'Tôi thủng túi 1 tỉ đồng chỉ vì... tin đồn thất thiệt'

Từ nhà đầu tư nhỏ lẻ cho đến nhà đầu tư chuyên nghiệp đều có thể trở thành nạn nhân của những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội. Chẳng hạn như gần đây nhất, khi thông tin ông Trần Bắc Hà, cựu lãnh đạo của ngân hàng BIDV bị bắt lan tràn trên mạng xã hội thì ngay lập tức nhóm cổ phiếu ngân hàng lao dốc.

Do đó, các nhà đầu tư cần phải rất tỉnh táo để nhận diện đó có căn cứ hay không. Mà ngay cả là tin tức có căn cứ đi chăng nữa thì cũng phải thẩm định xem nó có tác động đến thị trường chứng khoán hay không, để từ đó mình có quyết định bán hoặc tiếp tục đầu tư.

“Thủng túi” vì một tin đồn

Từ một tin đồn đoán thất thiệt, không có căn cứ mà không ít nhà đầu tư đã phải nhận trái đắng trong phiên giao dịch ngày 9-8 vừa qua. Bà Nguyễn Thị Hà, một nhà đầu tư cho biết: “Đầu tháng 8 vừa qua, tôi mua cổ phiếu BID với giá trên 22.000 đồng/cp, nhưng sau khi có tin đồn về cựu lãnh đạo ngân hàng BIDV bị bắt giá thời điểm đó đã giảm xuống còn 20.000 đồng/cp. Với 500.000 cổ phiếu BID mà tôi đầu tư, chỉ vì một tin đồn vô căn cứ mà tôi đã bị “bay” mất khoảng 1 tỷ đồng chỉ sau đúng 1 tuần”. 

Tính chung phiên ngày 9-8, toàn thị trường niêm yết đã “bay hơi” 45.849 tỉ đồng, tương ứng với hơn 2 tỉ USD. Trong đó, nhóm ngân hàng giảm mạnh nhất, với 10 nhà băng niêm yết trên sàn đã mất 15.725 tỉ đồng, tương đương khoảng 639 triệu USD. Riêng cổ phiếu BIDV đã cuốn bay của thị trường 7.521 tỉ đồng.

Trong khi đó, anh Dương Minh Thắng, nhà đầu tư cá nhân cho biết: Ai cũng hiểu trong những thời điểm thị trường hoảng loạn kịch độ như vậy, nhà đầu tư cần có cái đầu lạnh để tìm kiếm cơ hội đầu tư từ những cổ phiếu mà tình hình kinh doanh vẫn ổn định và không bị ảnh hưởng bởi tin đồn. Nếu làm tốt những điều này thì nhà đầu tư không nhưng không bị “thủng túi” mà còn có cơ hội kiếm lời nhanh chóng.

“Nhưng đó chỉ là quan điểm về mặt lý thuyết còn thực tế điều này là vô cùng khó bởi khi một thông tin bị đẩy ra thị trường theo kiểu tin đồn thì khó ai có thể ước lượng được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Do đó trong “tâm bão”, thói quen đồng loạt cắt giảm tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ của đại đa số nhà đầu tư là chuyện có thể hiểu được”, anh Thắng nêu quan điểm.

Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Nhà đầu tư chứng khoán thì dù ở Việt Nam hay Mỹ cũng đều có thể bị ảnh hưởng bởi tin đồn, chỉ khác nhau ở mức độ “sát thương” theo từng dạng tin đồn dạng nào mà thôi.

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia chứng khoán cho rằng: “Để đánh giá được mức độ tác động thì phải tùy thuộc vào thời điểm, loại tin đồn, tập trung vào vấn đề gì, ngành nghề nào, có đang "hot" hay không... Tuy nhiên như câu nói "TTCK là phong vũ biểu của nền kinh tế" nên những tin đồn đánh vào trực tiếp kinh tế sẽ ảnh hưởng mạnh đến TTCK, nên còn gọi là rủi ro hệ thống mang tính chất bao trùm toàn thị trường”. 

Để tránh bị “chết chùm”, nhà đầu tư chứng khoán cần quan sát thị trường bằng cái đầu lạnh.-Ảnh  minh họa

Làm gì để vượt qua tâm bão?

Theo ông Hiếu, trong vụ việc thị trường mất hàng tỷ USD chỉ trong một phiên giao dịch như đợt vừa qua trước hết về phía cơ quan chức năng, cần phải điều tra, xử lý những cá nhân đẩy tin đồn thất thiệt ra thị trường nhằm gây ra sự xáo trộn, tạo ra sóng bán tháo cổ phiếu để họ trục lợi, kiếm lời. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần phải bình tĩnh để thẩm định độ chính xác cũng như mức độ nguy hại của tin đồn.

“Giả sử tin đồn về việc bắt giữ một cá nhân trong ngành ngân hàng là xác thực đi chăng nữa cũng không ảnh hưởng gì đến thị trường chứng khoán, bởi việc xử lý sai phạm cá nhân sẽ không làm ảnh hưởng đến chính sách an ninh tiền tệ”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Lâm, chuyên gia chứng khoán cho biết: Tin đồn cũng là một dạng rủi ro “trên trời” rơi xuống, rất khó để đoán định. Hơn nữa nhà đầu tư cần bình tĩnh và căn cứ vào thông tin chính thống để đưa ra quyết định mua bán, không thể vì tin đồn mà bán tống bán tháo. Một số nhà đầu tư có tâm lý đám đông nên khi nghe tin đồn là bán mà không phân tích để có quyết định chính xác. Thực tế là có nhà đầu tư chuyên nghiệp đã nhìn thấy cơ hội mua vào từ trong tâm bão.

Điều này cũng cho thấy ứng xử với tin đồn, hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức, kinh nghiệm, khả năng phân tích của từng người.

Theo ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ai cũng hiểu ứng phó với tin đồn luôn cần thời gian giải quyết cấp bách. Tuy nhiên, xác minh nguồn tin bao giờ cũng có độ trễ do qui trình làm việc cần có sự phối hợp của nhiều ban ngành, đối tượng liên quan.

Chính vì vậy, trong tương lai chắc chắn sẽ cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa UBCKNN với cơ quan an ninh tài chính tiền tệ, Tổng Cục thuế, … trong việc trao đổi thông tin, truy tìm các dấu vết liên quan đến tài sản. Qua đó giúp các bên xác định tin đồn có ý đồ, mục đích gì, để nhanh chóng điều tra và xử lý các vụ gian lận trên thị trường chứng khoán một cách triệt để hơn.

Một lãnh đạo của một công ty chứng khoán cho biết: “Chính sự chậm trễ từ khi có tin đồn đến khi có thông tin chính thống mới khiến cho nhà đầu tư dễ bị ảnh hưởng bởi tin đồn và là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất. Do đó, để ứng vững trước những tin đồn thất thiệt, chính bản thân doanh nghiệp cũng như cá nhân liên quan cần phải minh bạch thông tin, chủ động công bố thông tin.

“Bên cạnh đó Nhà nước cũng cần có hành lang pháp lý cho việc xử lý tin giả và thông tin gây thù ghét để bảo vệ cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Phản ứng trước tin đồn càng nhanh bao nhiêu thì càng đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư bấy nhiêu”,.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm