cách trở, xa rời hỡi con/ Ba đi vì nước vì non/ Vì tình nghĩa mẹ, cùng con sau này…”.

Sau lần thăm nhà đó, ông Nam không có dịp trở lại quê hương và gặp lại vợ con. Chỉ có hai lần ông Nam viết thư về nhà.

Lục tìm những kỷ vật của bố để lại, ông Ninh đưa cho chúng tôi xem bức thư bố ông viết vào ngày 1-12-1966, tại nơi mà ông Nam đề là quê hương kết nghĩa Quảng Ngãi.

Trong thư, liệt sĩ Nguyễn Công Nam khi đó khẳng định với mọi người ở quê nhà: “Trước mắt chúng ta phải chấp nhận hy sinh, ác liệt, gian khổ, đó là điều tất yếu trên con đường cách mạng phải trải qua…”.

Ngày 19-2-1967, trong một trận đánh ác liệt tại xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Công Nam đã anh dũng hy sinh.

Đưa mắt nhìn về xa xăm, ông Ninh nói đầy tự hào: “Ông bà tôi đã có hai người con và 12 người cháu tham gia quân đội, chiến đấu chống Pháp và chống Mỹ. Bà nội tôi cũng đã được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng”.

Nhờ cuộc gọi "định mệnh"

Ông Nguyễn Công Ninh vẫn nhớ như in cuộc điện thoại "định mệnh" này vào một ngày cuối năm. Ông nói vanh vách với chúng tôi: “Chính xác là vào lúc 9 giờ 51 phút ngày 15-12-2022, tôi đang trên đường đi làm thì nhận được một cuộc gọi từ một người xưng đến từ Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (Trung tâm Marin). Người này cho biết mộ của bố tôi được an táng tại xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi”.

Người gọi điện cho ông Ninh chính là chị Ngô Thị Thúy Hằng, giám đốc Trung tâm Marin. Cuộc điện thoại đó khiến cho ông chuyển từ bất ngờ sang hy vọng.

Điều đó càng được nhen nhóm trong ông khi chị Hằng gửi cho ông những bức ảnh chụp lại mộ bố ông - liệt sĩ Nguyễn Công Nam ở một nghĩa trang của tỉnh Quảng Ngãi.

“Thú thật lúc đó trong gia đình chúng tôi cũng có người hồ nghi. Tại sao lại có một người đi làm một việc không công như thế. Nhưng cũng có người bảo, người ta có đòi hỏi gì đâu mà mình sợ. Thế là tôi càng vững tin” - ông Ninh nói.

Bởi hàng chục năm nay, cầm trên tay giấy báo tử của bố, với mong mỏi được đưa thi hài ông trở về quê hương, ông Ninh đã đặt chân đến khắp mọi miền Tổ quốc. Dẫu vậy, đi đến đâu ông cũng chỉ nhận về cái lắc đầu.

Năm tháng trôi qua, người con trai xa bố từ lúc hai tuổi tưởng chừng không thể hoàn thành được tâm nguyện, muốn buông xuôi, nhưng nhờ cuộc gọi bất ngờ ngày cuối năm ấy, đã mở ra cho ông một cánh cửa mới, đầy niềm vui.

Việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định gen hiện nay gặp nhiều khó khăn do chất lượng hài cốt bị phân huỷ, mẫu đối chiếu của thân nhân hạn chế.

Hơn 10 năm nay, Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ đã kiên trì thực hiện việc xác định hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng và đã thực hiện xác định danh tính cho 1.075 hài cốt liệt sĩ sai hoặc thiếu thông tin.

Để có được kết quả như trên, Trung tâm đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) vì đây là đơn vị quản lý toàn bộ dữ liệu quân nhân hy sinh hoặc mất tích trong chiến tranh”.

NGÔ THỊ THÚY HẰNG, Giám đốc Trung tâm Marin.

nguoi-con-liet-si-va-hanh-trinh-dua-bo-ve-voi-que-huong-2.jpg
Lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ Nguyễn Công Nam. Ảnh: GĐCC.

Chỉ sau cuộc gọi hai ngày, vào 17-12-2022, gia đình ông Ninh gồm con, cháu, chắt cùng nhau khăn gói lên đường từ tỉnh Nghệ An đến đúng nghĩa trang nơi bố ông an nghỉ.

“Đó là một ngày trời đổ mưa tầm tã. Nhìn thấy mộ bố, tôi chỉ biết oà khóc rồi hét to bố ơi, bố đây rồi. 55 năm qua con vẫn đi tìm bố khắp nơi. Bố ơi!”- ông Ninh xúc động kể.

Tìm thấy mộ bố, nhưng việc đưa được thi hài về với quê nhà Nghệ An lại không hề đơn giản. Ông Ninh cho biết lúc đó cũng chính chị Hằng và Trung tâm Marin đã thay mặt gia đình ông gửi đi các văn bản, giấy tờ để xác định mộ phần bằng phương pháp thực chứng và loại trừ.

Đến ngày 11-6-2023 giấy báo tìm mộ của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi đã bổ sung phần còn thiếu thông tin.

Niềm vui của gia đình trở nên trọn vẹn khi ngày 20-3, huyện Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An, phối hợp với xã Nghĩa Đức, cùng gia đình thân đã tổ chức Lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ Nguyễn Công Nam từ Nghĩa trang xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện nhà.

Vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy

Theo số liệu được công bố trên Cổng thông tin điện tử Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, trên cả nước vẫn còn khoảng 300.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính.

Trong năm 2023, toàn quốc đã tìm kiếm quy tập được 1.328 hài cốt liệt sĩ (HCLS). Trong đó, trong nước 559 hài cốt liệt sĩ; Lào 247 hài cốt liệt sĩ; Campuchia 522 hài cốt liệt sĩ.

Bộ LĐ-TB&XH tiếp nhận 5.055 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, trong đó 2.223 mẫu hài cốt liệt sĩ chất lượng kém, không thể phân tích ADN. Trong số 2.832 mẫu đã chuyển đến các cơ quan giám định, chỉ có 202 mẫu thân nhân liệt sĩ.

Kết quả, đã phân tích ADN xác định được danh tính 9/124 mẫu hài cốt liệt sĩ. Cùng với đó, bằng phương pháp thực chứng, đã xác định được danh tính 251 hài cốt liệt sĩ, kết quả cao hơn nhiều so với phương pháp giám định gene; hoàn thành xác minh, kết luận mộ liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ tại thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập HCLS cho biết: “Số HCLS chưa tìm kiếm được vẫn còn nhiều (khoảng gần 180.000), thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ ngày càng ít, độ chính xác không cao, nhân chứng biết thông tin không còn nhiều, ngày càng già yếu, trí nhớ giảm; phạm vi rộng, địa hình phức tạp, có nhiều thay đổi, nhiều nơi còn sót lại bom, mìn, vật nổ,… ảnh hưởng rất lớn đến công tác tìm kiếm, quy tập HCLS”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm