Sợ phải vào tù, người chồng bỏ đi biệt tăm. Gần năm năm nay, người chồng không hề liên lạc gì với gia đình. Hiện người chồng vẫn đang bị truy nã. Theo tòa, do người chồng thuộc trường hợp trốn lệnh truy nã của công an chứ không phải là mất tích thông thường nên tòa không thể giải quyết.
Khi từ chối tuyên bố mất tích đối với người đang bị truy nã, tòa án đã vô tình buộc vợ (chồng) của họ không thể thiết lập quan hệ hôn nhân mới mà phải ngóng cổ chờ người mất tích chẳng biết khi nào mới trở về. Quan trọng hơn, từ chối này không đúng luật.
Nhập nhằng giữa truy nã và tuyên bố mất tích thể hiện sự lẫn lộn mối quan hệ công dân - chính quyền với mối quan hệ công dân - công dân. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, quyết định truy nã dành cho bị can bỏ trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu, bị cáo trốn tránh không có mặt tại tòa, người bị kết án tù đang tại ngoại mà bỏ trốn, người đang chấp hành hình phạt tù mà trốn khỏi trại giam. Quyết định truy nã phát ra nhằm tìm kiếm bị can, bị cáo, bị án, buộc họ phải chịu trách nhiệm trước nhà nước và xã hội về hành vi nguy hiểm mà họ đã làm.
Quan hệ vợ chồng là quan hệ giữa hai cá nhân công dân. Bộ luật Dân sự cho phép một người được yêu cầu tòa án tuyên bố vợ (chồng) của mình mất tích nếu họ đã đi đâu biệt tích từ hai năm liền trở lên. Luật không quy định lý do biệt tích, không loại trừ trường hợp bị truy nã. Hễ không có tin tức xác thực rằng vợ (chồng) còn sống hay đã chết, đã thông báo tìm kiếm mà vô vọng thì người còn lại được yêu cầu tòa án tuyên bố mất tích. Với quyết định tuyên bố mất tích, Luật Hôn nhân, Gia đình năm 2000 cho phép người còn lại được nộp đơn yêu cầu tòa án giải quyết cho ly hôn. Bởi khi vợ (chồng) mất tích, quan hệ vợ chồng của họ chỉ là quan hệ ảo, không có đời sống chung và mục đích hôn nhân thực tế không đạt được.
Có ý kiến cho rằng nếu tuyên bố mất tích và ba năm sau thì tuyên bố chết, lệnh truy nã sẽ mất hiệu lực pháp luật. Ý kiến này hoàn toàn không hợp lý. Bởi Điều 80, 83 Bộ luật Dân sự đã quy định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích hoặc tuyên bố chết khi người đó trở về. Thời gian lẩn tránh không tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Thậm chí điểm a khoản 2 Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự còn cho phép tòa án được xét xử vắng mặt bị cáo nếu bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả.
Luật không ràng buộc thẩm phán nhưng thẩm phán lại cho phép mình được ràng buộc đương sự bằng những suy nghĩ chủ quan của cá nhân. Thẩm phán nào dám chắc người bị truy nã thực sự đang lẩn tránh, hay đã xui xẻo gặp phải chuyện không may và đã chết? Do vậy, với việc từ chối tuyên bố mất tích đối với người đang bị truy nã, tòa án đương nhiên cũng từ chối tuyên bố chết đối với người đang bị truy nã. Lúc này, vợ (chồng) của người bị truy nã mãi mãi bị ràng buộc bởi một quan hệ hôn nhân ảo và không bao giờ có thể kết hôn với người khác. Và như vậy, tòa án đã xâm phạm quyền lợi hợp pháp của một công dân, buộc họ phải gánh chịu hậu quả từ hành vi bất hợp pháp của người khác.
THẠCH PHƯƠNG NGHI(79gianghi@gmail.com)