Chiều 20-8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2023- 2030, chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban.
Buổi làm việc ghi nhận nhiều ý kiến góp ý của các thành viên Ban chỉ đạo xoay quanh đề án mà UBND TP đã xây dựng.
Dôi dư 728 người, TP sẽ giảm dần và có tính toán
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Kim Yến góp ý, khi sắp xếp 80 phường thuộc diện sắp xếp, phải điều chỉnh giới địa giới hành chính, buộc người dân phải điều chỉnh giấy tờ. Do vậy, TP cần chia ra từng giai đoạn để giải quyết trong quá trình chuyển đổi, tránh gây xáo trộn không đáng có cho người dân.
Phía Bộ Tư lệnh TP.HCM cũng cho biết sau sắp xếp, số cán bộ chỉ huy dôi dư là 273 người và mong TP có tính toán chính sách để hỗ trợ cho lực lượng.
Trưởng ban Nội chính Ngô Minh Châu quan tâm đến vấn đề cán bộ, sắp xếp các phường thì tài liệu hồ sơ phải minh bạch, thể hiện cụ thể, tránh trường hợp làm thất thoát hồ sơ khi nhập lại.
Cùng đó, phường mới có quy mô gấp 2,3 so với phường cũ thì công việc tăng, bộ máy phải hợp lý, hài hòa, đáp ứng yêu cầu của người dân hợp lý là rất quan trọng. Từ đó, ông cho rằng cần có phần mềm quản lý dữ liệu để thống nhất, đồng bộ.
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp nêu ý kiến về giải quyết cán bộ dôi dư sau sắp xếp cần gắn với đề án vị trí việc làm. Ông cũng quan tâm đến việc sắp xếp cơ sở vật chất dôi dư sau sắp xếp.
Ghi nhận các ý kiến góp ý cho đề án, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết về cơ sở vật chất dôi dư, quan điểm của Ban cán sự Đảng UBND TP là sẽ giữ nguyên, giao cho phường quản lý trụ sở phường cũ sau khi sắp xếp; đặc biệt là hai cơ quan quân sự và công an.
“Trước mắt vẫn giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng. Hiện nay có những nơi thiếu trụ sở khu phố thì tận dụng để phục vụ cho hoạt động của khu phố…” - ông Hoan nói.
Về số cán bộ dôi dư, ông Võ Văn Hoan cho biết tại 80 phường phải sắp xếp có 2.469 cán bộ. UBND TP đã có phương án sử dụng 1.741 người sau sắp xếp, còn dôi dư 728 người phải sắp xếp. “TP sẽ sắp xếp theo lộ trình giảm dần chứ không giảm ngay” - ông Võ Văn Hoan cho biết.
Thông tin thêm, Phó Chủ tịch UBND TP nói trường hợp cán bộ dôi dư có thể sắp xếp công việc ở vị trí khác thì TP sẽ tính toán, bố trí phù hợp. Người nào còn ở lại được tiếp tục làm đến về hưu thì tận dụng, còn với những người muốn về hưu ngay thì TP cũng sẽ tính toán chính sách. Trường hợp không bố trí được việc khác thì sẽ có cơ chế, chính sách cho những người này.
Về lo ngại việc sắp xếp sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, doanh nghiệp do chuyển đổi giấy tờ như GPLX, giấy đăng ký kinh doanh…, ông Võ Văn Hoan cho hay hướng chung là sẽ có hướng dẫn xử lý chuyển tiếp những trường hợp điều chỉnh hồ sơ; trong đó sẽ có loại thì do cơ quan nhà nước tự điều chỉnh.
“Khi người dân có nhu cầu giao dịch, TP sẽ hỗ trợ điều chỉnh luôn chứ không yêu cầu người dân phải đi chuyển đổi. TP.HCM cũng sẽ không thu phí việc chuyển đổi giấy tờ..." - Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định.
Còn về ý kiến phải đảm bảo công tác lưu trữ tài liệu khi sắp xếp, ông Hoan nói TP sẽ có hướng dẫn bàn giao nhân sự, cơ sở vật chất, tài liệu… để tiếp nhận hồ sơ giữa các đơn vị, đảm bảo việc lưu trữ chặt chẽ và sử dụng lâu dài.
“Tinh thần là phải kết thúc việc này ngay trong năm 2024, đầu năm sau toàn bộ các phường vận hành theo địa giới hành chính mới, tập trung xây dựng văn kiện để chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp” - ông Hoan thông tin.
Sớm trình chính sách với cán bộ dôi dư
Kết luận phiên họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên hoan nghênh tinh thần làm việc rất khẩn trương, lãnh đạo, chỉ đạo của UBND TP để xây dựng đề án một cách chi tiết, chặt chẽ, có chất lượng.
Bí thư Nguyễn Văn Nên, Trưởng ban chỉ đạo nhấn mạnh, khi thực hiện sắp xếp cần hạn chế tối đa những phát sinh ảnh hưởng đến đời sống người dân và tâm tư của đội ngũ cán bộ.
“Nguyên tắc là sắp xếp xong phải tốt hơn, ổn hơn… Quan trọng là phân cấp để xử lý các vấn đề phát sinh, đừng để lãng phí và tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, giao quyền để cấp dưới xử lý” - Bí thư Nguyễn Văn Nên nêu quan điểm.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả việc sắp xếp trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu tiếp tục truyền thông rộng rãi và sâu đến các đối tượng có liên quan đến việc điều chỉnh.
“Đây là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước, là một trong những nội dung quan trọng nhằm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả. Vấn đề tuy không mới nhưng lại nhạy cảm, phức tạp, tác động đến các cơ quan, tổ chức; đồng thời ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý đời sống sinh hoạt của người dân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động” - Trưởng ban chỉ đạo nhấn mạnh.
Cũng theo ông, việc sắp xếp diễn ra trong thời điểm TP.HCM phải triển khai nhiều việc quan trọng, thời điểm cuối nhiệm kỳ và chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và một số sự kiện lớn khác nên cùng một lúc dồn nhiều việc.
Cạnh đó, TP cũng phải chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI (diễn ra trong nhiệm kỳ 2026-2031) đòi hỏi các công việc phải ăn khớp theo từng đầu việc cụ thể.
Ban chỉ đạo đã thống nhất, với các nội dung, đề xuất của ban điều hành tiếp tục chỉ đạo tổ giúp việc khẩn trương hoàn thiện các nội dung. Trong đó, sớm hoàn thiện đề án sắp xếp ĐVHC để trình Bộ Nội vụ, sau đó sẽ chuyển cho Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Từ đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị UBND TP khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn sở ngành liên quan để tiếp thu, hoàn thành các nội dung có liên quan, sớm trình HĐND TP chính sách đối với cán bộ dôi dư.
“Phải có chính sách cho cán bộ dôi dư, không để cho những người này mất quyền lợi, đảm bảo cho họ yên tâm dù làm tiếp hay không. Đây là bước hết sức quan trọng”- Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.
Phân cấp để quản lý tài sản, trụ sở dôi dư sau sắp xếp
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu phải chủ động nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung những văn bản, các nghị định về sắp xếp, xử lý tài sản công và bổ sung kịp thời những quy định có liên quan.
“Bố trí sắp xếp những vấn đề có liên quan đến tài sản, trụ sở ở các ĐVHC, tránh lãng phí và phải có chủ trương rõ ràng. Chủ động nghiên cứu để có quy định riêng cho TP, phân cấp, ủy quyền chặt chẽ, đừng để sau sắp xếp phát sinh vấn đề khác” - Trưởng ban chỉ đạo yêu cầu.
Ông Nên cũng yêu cầu các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát như Ủy ban kiểm tra, đảng đoàn HĐND, Đảng đoàn MTTQ phải xây dựng chương trình giám sát để giám sát, lắng nghe, có phản biện xã hội; kịp thời uốn nắn, xử lý những phát sinh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức sau sắp xếp.
Ban Chỉ đạo cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, xử lý các phát sinh trên địa bàn tại 10 quận có sắp xếp ĐVHC.
“Việc sắp xếp với số lượng lớn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công tác quản lý nhà nước, kinh tế xã hội địa phương và đời sống của người dân nên cần quan tâm công tác truyền thông, lắng nghe tâm tư tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức với nguyên tắc không làm cho nó xấu hơn, không làm xáo trộn không cần thiết.
Trưởng ban chỉ đạo cũng yêu cầu phải có sự lắng nghe và xử lý vướng mắc phát sinh, nhất là thủ tục hành chính, mở kênh tương tác, lắng nghe phản ánh của người dân để chuyển đối các loại giấy tờ, thủ tục có liên quan, không để phiền hà đến người dân.