Bí thư Nguyễn Văn Nên: Giáo viên yêu nghề và phải sống được với nghề

(PLO)-  Tại buổi làm việc về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Bí thư Thành uỷ TP.HCM mong Quốc hội xem xét, có thể giao TP chủ động quyết định một số chính sách, thí điểm thực hiện. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại buổi làm việc với đoàn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội làm trưởng đoàn về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã có những chia sẻ về việc triển khai chương trình cũng như đề xuất có cơ chế chính sách đặc thù cho TP.

Đầu tiên, Bí thư Nguyễn Văn Nên gửi lời cảm ơn tới đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với TP về một nội dung rất quan trọng, cần thiết và được lãnh đạo, chính quyền nhân dân TP hết sức quan tâm, đang triển khai tổ chức thực hiện.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc sáng nay. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc sáng nay. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo Bí Thư Thành uỷ, TP.HCM luôn nhận thức sâu sắc, ý thức trách nhiệm cao trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện về GD&ĐT. Trong đó, đổi mới chương trình, SGK trong giáo dục phổ thông với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản toàn diện về chất lượng, hiệu quả chất lượng đào tạo.

TP không bao giờ và chưa bao giờ ngại việc giám sát. Bởi TP.HCM là một địa bàn có nhiều vấn đề để trung ương nghiên cứu, tìm hiểu.

Bí thư Nên cho hay, báo cáo của TP.HCM về việc triển khai chương trình khá rõ, tuy nhiên phần đề cập đến đặc điểm tình hình và những vấn đề có liên quan còn khá khiêm tốn.

Đối với GD&ĐT, vấn đề có liên quan trực tiếp chính là dân số. Trong 10 năm, TP.HCM tăng khoảng 1,8 triệu dân, bình quân 1 năm tăng khoảng 200.000 dân, và trên 40.000 học sinh TP phải lo.

Con số đó không đơn giản đối với 1 tỉnh và cũng không đơn giản đối với TP.HCM. Bởi dân số hiện tại TP.HCM phải lo, đã lo chưa đạt yêu cầu, trong khi đó, TP còn phải thực hiện sứ mệnh của mình.

Bí thư Nên cho hay, TP.HCM muốn thực hiện Nghị quyết có hiệu quả phải vượt qua một số thử thách cơ bản. Trước hết dân số tăng, học sinh tăng, đồng nghĩa việc xây dựng đội ngũ giáo viên phải có kế hoạch dài hạn để đáp ứng yêu cầu.

Cơ sở vật chất cũng không ngoại lệ. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa nói có những thứ có thể chấp nhận nhưng có những thứ không thể chấp nhận vì không đảm bảo chất lượng. Việc vượt qua những thử thách này của TP không hề đơn giản. Trong khi đó, mục tiêu TP đặt ra tạo mọi điều kiện để tất cả học sinh được học tập bình đẳng.

Ông Nên chia sẻ thêm, để nâng cao chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng nhất. Muốn có đội ngũ phải có chính sách thu hút nguồn lực. Hiện, TP.HCM đang thiếu giáo viên tại một số bộ môn quan trọng như tiếng Anh, Tin học. Trong khi đó, yêu cầu đối với dạy học một công dân toàn cầu tiếng Anh, Tin học là cơ sở nền tảng. Bên cạnh đó, Nghị quyết 31 cũng giao TP đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, TP đang gặp khó.

Bí thư Thành uỷ chia sẻ thêm, với đội ngũ giáo viên còn phải tính đến chuyện bồi dưỡng chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi để họ phát triển nghề nghiệp, giáo viên phải có lòng yêu nghề, phải sống được với nghề một cách yên tâm. Vậy thực tế TP đã làm được chưa?

“Vấn đề này khó nhưng không phải không làm được. Muốn thực hiện cần phải có chính sách. Bởi chính sách rất quan trọng đối với lĩnh vực thu hút nguồn nhân lực. Ngoài ra, trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, để học sinh tương tác, sáng tạo trong nghiên cứu, trong học tập và để giáo viên dạy học thuận lợi phải sử dụng công nghệ. Tuy nhiên, nhiều trường phương tiện thiết bị cũ kỹ thì làm sao thực hiện. Vấn đề này TP đã và đang cố gắng nhưng mọi việc không đơn giản” - Bí thư Nên nói.

Do đó, Bí thư Nên kiến nghị đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét có thể giao cho TP chủ động quyết định một số chính sách, trong đó có những chính sách giao TP thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm.

"Vấn đề này cần được Bộ kế hoạch, Bộ GD&ĐT và một số bộ, ngành có liên quan ủng hộ. Hiện TP đang gặp vướng mắc thì cứ làm thử làm rồi rút kinh nghiệm. Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị cho phép được làm thí điểm, kết luận số 14 của Bộ Chính trị nêu rõ những việc gì pháp luật hiện nay không còn phù hợp hoặc yêu cầu bức xúc của xã hội đang đòi hỏi, không có văn bản quy phạm pháp luật thì được cấp thẩm quyền. Thẩm quyền bằng pháp luật, uỷ quyền bằng cơ chế pháp luật” - Bí thư Nên nói thêm.

Bí thư Nên cũng cho biết, về góc độ huy động nguồn nhân lực nói riêng, TP được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng hiện nay Tin học, tiếng Anh đã khó thì những ngành kỹ thuật khoa học xã hội khác làm sao có thể thu hút. “Họ có thể ủng hộ trong thời gian ngắn nhưng muốn bền vững phải có chính sách. Do đó, TP mong Quốc hội ủng hộ, nghiên cứu, ban hành giao cho TP được thí điểm một số việc cần thử nghiệm" - Bí thư thành uỷ nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm