Mới đây, bà M. đã gửi đơn ra TAND quận X (TP.HCM) yêu cầu tuyên bố người chồng của bà mất tích. Theo bà, trước đây chồng bà cùng một số người khác thực hiện nhiều vụ cướp giật tài sản, bị công an truy bắt. Sợ phải vào tù, chồng bà đã gom sạch tài sản quý giá trong nhà rồi bỏ đi biệt tăm. Gần năm năm nay, chồng bà không hề liên lạc gì với gia đình. Hiện chồng bà vẫn đang bị truy nã.
Mòn mỏi chờ “một nửa”
Nhận được đơn của bà M., sau khi nghiên cứu, TAND quận X đã trả lại đơn, từ chối thụ lý. Theo tòa, chồng bà M. thuộc trường hợp trốn lệnh truy nã của công an chứ không phải là mất tích thông thường nên không thể giải quyết yêu cầu của bà M. được.
Bà M. đã rất bức xúc vì nếu tòa không tuyên bố chồng bà mất tích, bà sẽ không thể ly hôn vắng mặt người chồng được. Trong khi đó, người chồng cứ biền biệt không tung tích, bà muốn làm lại cuộc đời, muốn xây dựng hạnh phúc mới cho mình mà không biết phải làm sao.
Trường hợp như của bà M. không phải là hiếm. Năm 2008, TAND một huyện ở tỉnh Thái Nguyên cũng thụ lý, giải quyết vụ anh Đ. yêu cầu tuyên bố người vợ mất tích. TAND huyện này đã tiến hành đầy đủ các thủ tục nhắn tin tìm kiếm vợ anh Đ. trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hết thời hạn bốn tháng, tòa dự kiến mở phiên xử để xét yêu cầu của anh Đ.
Tuy nhiên, ngay trước ngày xử, tòa đã nhận được quyết định truy nã vợ anh Đ. (có từ hai năm trước) của công an tỉnh. Lúc đó tòa mới biết rằng vợ anh Đ. đã bỏ đi khỏi địa phương để trốn thi hành một bản án hình sự tám năm tù. Lúng túng, tòa không biết xử sao nên đành đình chỉ vụ kiện.
Tuyên bố mất tích được không?
Hiện nay, pháp luật dân sự chưa có quy định điều chỉnh việc giải quyết yêu cầu tuyên bố mất tích đối với người đang bị truy nã nên xung quanh chuyện này đang có hai luồng quan điểm trái ngược nhau.
Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng quyết định truy nã là cơ sở pháp lý để khẳng định chồng (hay vợ) của một người đã biệt tích. Nếu thời hạn trốn truy nã đã hơn hai năm thì tòa nên chấp nhận yêu cầu tuyên bố người chồng (hay người vợ) của đương sự mất tích và giải quyết ly hôn cho họ theo quy định của pháp luật dân sự.
Những người theo quan điểm này phân tích: Trên thực tế, người bị truy nã có thể đang sống lẩn trốn hoặc đã chết mà không ai biết. Trường hợp họ còn sống, qua báo đài biết thông tin tìm kiếm nhưng vẫn cố tình im lặng để trốn tránh pháp luật, nếu không giải quyết tuyên bố mất tích thì yêu cầu ly hôn chính đáng của chồng (hay vợ) họ có thể bị “treo” mãi mãi.
Ngược lại, có quan điểm cho rằng người đang bị truy nã, về mặt pháp lý là đang lẩn trốn chứ không phải là biệt tích. Người bị truy nã là người có dấu hiệu phạm tội, còn người biệt tích là người không phạm tội. Hơn nữa, nếu tuyên bố mất tích, sau ba năm, vợ (hay chồng) của người bị truy nã lại có quyền yêu cầu tuyên bố người này đã chết. Sự kiện này sẽ dẫn đến việc lệnh truy nã mất hiệu lực pháp luật.
Như vậy, nếu tuyên bố người bị truy nã mất tích có thể dẫn đến nhiều hệ quả pháp lý rắc rối về sau. Thế nhưng nếu tòa không giải quyết thì sẽ làm thiệt thòi cho vợ (chồng) của người bị truy nã. Chẳng lẽ họ sẽ bị “giam lỏng” cả đời mình, không thể xây dựng hạnh phúc mới, cuộc sống mới nếu như vợ (chồng) của họ mãi mãi không xuất hiện?
Thẩm phán Trương Công Huấn, TAND quận 11 (TP.HCM): Cần có hướng dẫn Điều 78 Bộ luật Dân sự 2005 quy định một người nếu biệt tích hơn hai năm liền, đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm nhưng không có tin tức chính xác thực về sống hay chết thì người có quyền lợi liên quan có thể yêu cầu tòa tuyên bố người này mất tích. Sau đó, trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì tòa án giải quyết cho ly hôn. Đáng chú ý là điều luật này lại không hề phân biệt người bị tuyên bố mất tích đã biệt tích vì lý do gì nên không loại trừ trường hợp biệt tích do trốn lệnh truy nã. Tuy nhiên, để đạt được sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn về vấn đề này, thậm chí nếu cần thì phải “luật hóa” cho cụ thể. |
HOÀNG YẾN