Sức hút vào đại học từ kỳ thi đánh giá năng lực

(PLO)-  Đợt 1 của kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM thu hút gần 90.000 thí sinh đến từ 61 tỉnh, thành của hơn 1.800 trường THPT trên cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 26-3, đợt 1 của kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) năm 2023 của ĐH Quốc gia TP.HCM đã diễn ra với gần 90.000 thí sinh (TS) dự thi. Đây được xem là đợt thi có sức hút kỷ lục trong sáu năm tổ chức của ĐH Quốc gia TP.HCM và các cơ sở giáo dục ĐH có tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng.

Từ Bình Phước, Đồng Nai lên TP.HCM dự thi

Theo ĐH Quốc gia TP.HCM, ở đợt 1 này, kỳ thi được tổ chức đồng loạt tại 86 địa điểm thi với 47 cụm thi, ở 21 địa phương gồm: TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực sáng 26-3 tại điểm thi Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: PHẠM ANH

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực sáng 26-3 tại điểm thi Trường ĐH Quốc tế
(ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: PHẠM ANH

Trong đó, TP.HCM là địa phương có nhiều TS và cụm thi với gần 42.000 TS.

Mặc dù mạng lưới điểm thi rộng khắp các địa phương nhưng qua ghi nhận, có không ít TS chọn phương án di chuyển khá xa từ các tỉnh lên TP.HCM.

Tại điểm thi Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhiều TS đến từ Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương… Ngô Tiến Dũng đến từ Trường THPT chuyên Bình Long (Bình Phước) chia sẻ đề thi không quá khó nhưng có nhiều câu dài gây mất thời gian. Trước đó, Dũng đã học ôn chuẩn bị cho kỳ thi từ lâu bằng cách học trên lớp hoặc tải tài liệu trên mạng về học. Nhiều bạn của Dũng còn tham gia các khóa học ôn trên mạng.

Đợt 1 có 89.672 TS đăng ký dự thi đến từ 61 tỉnh, thành của 1.885 trường THPT. TS dự thi đạt 98%, kỳ thi diễn ra an toàn, không ghi nhận sai sót. Số TS vắng có nhiều lý do, trong đó có cả những em quên mang giấy tờ tùy thân nên không được dự thi.

TS đi thi chủ động hơn nên hạn chế tình trạng đi trễ. ĐH Quốc gia TP.HCM cũng phối hợp tốt với các đơn vị liên quan nên không để xảy ra tình trạng kẹt xe trong buổi thi.

Tiến sĩ NGUYỄN QUỐC CHÍNH, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM

“Ở trường em, hầu như tất cả học sinh lớp 12 đều đăng ký dự thi, vừa để thử sức vừa tăng cơ hội xét tuyển ĐH. Riêng em, em muốn xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế - Luật nên em chọn lên TP.HCM thi để tranh thủ tìm hiểu nơi mình sẽ học luôn. Em nghĩ đây cũng là trải nghiệm đáng nhớ cho tụi em” - Dũng chia sẻ.

Tương tự, dù tỉnh Đồng Nai có bốn điểm thi nhưng em Bùi Diệu Khánh vẫn quyết định cùng nhóm bạn thuê ô tô đi từ huyện Thống Nhất lên TP.HCM dự thi. Theo Khánh, nhóm em lên TP.HCM từ chiều hôm trước và thuê khách sạn nghỉ. Khánh muốn thử sức dự thi ở TP.HCM, vừa đi chơi để biết môi trường sống của sinh viên như thế nào.

Khánh nhận xét đề thi lần này có nhiều câu hỏi mở từ thực tế ở tất cả lĩnh vực. Riêng kiến thức từ sách giáo khoa chỉ khoảng 30% và theo dạng đọc hiểu nên TS không cần học thuộc bài vẫn làm được. Tuy nhiên, những câu hỏi mở đều khá khó, nhất là các bài ở môn toán và vật lý nên em làm bài chưa tốt lắm. Vì thế, em sẽ thi tiếp đợt 2 để mong có kết quả cao hơn.

Vẫn duy trì hệ thống xét tuyển chung

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết dự kiến ngày 4-4, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ công bố kết quả điểm thi ĐGNL đợt 1. TS xem điểm thi thông qua tài khoản cá nhân.

Sau khi có kết quả, từ ngày 5 đến 28-4, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ bắt đầu mở cổng trực tuyến để TS đăng ký thi đợt 2. Đáng chú ý, trong thời gian này, tất cả TS đã thi đợt 1 và chuẩn bị thi đợt 2 sẽ được đăng ký xét tuyển từ kết quả kỳ thi này.

Về công tác xét tuyển, Tiến sĩ Chính cho biết năm nay công tác xét tuyển ở phương thức này vẫn được ĐH Quốc gia TP.HCM giữ ổn định như năm 2022 để thuận lợi cho TS nhất.

Cụ thể, ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn triển khai hệ thống xét tuyển chung cho các đơn vị trong và ngoài hệ thống. Khi đó, TS chỉ cần đăng ký xét tuyển trong một đợt, được điều chỉnh và không giới hạn nguyện vọng.

Nguyện vọng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. TS chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất.

Được biết theo thống kê của ĐH Quốc gia TP.HCM, hiện có gần 90 đơn vị đăng ký sử dụng kết quả thi này để xét tuyển năm 2023, gồm 82 cơ sở ĐH, còn lại là cao đẳng.

Trong đó, những đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia dành chỉ tiêu lớn cho phương thức xét điểm thi ĐGNL này.

Như tại Trường ĐH Kinh tế - Luật dành tối đa 50% trong 2.400 chỉ tiêu ĐH vào 31 ngành/chương trình đào tạo. Trường ĐH KHXH&NV cũng dự kiến dành 38%-50% trong 3.599 chỉ tiêu cho phương thức này.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng dự kiến dành đến 40%-60% để xét điểm thi ĐGNL trong hơn 3.500 chỉ tiêu.

Với các trường ĐH, cao đẳng ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, nhiều trường dành 10%-20% chỉ tiêu cho phương thức sử dụng kết quả thi ĐGNL này.

Kỳ thi đợt 2 diễn ra tại bốn tỉnh, thành

Kỳ thi đợt 2 sẽ diễn ra vào ngày 28-5 tại bốn tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang. Thời gian đăng ký dự thi bắt đầu từ ngày 5 đến hết 28-4.

Theo ĐH Quốc gia TP.HCM, TS có thể dự thi cả hai đợt thi, kết quả đợt nào cao hơn sẽ được sử dụng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Bài thi vẫn gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Thang điểm tối đa của bài thi là 1.200.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm