Xét nghiệm ADN tìm liệt sĩ chưa xác định danh tính: Thêm cánh cửa hy vọng cho người thân

(PLO)- Chiến tranh đã lùi xa nhưng còn rất nhiều hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính, nhiều gia đình vẫn mỏi mòn ngóng trông thông tin, mộ phần của người thân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-7, hơn 30 thân nhân của các liệt sĩ chưa xác định danh tính đã đến Trung tâm Y khoa Vạn Hạnh (quận 3, TP.HCM) để lấy mẫu ADN mong tìm được thông tin người nhà.

‘Nếu không phải là ba thì cũng là liệt sĩ’

Bà Trần Như Cường (huyện Bình Chánh, TP.HCM) kể từ năm 12 tuổi, bà thường được người xung quanh nhắc về hoàn cảnh của mình gắn liền cụm từ "mồ côi cứng" - ý là không còn cả cha lẫn mẹ. Không chỉ ba mẹ mà cả 2 anh bà Cường đều là liệt sĩ hy sinh ở Chiến khu Đ tỉnh Đồng Nai trong và trước năm 1968.

Từ năm 1976, bà Cường và gia đình đã vài chục lần lặn lội đến Đồng Nai tìm hài cốt thân nhân. Bao lần ra sức kiếm tìm nhưng không thành, năm 1998, bà Cường quyết định nhờ đến nhà ngoại cảm. Sau đó, gia đình bà tìm thấy một bộ hài cốt liệt sĩ được cho là ba của bà tại xã Bình Lộc, Huyện Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh (nay là Thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai).

liet-si-chua-xac-dinh-danh-tinh1.jpg
Bà Trần Như Cường luôn ngóng trông thông tin về ba mẹ mình và các anh trai. Ảnh: NGUYỆT NHI

“Năm đó, khi tìm thấy hài cốt được cho là của ba nhưng chưa xét nghiệm ADN nên tôi không chắc có phải ba mình hay không. Gia đình tôi có người tin người không, nhưng vẫn quyết định đem hài cốt về để chôn cất, thờ cúng. Chúng tôi nghĩ rằng nếu không phải là ba thì đó cũng là liệt sĩ, người đã ngã xuống vì tự do của đất nước, dân tộc” - bà Cường xúc động.

Hiện tại, mộ phần của ba bà Cường đang được đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM cùng 3 ngôi mộ gió của mẹ và 2 anh trai. Hơn 70 tuổi, bà Cường bảo không biết mình còn đủ sức đợi đến ngày tìm thấy đủ hài cốt của những người thân, trong thâm tâm bà luôn cầu mong một ngày những ngôi mộ gió kia không còn là mộ gió.

Gần đây, khi hay tin TP.HCM hỗ trợ tìm thân nhân các liệt sĩ bằng cách xét nghiệm ADN, bà mừng lắm. Đối với bà, điều này như mở ra một cánh cửa đầy niềm hy vọng mà bao năm nay đã dần trở nên mong manh, có lúc tưởng chừng dập tắt...

liet-si-chua-xac-dinh-danh-tinh2.jpg
Việc xét nghiệm gen mở ra cánh cửa hy vọng cho nhiều thân nhân bao năm ròng rã tìm hài cốt liệt sĩ. Ảnh: NGUYỆT NHI

Chưa kịp gặp mặt đã nhận giấy báo tử

Được con trai đưa đến Trung tâm Y khoa Vạn Hạnh để lấy mẫu ADN trên chiếc xe lăn, bà Huỳnh Thị Bảy (80 tuổi, ngụ quận Tân Phú,TP.HCM) không khỏi xúc động. Bà cho biết đây là cơ hội hiếm hoi, vô cùng quý giá để tìm người anh trai sau bao năm không một chút manh mối…

Anh trai bà Bảy là Huỳnh Văn Đáng (sinh năm 1941 - mất năm 1968), lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc khi mới 20 tuổi. Bà Bảy chỉ biết anh trai đi làm nhiệm vụ chăm sóc y tế cho những chiến sĩ bị thương chứ không biết gì hơn.

Mất một lúc dường như để lục lọi, sắp xếp lại từng trang ký ức, bà Bảy kể: “Hồi đó, vài năm sau khi anh lên đường, có người móc nối được cho gia đình tôi gặp mặt thăm anh. Họ nói sẽ gặp mặt anh ở miệt trên hay hố nai gì đó (bây giờ thuộc huyện Củ Chi (TP.HCM) và tỉnh Đồng Nai). Vậy mà chưa kịp gặp mặt thì gia đình đã nhận giấy báo tử, anh hy sinh rồi” - bà Bảy nghẹn ngào.

liệt sĩ chưa xác định danh tính - 1
Bà Huỳnh Thị Bảy xúc động khi được lấy mẫu ADN để xét nghiệm tìm hài cốt anh trai. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Hơn 60 năm kể từ ngày biết tin này, gia đình bà Bảy muốn tìm người thân nhưng không biết bắt đầu từ đâu vì không có manh mối.

“Tất cả về anh giờ chỉ có tờ giấy báo tử, dựa vào đó tôi biết ngày mất để làm giỗ cho anh. Nhiều năm chờ đợi tin tức của con trai, mẹ tôi luôn trăn trở vì mãi chưa tìm được phần mộ con mình. Giờ mẹ tôi cũng mất rồi, đến tôi cũng chỉ mong tìm được hài cốt của anh để đem về thờ cúng, mẹ tôi cũng an lòng nơi chín suối...” - bà Bảy tâm sự.

Anh Dũng, con trai bà Bảy chia sẻ, gia đình chờ đợi đã lâu mà không nghe tin tức gì của người thân. Nay nghe thông tin tổ chức lấy AND để xét nghiệm tìm kiếm liệt sĩ chưa xác định danh tính, anh và mẹ rất mừng.

Gấp rút trả lại tên cho anh hùng liệt sĩ

Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó Trưởng phòng PC06, Công an TP.HCM, cho biết việc lấy mẫu ADN cho thân nhân các gia đình liệt sĩ chưa xác định được thông tin là bước chuẩn bị đầu tiên cho lộ trình tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt các liệt sĩ, thực hiện Đề án 06 Chính phủ.

liet-si-chua-xac-dinh-danh-tinh3.jpg
Hơn 30 thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính đến lấy mẫu ADN trong ngày ra mắt chương trình. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Chương trình này là bước chuẩn bị và là dữ kiện tốt nhất cho hành trình dài để tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Đây cũng là việc làm hết sức thiêng liêng, ý nghĩa trong lễ kỉ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày mà cả nước tri ân những anh hùng đã hi sinh vì độc lập dân tộc, vì tự do và chủ quyền của Tổ quốc” - bà Lãnh bày tỏ.

Mẫu ADN của các liệt sĩ chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân sẽ được giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gen.

Ngày đầu tiên (26-7), có khoảng hơn 30 thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính đến lấy mẫu ADN. Sau ngày này cũng sẽ có lộ trình để thực hiện các bước tiếp theo trong hành trình xác định danh tính của anh hùng liệt sĩ. Công an TP.HCM sẽ phối hợp và thông tin nhanh nhất lộ trình để người dân có thể theo dõi.

“Chúng ta đòi hỏi phải gấp rút, chạy đua với thời gian để tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ càng nhanh càng tốt. Mọi người sẽ làm việc bằng cả trái tim, hoàn thành tốt nhiệm vụ này để đạt nhiều kết quả hơn nữa. Chúng tôi tin tưởng, hy vọng một ngày không xa có thể xác định danh tính của các anh” - bà Lãnh nói.

Ra mắt Ngân hàng Gen liệt sĩ chưa xác định danh tính và thân nhân

Ngày 23-7, Bộ Công an và Bộ LĐ-TB&XH đã chính thức ra mắt Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định danh tính và thân nhân.

Ngân hàng được đề xuất xây dựng trong bối cảnh cả nước còn 300.000 liệt sĩ an táng tại hơn 3.000 nghĩa trang chưa xác định được thông tin; gần 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập.

Ngân hàng Gen nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định ADN cho khoảng 20.000 mẫu, phấn đấu xác minh 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm