Saigon Petro cho biết, năm 2021, hệ thống phân phối của Saigon Petro có hơn 10 cửa hàng sở hữu, đồng sở hữu. Một công ty cổ phần do Saigon Petro sở hữu 40% vốn điều lệ có 32 cửa hàng trực thuộc. Ngoài ra, Saigon Petro có 73 thương nhân nhận quyền bán lẻ; 47 thương nhân phân phối. Không có tổng đại lý và đại lý.
Theo quy định tại khoản 5 điều 7 Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống phân phối xăng dầu: “Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu của doanh nghiệp, tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân”.
Saigon Petro cho biết do năm 2021 công ty không có tổng đại lý và đại lý bán lẻ mà có 73 thương nhân nhượng quyền bán lẻ, vì vậy đoàn thanh tra Bộ Công Thương đã kết luận công ty có hành vi vi phạm hành chính: Không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định.
Tuy nhiên, theo Saigon Petro, hai hình thức đại lý bán lẻ và nhượng quyền bán lẻ là tương đương nhau, đều nằm trong hệ thống phân phối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đầu mối.
Tiếp tục phân tích, Saigon Petro cho hay ngày 1-11-2021, Nghị định 95 được ban hành và sửa đổi khoản 5 điều 7 Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Theo đó quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống phân phối xăng dầu: “Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 5 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp; tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân”.
“Với quy định này, Saigon Petro đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hệ thống phân phối, vì Saigon Petro luôn có trên 40 thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu. Như vậy đến thời điểm hiện tại, Saigon Petro đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định” - Saigon Petro khẳng định.
Saigon Petro cho hay, trong thời gian qua, thị trường kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn cung, nhưng công ty luôn thực hiện tốt trong việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Tháng 8, lượng cung ứng của công ty tăng đột biến hơn 200% so với tháng 7, do thị trường có dấu hiệu khan hiếm nguồn cung dù công ty đang bị lỗ nặng.
Saigon Petro cho biết, việc Bộ Công Thương tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của công ty sẽ gây ra hàng loạt hậu quả.
Đó là hệ thống phân phối của Saigon Petro bị mất nguồn cung trên 50.000 m3/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể sẽ phải đóng cửa. Theo Saigon Petro, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thị trường, gây hậu quả tiêu cực tới hoạt động kinh tế xã hội khu vực mà hệ thống này cung cấp.
Cạnh đó, công ty sẽ bị phạt hợp đồng với Công ty lọc hoá dầu Bình Sơn, Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn trong tháng 9 với số lượng hợp đồng 40.000 m3 xăng dầu.
Công ty cũng sẽ bị phạt hợp đồng nhập khẩu đối với khách hàng nước ngoài đã ký hợp đồng giao hàng trong tháng 9 và đồng thời hàng đã và đang trên đường về cảng Cát Lái. Công ty sẽ bị phạt tàu do không thể mở tờ khai nhập hàng để nhập hàng lên bồn và thông quan hàng hoá…
Từ hệ luỵ khi bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, cũng như năng lực hiện tại của công ty, Saigon Petro kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương xem xét dừng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để công ty không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như giữ ổn định thị trường, và bảo tồn vốn của nhà nước.
Theo nguồn tin của PLO, ngoài Saigon Petro, ngày 3-9, Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp, trực thuộc UBND tỉnh Đồng Tháp cũng có văn bản khẩn gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương với nội dung kiến nghị tương tự.