Để không dở khóc dở cười vì thẻ tín dụng - Bài cuối

Bí quyết tránh rủi ro trở thành 'chúa chổm' khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Chuyên gia kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm có quy định về việc thu hồi, loại bỏ thẻ và tài khoản không sử dụng, hết hạn sử dụng, không hoạt động.

Sử dụng thẻ tín dụng và các loại thẻ ngân hàng đúng cách mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng trong chi tiêu và tiêu dùng cá nhân. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng cũng phát sinh không ít rủi ro cho khách hàng, mà điển hình là vụ một khách hàng nợ ngân hàng 8,5 triệu đồng, sau 11 năm bị đòi tới 8,8 tỉ đồng là một ví dụ. Vậy cần làm gì để hạn chế rủi ro khi sử dụng thẻ tín dụng?

Liên quan đến vấn đề này, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Chi hội Thẻ ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Thị trường thẻ tín dụng nóng

. Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng tốc độ phát triển thị trường thẻ tín dụng tại Việt Nam rất nóng, thậm chí không ít ngân hàng tìm mọi cách để mở rộng thị phần thẻ bất chấp khách hàng có nhu cầu sử dụng hay không. Ông đánh giá thế nào về nhận xét này?

+ Ông Nguyễn Minh Tâm: Tại Việt Nam, mảng phát triển thẻ tín dụng vẫn đang được các ngân hàng thương mại chú trọng và liên tục đầu tư phát triển. Nhiều ngân hàng không chỉ dừng lại ở việc đa dạng hóa các tiện ích thẻ phù hợp với từng khách hàng mà còn đầu tư về mặt công nghệ, cung cấp nhiều giải pháp thanh toán mới để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Nhìn chung tốc độ phát triển thẻ tín dụng qua các năm vẫn đang tăng trưởng tốt. Theo thống kê mới nhất của Chi hội Thẻ ngân hàng, đến ngày 30-6-2023, tổng số lượng thẻ tín dụng đang lưu hành trên thị trường hiện đạt trên 10 triệu thẻ, bao gồm thẻ nội địa và thẻ quốc tế.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Chi hội Thẻ ngân hàng.

. Ông thể lý giải cụ thể vì sao tốc độ tăng trưởng thẻ tín tụng lại nhanh hơn so với các loại thẻ thanh toán khác?

+ Bản chất của thẻ tín dụng là ngân hàng đang cấp cho khách hàng một khoản tài chính dự phòng để khách hàng chi tiêu trước và hoàn trả sau, có thời gian miễn lãi lên đến 55 ngày. Đây là một sự hỗ trợ tài chính lớn và khách hàng hoàn toàn có thể dựa vào ưu đãi này để sử dụng nguồn vốn của các ngân hàng mà không phải trả lãi.

Ngoài ra, khách hàng còn được hoàn tiền khi chi tiêu, giảm giá khi mua sắm, nhận ưu đãi, quà tặng, trả góp 0% lãi suất… tùy vào từng chính sách của các ngân hàng phát hành thẻ.

Tránh để lộ thông tin cho bên thứ ba

Hiện nay, đa phần các trường hợp bị mất tiền trong tài khoản xảy ra do khách hàng để lộ thông tin thẻ cho đối tượng lừa đảo. Vì vậy, khách hàng cần chú ý đến các điều khoản về bảo mật, bảo vệ thông tin cá nhân, tránh việc để lộ thông tin cho bên thứ ba hoặc bấm vào các đường link lạ, lưu thông tin trên các website không an toàn…

Khi cảm thấy có dấu hiệu nghi ngờ, có thể liên hệ ngay với tổng đài ngân hàng hoặc chủ động khóa thẻ trên ứng dụng ngân hàng.

Ông NGUYỄN MINH TÂM, Phó Chủ tịch Chi hội Thẻ ngân hàng

Còn với thẻ ghi nợ (thẻ thanh toán, ATM) và thẻ trả trước đòi hỏi người tiêu dùng phải có tiền trong tài khoản thẻ. Bên cạnh đó, những ưu đãi, tiện ích khác thông thường sẽ không bằng thẻ tín dụng, thậm chí một số giao dịch như đặt khách sạn, mua sắm online trên một số trang web nước ngoài sẽ không thực hiện được.

Để tránh bị phạt, nợ quá hạn

. Dù thẻ tín dụng có nhiều ưu điểm như vậy, song người dân vẫn còn khá dè chừng về “bẫy tiêu dùng” khi sử dụng, chưa kể nhiều người dù mở nhiều thẻ nhưng chỉ xài thường xuyên 1-2 thẻ vẫn phải đóng phí, lãi phạt?

+ Thẻ tín dụng là một sản phẩm hỗ trợ tốt khi chi tiêu nhưng người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ các thông tin, cách sử dụng cũng như trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản về tài chính để thẻ tín dụng trở thành giải pháp tài chính hữu hiệu. Cụ thể, khách hàng cần biết cách kiểm soát các khoản chi tiêu, duy trì tỉ lệ chi tiêu phù hợp trên tổng thu nhập của bản thân để luôn đảm bảo khả năng thanh toán.

Hiện các ngân hàng đều cung cấp các công cụ, ứng dụng số để khách hàng tự quản lý tài chính tốt. Ví dụ như khách hàng có thể xác định hạn mức chi tiêu tối đa trong thời gian cụ thể, khóa thẻ, mở thẻ, giao dịch online, giao dịch nước ngoài, kiểm tra sao kê giao dịch.

Nhân viên hướng dẫn khách hàng phương thức thanh toán có lợi nhất để được tích điểm khi mua hàng ở siêu thị. Ảnh: TL

. Có một thực tế không thể phủ nhận là có nhiều nhân viên ngân hàng khi tư vấn mở thẻ tín dụng chỉ nói về ưu điểm mà không nói về những rủi ro khách hàng có thể gặp phải. Vậy theo ông, cần quy định để ràng buộc trách nhiệm của nhân viên khi tư vấn thẻ tín dụng nói riêng và thẻ thanh toán nói chung?

+ Tôi cho rằng việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng luôn là yếu tố ưu tiên hàng đầu và tiên quyết, không chỉ là trách nhiệm của phía nhân viên ngân hàng nói riêng mà còn là trách nhiệm của ngân hàng nói chung. Trong đó có việc chú trọng tư vấn thông tin cho khách hàng một cách chính xác và đầy đủ về cả ưu điểm lẫn rủi ro của thẻ.

Hợp tác, đối thoại để giải quyết các khúc mắc

. Hiện nay, có ngân hàng chủ động đóng băng tài khoản không giao dịch trong thời gian nhất định nhưng cũng có ngân hàng lại âm thầm thu phí duy trì tài khoản mà không hề có bất kỳ thông báo nào cho khách hàng. Vậy có cần thiết phải đưa ra quy định về thời hạn duy trì, loại bỏ thẻ không hoạt động?

+ Hiện nay, quy định đóng tài khoản thanh toán do khách hàng và tổ chức tín dụng thỏa thuận trong hợp đồng ngay tại thời điểm mở; phí sử dụng cũng được tư vấn cho khách hàng qua kênh tại quầy và kênh online. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đã chủ động miễn, giảm cho khách hàng các khoản phí phát sinh.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu quy định về thời hạn duy trì tối đa (thời hạn loại bỏ thẻ - PV) sẽ giới hạn quyền lợi của khách hàng khi muốn tiếp tục hoặc quay lại giao dịch với các ngân hàng.

. Không ít khách hàng than phiền phí, lãi suất thẻ tín dụng cao. Đó là chưa kể phương pháp tính lãi đối với từng loại thẻ còn mập mờ, lãi vay bị thả nổi dẫn đến nhiều hệ lụy. Vì vậy, một số chuyên gia đề nghị xem xét quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí với thẻ tín dụng?

+ Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại phải rà soát phí, lãi suất, phương pháp tính lãi đối với từng loại thẻ... Tôi cho rằng chỉ đạo trên của NHNN có ý nghĩa tích cực đối với hệ thống ngân hàng và có ý nghĩa đối với khách hàng. Điều này giúp ngân hàng và khách hàng thấu hiểu lẫn nhau, luôn tìm đến sự đối thoại, thỏa thuận để mang lại lợi ích phù hợp cho các bên.

Đặc biệt khi mở thẻ, khách hàng nên tìm hiểu kỹ nội dung hợp đồng mở thẻ, nhất là nội dung chính. Khách hàng cần nắm rõ về lãi suất, lãi suất phạt chậm trả, các loại phí, thời hạn trả nợ... Với các nội dung chưa rõ, khách hàng có thể gọi lên tổng đài ngân hàng 24/7 hoặc sử dụng chatbot mà nhiều ngân hàng triển khai.

. Xin cảm ơn ông.

Thường xuyên tư vấn, đôn đốc khách hàng

Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh: Các ngân hàng thương mại phải thường xuyên tư vấn, tuyên truyền cho khách hàng về các sản phẩm dịch vụ ngân hàng nói chung và dịch vụ thẻ ngân hàng nói riêng. Việc này không chỉ giúp các ngân hàng thu hút khách hàng mà còn giúp cả nhân viên ngân hàng nhận thức đầy đủ về thẻ ngân hàng, góp phần quan trọng hạn chế phát sinh các rủi ro đối với thẻ tín dụng.

Về bản chất, đây là khoản tiền vay với ưu điểm không phải trả lãi vay trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, tiền trên tài khoản thẻ tín dụng là tiền ngân hàng ứng trước cho khách hàng. Vì vậy, khách hàng phải có trách nhiệm hoàn trả và về mặt pháp lý, khách hàng sử dụng thẻ tín dụng phải tuân thủ các quy định liên quan đến thẻ tín dụng. Việc sử dụng thẻ tín dụng và thanh toán đúng hạn thường xuyên cũng giúp gia tăng điểm tín dụng của khách hàng.

“Sau khi cấp thẻ, các ngân hàng thương mại cần theo dõi và đôn đốc khách hàng như một khoản vay. Qua đó nhằm giúp khách hàng sử dụng thẻ hiệu quả và hạn chế phát sinh nợ quá hạn, gây ảnh hưởng cho khách hàng sử dụng thẻ” - ông Lệnh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới