Với hầu hết mọi người, nói đơn giản chỉ là nói ra bất cứ điều gì họ muốn, họ nghĩ mà không quan tâm đến tính xác thực và giá trị của chúng. Khi muốn người khác hiểu rõ và thông cảm, bạn cần phải nói theo cách dễ nghe, dễ hiểu. Một người khôn ngoan sẽ tìm mọi cách để người khác tiếp thu lời nói của mình.
2. Học cách trở nên thuyết phục hơn
Bạn đừng nói năng tùy tiện mà hãy kiểm soát những gì bạn nói. Hãy học khi nào nên nói, khi nào không và nên nói cái gì trước. Đối với một số người, điều này thật dễ dàng. Nhưng đối với những người khác, nó có thể rất khó khăn.
Một lợi ích dễ dàng nhận thấy là, khi không nói bạn có thể lắng nghe. Bạn sẽ hiểu rõ hơn cách nhìn nhận của người khác và quan điểm của họ.
Đôi khi người ta thường đồng nhất sự thuyết phục với mánh khóe. Nhưng đó là sai lầm. Không gì rõ ràng hơn sự thật. Mánh khóe là sử dụng bất cứ điều gì, kể cả sự lừa gạt để thuyết phục ai đó làm điều trái với lợi ích của họ.
Sự thuyết phục cho phép bạn thể hiện rõ ràng quan điểm của mình, khuyến khích ai đó làm những gì bạn tin là tốt nhất đối với họ và lợi ích chung.
3. Hãy nghe trước khi nói
Nếu trả lời một ai đó trước khi nghe họ trình bày quan điểm, chúng ta sẽ trở thành những người thô lỗ và ngốc nghếch. Bạn có từng gặp những người luôn có thói quen nói trước khi bạn nói hết suy nghĩ của mình? Điều đó cứ như anh ta đang trình bày nốt quan điểm của mình cho bạn nghe vậy. Đáng buồn là anh ta thường đưa ra những kết luận hoàn toàn sai lầm.
Không thể nói anh ta là người thô lỗ nhưng rõ ràng anh ta đã mắc sai lầm trong đánh giá. Tại sao lại mạo hiểm như vậy trong khi chúng ta có thể chỉ cần kiên nhẫn một chút chờ người kia nói xong?
4. Nói chậm rãi và thận trọng với lời nói của mình
Lời nói đã thốt ra không bao giờ lấy lại được. Hơn bất kỳ ai, Solomon biết sức mạnh không ngờ tới mà ngôn từ mang lại: “Người nào giữ gìn môi miệng sẽ giữ linh hồn mình, còn hủy hoại sẽ đến với kẻ hay hở môi”.
Ông cũng cho rằng một người ăn nói hấp tấp thậm chí còn không có hy vọng bằng một kẻ ngu dại.
5. Không bao giờ hạ thấp người khác, hãy nâng họ lên
Nói những điều gây đau lòng và làm tổn thương người khác rất dễ, dù là nói trước mặt hay sau lưng. Chúng ta thường biện hộ rằng những người khác cũng làm như thế.
Solomon mô tả: “Lời nói thiếu suy nghĩ như lưỡi gươm đâm thủng”. Ông nói rằng, một người khôn ngoan sẽ sử dụng ngôn từ của mình để nâng người khác lên và chữa lành những vết thương và củng cố cái tôi của họ.
Chúng ta thường có xu hướng tán gẫu nơi công sở, hoặc sử dụng những từ ngữ đầy nóng giận để phòng vệ khi bị tấn công. Solomon khuyên chúng ta không nên làm như vậy mà nên thay thế các từ ngữ có tính tiêu cực bằng những từ có tính tích cực.
Khi tán gẫu về người khác, thay vì phê phán, bạn hãy nói một cách tích cực. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy cuộc nói chuyện nhanh chóng chuyển từ tiêu cực sang tích cực.
6. Hãy ngừng lại khi bạn đã nói xong
Có rất nhiều người khi đã mở miệng thì khó có thể ngừng lại. Solomon cảnh báo, khi đã trình bày xong quan điểm mà bạn vẫn tiếp tục nói, có thể bạn sẽ nói ra điều ngu ngốc.
Hãy trình bày quan điểm của mình một cách ngắn gọn và sau đó im lặng. Người đưa ra quan điểm có sức hút mạnh mẽ chỉ gói gọn trong vài lời nói được đánh giá rất cao.
7. Hãy chia sẻ sự khôn ngoan thật sự
Solomon khuyên mọi người nên chia sẻ những điều thực sự đáng giá. Các bậc ông bà, cha mẹ, những người hướng dẫn và các giám đốc nên hào phóng chia sẻ sự khôn ngoan từ kinh nghiệm của họ với con cái, cháu chắt, nhân viên, đối tác, đồng nghiệp.
8. Luôn nói sự thật
Khi nói dối, người ta nghĩ rằng mình đang che mắt người khác. Theo Solomon, nói dối không phải là cách xử trí thông minh.
Tập đoàn Enron, Tyco và Worldcom từng nghĩ rằng họ đã rất khôn ngoan với “tài khoản sáng tạo” của họ. Nhưng họ chỉ làm giả các con số. Những lời nói dối đã khiến họ và các nhân viên, cổ đông của họ phải trả giá đắt. Thậm chí, những lời nói dối “không đáng kể” cũng có thể mang lại hậu quả nặng nề.