Ngày 7-11, tại TP.HCM, Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội gây thiệt hại cho cá nhân và tổ chức - Thực trạng, phòng ngừa và đề xuất”. Nhiều ý kiến cho rằng các cá nhân, DN thường có tâm lý ngại kiện tụng và xử lý chậm dẫn đến những thiệt hại nặng nề khi bị tung tin đồn thất thiệt, bêu xấu trên mạng xã hội.
Đại diện một DN mỹ phẩm tại TP.HCM, cho biết cô vừa quản lý cấp cao cho nhãn hàng mỹ phẩm vừa làm đại sứ thương hiệu hình ảnh DN, đang chuẩn bị những thủ tục để khởi kiện phía một cá nhân khác là “đối thủ” của DN vì nói xấu cô và sản phẩm DN trên mạng xã hội Facebook.
“Những thông tin không chính xác, video bôi xấu sản phẩm công ty và xúc phạm tôi đã được quay clip lại làm bằng chứng. Đồng thời, tôi đang liên hệ với đơn vị thừa phát lại để lập vi bằng làm chứng cứ khởi kiện ra tòa.
Chỉ trong một thời ngắn dù thông tin sai sự thật nhưng đã gây thiệt hại cho DN rất lớn, doanh số bán hàng sụt giảm, bản thân tôi bị mất uy tín, xúc phạm danh dự nghiêm trọng” - vị đại diện DN trên chia sẻ.
Nhiều cá nhân, doanh nghiệp thiệt hại nặng nề vì khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch VLCAC, cũng cho biết khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội đã khiến nhiều doanh nghiệp thiệt hại rất lớn. Như trường hợp một DN thực phẩm, sau khi bị tung tin đồn sai sự thật sản phẩm gây ung thư dù cơ quan chức năng, thậm chí Chính phủ thông tin “minh oan” nhưng DN đã “chết lâm sàng”.
Hay mới đây, một DN niêm yết trên sàn chứng khoán đã thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng chỉ vì những tin đồn sai sự thật tung lên trên mạng xã hội khiến cổ phiếu lao dốc, DN thiệt hại.
Theo luật sư Hậu, hiện tại theo Bộ luật Dân sự, Hình sự đã có quy định rất rõ ràng , có chế tài xử phạt về các hành vi tung tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Cảnh báo rủi ro, phòng ngừa khủng hoảng truyền thông trên mạng Athena, nếu có đầy đủ công cụ phòng ngừa rủi ro khủng hoảng truyền thông trên mạng, cá nhân, doanh nghiệp có thể ngăn chặn sự cố truyền thông khi chúng mới chỉ là “đốm lửa” nhỏ xuất hiện trên mạng xã hội.
“Đã xuất hiện những vụ cạnh tranh giữa các thương hiệu bằng sử dụng truyền thông mạng xã hội để đả kích, tấn công đối thủ. Nếu doanh nghiệp bị tấn công không trang bị các công cụ cần thiết để phòng ngừa rủi ro, những mâu thuẫn nhỏ như hạt cát giữa khách hàng và doanh nghiệp cũng dễ dàng bị thổi bùng lên thành những cơn bão truyền thông trên mạng”.
Chính vì vậy, được lựa chọn như một giải pháp tăng cường hệ thống quản trị thương hiệu, quản trị truyền thông cũng như chăm sóc khách hàng trên mạng một cách hiệu quả hơn. So với công cụ theo dõi thông tin qua mạng xã hội này thì cách theo dõi mạng lưới truyền thông của báo giấy, truyền hình... đã chậm hơn nhiều.
Theo các chuyên gia đánh giá rủi ro truyền thông trên mạng xã hội, nếu doanh nghiệp phát hiện những thông tin xấu xuất hiện trên mạng càng sớm thì tác động tiêu cực của những thông tin này càng được giảm bớt; hiệu quả xử lý khủng hoảng truyền thông càng cao.
Sử dụng tốt các công cụ truyền thông mạng xã hội, doanh nghiệp như “bắn một mũi tên trúng hai đích”: vừa có thể khuếch trương thanh thế, vừa phòng ngừa các sự cố truyền thông.