Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Nhìn thẳng sự thật, chỉ rõ đầu tư công thấp do ai, vì cái gì?

(PLO)- Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu cần nhìn thẳng vào sự thật, chỉ ra những điểm yếu của việc giải ngân vốn đầu tư công và không được tránh né.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 20-10, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề “Công tác giải ngân vốn đầu tư công”.

Năm 2023, tổng số vốn đầu tư công của TP.HCM được Thủ tướng giao là hơn 70.518 tỉ đồng, số vốn UBND TP.HCM thực hiện điều chỉnh, giao bổ sung là gần 68.500 tỉ đồng. Tính đến đầu tháng 10, TP.HCM mới giải ngân được hơn 22.000 tỉ, đạt 32% trong tổng số vốn được giao.

UBND TP nhận định tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP còn khiêm tốn do tổng số vốn đầu tư công 2023 của TP giao là rất lớn (gấp 2 lần kế hoạch 2022, tương đương 10% tổng vốn đầu tư công của cả nước).

Tốc độ giải ngân trong quý II có sự chuyển biến

Phát biểu mở đầu hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, công tác đầu tư phát triển nói chung luôn được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.

bi-thu-tp-hcm-nguyen-van-nen-nhin-thang-su-that-chi-ro-dau-tu-cong.jpg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THANH THUỲ

Nhận thức đúng tình hình, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác này.

Tuy nhiên, năm 2021, toàn địa bàn gặp khó khăn do dịch COVID-19. Sang năm 2022, TP tập trung phục hồi, khắc phục khó khăn sau đại dịch. Vậy nên công tác chuẩn bị triển khai kế hoạch đầu tư công bị ảnh hưởng.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho hay, ngay từ đầu năm 2023, TP rất quan tâm đến công tác giải ngân vốn đầu tư công. Chính quyền TP cũng nhìn thấy được những sự trễ hẹn, trì hoãn, chậm kế hoạch của những năm trước đây.

“Ở quý I-2023, chúng ta khởi động và nhận thấy có độ chậm trễ về tiến độ. Đến quý II dần có sự chuyển biến dần. Tuy nhiên đến tháng 9, tốc độ giải ngân của TP.HCM còn chậm so với bình quân cả nước" - Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá.

Ngay từ khi nhận thấy vấn đề, TP.HCM đã liên tục có sự đôn đốc, uốn nắn, kiểm tra, hỗ trợ, chia sẻ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án đầu tư công.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng thành lập các đoàn kiểm tra, đi đến từng địa bàn, từng dự án để tháo gỡ, thúc đẩy nhưng tiến độ vẫn chưa đạt mong muốn, kế hoạch đề ra.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM cho biết có khoảng 1.500 dự án của địa phương có khả năng hoàn thành hoặc hoàn thành sớm trong năm nay. Có 300 dự án có thể hoàn thành nếu có tác động và 233 dự án còn gặp nhiều khó khăn, đa phần là các dự án lớn, có tính chất quyết định với sự phát triển của TP.

Đứng trước tình hình đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói ai cũng nhận thấy nhưng chưa cùng ngồi lại để đánh giá một cách sâu sắc, có hệ thống để chỉ ra nguyên nhân, từ đó “bấm trúng nút” để tạo sự chuyển biến.

"Chúng ta cần nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, chỉ ra điểm yếu, nguyên nhân. Dự án nào yếu chỗ nào, vì cái gì, do ai. Phải nhìn thẳng sự thật, không tránh né" - Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu.

Soi xét kỹ để gỡ các điểm nghẽn đầu tư công

Theo ông, sẽ có nhóm dự án đi trước, về trước thì xứng đáng được khen. Tuy nhiên, cũng có một nhóm, hay những dự án cụ thể cần phê bình, kiểm điểm, quy trách nhiệm nếu như do nguyên nhân chủ quan, không triển khai thực hiện theo tinh thần chỉ đạo.

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cũng yêu cầu các đại biểu tham dự có sự nhìn nhận, đánh giá và chuẩn bị cho công tác đầu tư năm 2024 để các dự án không còn bị trễ hẹn, đổ dồn khối lượng công việc vào cuối năm nay.

Bí thư Nguyễn Văn Nên nói về khó khăn của dự án chống ngập 10.000 tỉ của địa phương. Đây là một trong các dự án lớn còn gặp vướng mắc mà TP.HCM không thể tự giải quyết, phải báo cáo với Thường trực Chính phủ. Thủ tướng đã giao một Phó Thủ tướng làm tổ trưởng tổ tháo gỡ vướng mắc cho dự án này.

“Điều này cho thấy, từ Chính phủ đến TP.HCM và nhiều nơi khác đang tập trung cho công tác đầu tư. Tuy nhiên, độ trễ của TP.HCM rất lớn, tỉ lệ giải ngân thấp đang là thử thách cho chúng ta" - Bí thư Nguyễn Văn Nên nhìn nhận.

Cũng theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, năm nay số vốn giao cho TP lớn hơn năm 2022. Nếu cả nước có khoảng 750 dự án với khoảng 720.000 tỉ đồng thì tại TP.HCM trên các dự án đã chiếm khoảng 70.000 tỉ đồng. Số dự án tại TP.HCM nhiều hơn, có những dự án kéo dài, rất cần tháo gỡ sớm.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM mong muốn tại hội nghị này, những vấn đề của từng cá nhân, từng địa phương, từng dự án phải được làm rõ để trong 70 ngày còn lại của năm 2023, cả hệ thống sẽ khắc phục được những điểm nghẽn này.

18 chủ đầu tư chưa giải ngân đồng nào

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM báo cáo về tình hình thực hiện giải ngân đầu tư công.

Theo đó, có 8/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư và 5/22 địa phương thực hiện giải ngân trên 51% so với mức bình quân của cả nước, với tổng kế hoạch vốn năm 2023 là 3.000 tỉ đồng, đã giải ngân 2.000 tỉ đồng (tỉ lệ 68%).

Có 34/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư và 17/22 địa phương thực hiện giải ngân thấp hơn 51% với tổng kế hoạch vốn năm là 55.000 tỉ đồng, đã giải ngân 19.000 tỉ đồng (đạt 34%).

Có 18/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư thực hiện giải ngân với tổng kế hoạch vốn năm 2023 là 5.000 tỉ đồng.

Đánh giá về khả năng giải ngân đến hết năm nay, UBND TP.HCM cho biết, có 1.807 dự án đã được chủ đầu tư xác định giải ngân đạt 95%, trong đó có 28 dự án cần phải đẩy nhanh tiến độ các nội dung liên quan để kịp giải ngân.

Có 233 dự án dự kiến giải ngân dưới 95% với tổng số vốn dự kiến không giải ngân được trong năm 2023 là 19.000 tỉ đồng, chiến 28,4% tổng kế hoạch vốn năm 2023 của TP.

Nguyên nhân được xác định là các dự án bị ảnh hưởng bởi công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Đây luôn là khâu gây ra ách tắc trong nhiều năm qua, được các sở ngành liên tục đề cập qua các buổi giám sát, làm việc cùng HĐND và UBND TP.

Cụ thể, có đến 98 dự án không đảm bảo tỉ lệ giải ngân bởi công tác này với tổng kế hoạch vốn năm 2023 là 31.000 tỉ đồng; đến nay chỉ mới giải ngân 12.000 tỉ đồng (đạt 39,31%). Số vốn dự kiến không thể giải ngân là 12.000 tỉ đồng (chiếm 17,6% tỉ lệ vốn giao).

Phân tích cụ thể từng nguyên nhân, UBND TP cho rằng có nhiều dự án chưa được các đơn vị, địa phương khảo sát, tính toán kỹ chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư. Việc này dẫn đến khi phê duyệt phương án, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực tế thấp hơn rất nhiều so với dự án được duyệt nên không giải ngân hết vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được giao.

TP.HCM có 12 dự án bị nghẽn vì lý do này, vối số vốn giao là 18.000 tỉ đồng, số vốn dự kiến không thể giải ngân được là 5.000 tỉ đồng.

UBND TP cũng chỉ ra một số dự án có giá trị thực tế chi thấp hơn giá trị dự toán rất lớn. Đơn cử là dự án Vành đai 3 với giá trị dự toán cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được duyệt là 18.000 tỉ đồng (theo quyết định chủ trương đầu tư là 25.600 tỉ đồng), trong khi thực tế giải chi dự kiến gần 11.000 tỉ đồng; số vốn năm 2023 dự kiến không giải ngân được là 3.251 tỉ đồng...

UBND TP còn cho rằng một số địa phương gặp khó khăn trong việc bàn giao, sửa chữa, cải tạo căn hộ tái định cư để đảm bảo tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chậm trong việc thực hiện thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư nên không có khả năng giải ngân cho phần vốn bố trí để thi công dự án. Nguyên nhân này làm ách tắc 79 dự án, với số vốn giao là 10.000 tỉ đồng, số vốn dự kiến không giải ngân được là 5.000 tỉ đồng (tỉ lệ 8,3% tổng số vốn giao)...

Riêng với 38 dự án mà Ban Thường vụ Thành uỷ đã phân công các tổ để giám sát, có sáu dự án đầu tư PPP không sử dụng vốn ngân sách TP và 32 dự án đầu tư công được bố trí vốn từ ngân sách TP. Tổng số vốn năm 2023 của các dự án này là 48.000 tỉ đồng (chiếm 70% tổng số kế hoạch vốn của TP). Số vốn đã giải ngân trong chín tháng qua là 16.716 tỉ đồng (đạt 35%), kế hoạch giải ngân dự kiến đến hết năm là 31.562 tỉ đồng, tức chỉ đạt 65,2%.

Trong 32 dự án này, có 14 dự án đến hết năm sẽ giải ngân đạt trên 95%, còn lại 18 dự án kế hoạch giải ngân dưới 95%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm