Bí thư TP.HCM yêu cầu cam kết về giải ngân vốn đầu tư công

(PLO)- Các đơn vị cần nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, chỉ ra điểm yếu và không tránh né trong việc tìm ra nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-10, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị chuyên đề “Công tác giải ngân vốn đầu tư công”. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh tính đến đầu tháng 10 này, TP.HCM mới giải ngân được hơn 22.000 tỉ đồng, đạt 32% trong tổng số vốn được Thủ tướng giao là hơn 70.000 tỉ đồng.

Cần nhìn thẳng và có đánh giá đúng sự thật

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng trong chín tháng công tác giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM còn chậm so với bình quân cả nước.

Tuy nhiên, từ tháng 9, khi nhận thấy vấn đề TP.HCM đã liên tục có sự đôn đốc, uốn nắn, chia sẻ để gỡ vướng cho các dự án đầu tư công. Ban Thường vụ Thành ủy cũng thành lập các đoàn kiểm tra, đi đến từng địa bàn, từng dự án để tháo gỡ, thúc đẩy nhưng tiến độ vẫn chưa đạt mong muốn, kế hoạch đề ra.

Ông Nên cho biết hiện TP có khoảng 1.500 dự án có khả năng hoàn thành hoặc hoàn thành sớm trong năm nay. Có 300 dự án có thể hoàn thành nếu có tác động. 233 dự án còn gặp nhiều khó khăn, đa phần là các dự án lớn, có tính chất quyết định với sự phát triển của TP.

Bí thư TP.HCM yêu cầu cam kết về giải ngân vốn đầu tư công
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THANH THÙY

Đứng trước tình hình đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói cần phải ngồi lại để đánh giá một cách sâu sắc, có hệ thống để chỉ ra nguyên nhân, từ đó “bấm trúng nút” để tạo sự chuyển biến. “Chúng ta cần nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, chỉ ra điểm yếu, nguyên nhân. Dự án nào yếu chỗ nào, vì cái gì, do ai. Phải nhìn thẳng sự thật, không tránh né” - Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu.

Bí thư TP.HCM chia sẻ khi ông gọi điện thoại kiểm tra đột xuất thì có lãnh đạo bảo chờ, có nghĩa là không nắm. Nơi nào không sát, không đeo bám tình hình, không chỉ đạo quyết liệt thì không có thông tin đầy đủ.

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cũng nêu rõ chỉ còn 70 ngày nữa cho kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, do đó cần đẩy nhanh tiến độ cho các dự án, chuẩn bị cho công tác đầu tư năm 2024, để các dự án không còn bị trễ hẹn như năm nay.

Kiểm tra đột xuất các lãnh đạo qua điện thoại

Kết luận hội nghị, Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ dù tỉ lệ giải ngân đầu tư công chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng chín tháng qua, toàn hệ thống chính quyền TP đã có những nỗ lực, cố gắng rất đáng ghi nhận, từ đó con số giải ngân tăng dần qua từng quý.

Ông biểu dương các đơn vị có tỉ lệ giải ngân cao và cho biết sẽ có hình thức khen thưởng thỏa đáng. “Ban Thường vụ cũng nhắc nhở, lưu ý các đơn vị giải ngân thấp, nghiêm khắc phê bình các địa phương, đơn vị giải ngân rất thấp” - ông Nên nói.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng nêu rõ hội nghị này không phải là hội nghị “đổ thừa” mà là nói thẳng, nói thật. Mỗi cá nhân phải tự xem lại mình trước khi nói về cái lỗi của người khác bởi đôi khi có lỗi của chính mình. “Sự đổ thừa dẫn đến một số dự án công trình, dự án trọng điểm, cấp bách bị vướng” - ông Nên nhấn mạnh và cho rằng năng lực chủ đầu tư còn hạn chế, có những việc cần làm thì lại không làm, tới những khâu cuối cùng cũng không chịu làm…

Ngoài ra, việc dự báo tình hình trong một số trường hợp không tốt nên không chuẩn bị được phương án đề phòng rủi ro, xử lý tình huống. Cũng có trường hợp thận trọng quá mức đến mức trì hoãn, không dám làm. Trong triển khai phối hợp có một số nơi cứ loay hoay lấy ý kiến nhiều lần, ảnh hưởng tiến độ vay vốn.

“Thà cứ nói thẳng cái này được, cái này không nên làm, chứ cứ nói lòng vòng mà không rõ ý có muốn làm hay không thì mất thời gian lắm” - Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng nhìn nhận nơi nào công tác lãnh đạo sâu sát, chỉ đạo bài bản, có trọng tâm, có giám sát, có kiểm tra tiến độ thì hiệu quả sẽ cao. Ngược lại, nơi nào lơ là, chậm trả lời thì tất nhiên hiệu quả sẽ chậm.

Ông chia sẻ vừa qua đã có những đợt kiểm tra đột xuất qua điện thoại để xem lãnh đạo nơi đó nắm việc như thế nào, để làm rõ những việc bên trên nóng, bên dưới có nóng theo không.

“Có người trả lời liền, có người bảo chờ thì có nghĩa là không nắm. Nơi nào không sát tình hình, không đeo bám tình hình, không chỉ đạo quyết liệt thì không có thông tin đầy đủ” - Bí thư TP.HCM chia sẻ.

18 dự án giải ngân dưới 95%

Trong 38 dự án mà Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM giám sát có sáu dự án đầu tư PPP không sử dụng vốn ngân sách TP và 32 dự án đầu tư công được bố trí vốn từ ngân sách.

Tổng số vốn của các dự án này là 48.000 tỉ đồng (chiếm 70% tổng số kế hoạch vốn của TP). Số vốn đã giải ngân trong chín tháng qua là 16.716 tỉ đồng, kế hoạch giải ngân dự kiến đến hết năm là 31.562 tỉ đồng, tức chỉ đạt 65,2%.

Dự kiến đến hết năm 2023, có 14 dự án bố trí vốn từ ngân sách sẽ giải ngân đạt trên 95%, 18 dự án giải ngân dưới 95%.

Phải có cam kết về giải ngân vốn đầu tư công

Với trách nhiệm của mình, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói Ban Thường vụ Thành ủy cam kết sẽ sát sao việc thực hiện giải ngân đầu tư công từ đây đến cuối năm. “Thành ủy không có quyền điều hành, chỉ có quyền thay đổi cán bộ” - ông nói.

Riêng giải pháp cho dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, Ban Thường vụ đã họp và đưa ra hai phương án gửi Thủ tướng. Dự kiến cuối năm nay sẽ triển khai vận hành theo kế hoạch, còn khi nào hoàn thành thì chưa có mốc thời gian cụ thể. “Ban Thường vụ sẽ quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, giám sát các dự án” - ông Nên nói và yêu cầu HĐND TP cần có nghị quyết kịp thời cho các dự án, chủ trương đầu tư đến cuối năm nay cũng như chuẩn bị cho năm 2024.

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM khẳng định Ban Thường vụ Thành ủy TP sẽ tiếp tục đặt trách nhiệm cao nhất từ đây tới cuối năm với công tác đầu tư công. Bởi đây không chỉ là công việc nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng hiện nay của TP mà còn góp phần thúc đẩy cho sự tăng trưởng kinh tế TP, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nói về giải pháp chế tài, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP phải có văn bản cụ thể, rạch ròi cho 70 ngày còn lại với từng sở, ngành, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

“Ai, đơn vị nào không làm việc phải làm mà không có lý do khách quan thì sẽ chịu trách nhiệm như thế nào” - Bí thư Nguyễn Văn Nên nói và yêu cầu giao luôn nhiệm vụ đầu tư cho năm 2024, không để trễ tiến độ thêm.

Ông cũng đề nghị các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư, chủ dự án, người đứng đầu có cam kết gửi Ban cán sự Đảng UBND TP và Ban Thường vụ Thành ủy. “Chậm nhất đến giữa tuần sau, Ban Thường vụ phải nhận được các cam kết này. Cấp trên cũng phải làm cùng cấp dưới, tự thúc giục mình, làm động lực cho mình để hoàn thành công việc” - Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu.

TP.HCM phấn đấu tỉ lệ giải ngân không thấp hơn 80%

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho hay với các dự án thuộc 13 tổ công tác mà Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM trực tiếp giám sát, UBND TP dự báo khả năng đạt 65% cho đến cuối năm. Ông Mãi bày tỏ mong muốn các tổ công tác trong quá trình giám sát, nếu thấy có vấn đề phát sinh cứ phản ánh trực tiếp ngay với ông để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ.

Bí thư TP.HCM yêu cầu cam kết về giải ngân vốn đầu tư công-2
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: THANH THÙY

“Dù có thể không đạt mục tiêu giải ngân 95% đến cuối năm nay nhưng con số đó cũng không thể thấp hơn 80%” - ông Mãi nói và cho biết UBND TP sẽ theo sát tiến độ đã đề ra, đôn đốc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để giải quyết. TP.HCM cũng sẽ nghiêm khắc trong việc xử lý tập thể, cá nhân chưa làm tốt trách nhiệm.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cũng cho rằng đã đến lúc phải siết chặt kỷ luật kỷ cương trong thực hiện công tác đầu tư công bằng nhiều giải pháp mạnh. Chẳng hạn, kiên quyết không giao nhiệm vụ chủ đầu tư, quản lý dự án cho các đơn vị không đảm bảo tiến độ công tác giải ngân và hiệu quả dự án.

Với 126 dự án đã được HĐND TP quyết định hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư trong năm 2023, bà Lệ đề nghị UBND TP cần có báo cáo số liệu cụ thể tỉ lệ giải ngân của các dự án này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm