Biên bản giữ bằng lái không thể thay GPLX

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 20-7 có bài “Bị giữ bằng lái, có được chạy tiếp?” phản ánh vụ tranh chấp bảo hiểm liên quan đến việc tài xế tiếp tục chạy xe sau khi vi phạm giao thông và bị tạm giữ giấy phép lái xe (GPLX). Công ty Bảo hiểm B. từ chối thanh toán với lý do “tại thời điểm xảy ra tai nạn, lái xe không có GPLX hợp lệ”…

Từ vụ việc này lộ ra một vấn đề liên quan đến số đông. Sau khi vi phạm giao thông và bị tạm giữ GPLX để chờ CSGT ra quyết định xử phạt và thực hiện nộp phạt, cá nhân vẫn được tiếp tục lái xe hay phải tạm ngưng cho đến khi được giao trả GPLX? Có được dùng biên bản tạm giữ GPLX để thay cho GPLX?... Chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau.

Luật sư TÔ NGỌC MINH TUẤN (Đoàn Luật sư TP.HCM):

Pháp luật giao thông còn bất ổn

Theo khoản 3 Điều 57 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ giấy phép lưu hành phương tiện hoặc GPLX hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Đáng nói là trong thời gian bị tạm giữ GPLX, cá nhân có buộc phải ngưng lái xe hay không thì lại không có văn bản nào minh định và thực tế lâu nay người ta vẫn cứ tiếp tục lái xe bằng… biên bản tạm giữ GPLX.

Biên bản giữ bằng lái không thể thay GPLX ảnh 1

Có thể nâng mức phạt tại chỗ để giảm thiểu việc tạm giữ GPLX nhằm hạn chế những phát sinh không hay cho cả người vi phạm lẫn CSGT? Ảnh: MT

Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định rõ điều kiện của người lái xe tham gia giao thông: “1. Người lái xe tham gia giao thông phải… có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp… 2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau: a) Đăng ký xe; b) Giấy phép lái xe…”. Theo đó, phải hiểu rằng dù trong bất kỳ tình huống nào thì người lái xe cũng phải có GPLX mang theo người và nếu không làm được điều này thì có nghĩa là cá nhân không đủ điều kiện lái xe, nói thẳng ra là không được phép lái xe.

Có thể sẽ có ý kiến nếu pháp luật không cấm thì cá nhân được tiếp tục điều khiển xe sau khi chỉ bị tạm giữ GPLX. Thế nhưng cũng phải khẳng định cán bộ chỉ được phép làm những gì pháp luật quy định. Nếu không có quy định về những loại giấy tờ có thể thay thế GPLX thì CSGT không thể mặc nhiên công nhận biên bản tạm giữ GPLX có giá trị như GPLX để từ đó du di, không xử phạt vi phạm.

Có một nguyên nhân bao trùm trong vụ việc, đó là cách phạt tiền vi phạm giao thông. Pháp luật hiện hành chỉ cho nộp phạt tại chỗ đối với các vi phạm có mức phạt đến 200.000 đồng; các vi phạm có mức phạt cao hơn buộc phải đến kho bạc nộp phạt. Vì lẽ này mà CSGT phải tạm giữ GPLX để ràng buộc người vi phạm nộp phạt. Thế nhưng khi đang trong quy trình xử lý vi phạm A mà vẫn để tài xế chạy tiếp trong tình trạng không có GPLX thì hóa ra CSGT lại làm cho đối tượng có thêm vi phạm B. Hành vi A chưa xử lý xong lại chồng thêm hành vi B (mà không bị xử lý), vậy còn gì là chức năng ngăn ngừa, xử lý vi phạm của lực lượng CSGT?

Hiện các bộ chức năng đang xây dựng quy định nộp phạt giao thông qua tài khoản cá nhân để khắc phục các bất ổn liên quan từ việc nộp tiền mặt. Chắc rằng với quy định này thì tình trạng lái xe bằng biên bản tạm giữ GPLX “trớ trêu” như đã nêu trên cũng sẽ bị loại bỏ. Song trước mắt phải tính sao để giảm thiểu việc tạm giữ GPLX nhằm hạn chế những phát sinh không hay cho cả người vi phạm lẫn CSGT?

ÔngLÊ HỒNG HƯNG, Trưởng phòng Điều tra chống trục lợi bảo hiểmCông ty Cổ phần Bảo hiểm AAA:

Phải được chi trả bảo hiểm

Hành vi “không mang theo GPLX” hoàn toàn khác với hành vi “không có GPLX”. Không mang theo có nghĩa là có GPLX nhưng vì nhiều lý do mà không có sẵn trong người như: quên mang, bị thất lạc, bị CSGT tạm giữ để phục vụ việc xử phạt vi phạm giao thông...

Theo khoản 4b Điều 24 Nghị định 34/2010 của Chính phủ, hành vi không mang theo GPLX khi điều khiển xe ô tô chỉ phải chịu hậu quả pháp lý rất nhẹ là phạt tiền từ 120.000 đến 200.000 đồng. Ngoài ra, không có thêm biện pháp chế tài nào khác liên quan đến quyền điều khiển phương tiện.

Như vậy, với trường hợp cụ thể nêu trong bài viết, tài xế T. không thuộc trường hợp “không có GPLX hợp lệ” nên không thể bị loại trừ bảo hiểm.

ÁI NHÂN ghi

KHÁNH HẠ (Quận Tân Phú, TP.HCM):

Không nên bồi thường

Là tài xế tôi từng bị CSGT lập biên bản tạm giữ bằng lái, xong chuyến đi mới về nộp phạt. Có lần chỉ lấn trái một tí từ đường Pasteur qua Võ Thị Sáu, tôi đã bị giữ bằng, trong khi đó ngày mai tôi phải lái xe công tác Hà Nội dài ngày. Vậy mà lại hay! Trong chuyến đi đó, tôi có vi phạm mấy lần về tốc độ nhưng cứ nhỏ nhẹ trưng ra biên bản là được cho qua. Đồng nghiệp tôi còn cho biết một khi đã bị giữ bằng lái thì họ khai thác gần hết thời hạn ghi trong biên bản rồi mới tiến hành nộp phạt. Nghĩa là trong quá trình lái xe, chúng tôi không còn mang theo bằng lái bên mình như luật quy định mà vẫn ung dung lưu thông trên đường! May thay là những chuyến đi không bằng lái ấy nhiều tài xế đã không gây tai nạn vì sự chủ quan không chấp hành đúng luật giao thông của mình.

Trong vụ việc của ông H., theo tôi, việc Công ty Bảo hiểm B. không bồi thường là có căn cứ. Ngoài việc điều lệ bảo hiểm của họ có quy định rõ thì còn lẽ này: Một khi tài xế bị tạm giữ bằng lái là đã có vấn đề về nghề nghiệp, anh ta không còn đủ tư cách điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ nữa.

Được phép điều khiển xe

Công an huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đã xác định đúng về việc tài xế T. vẫn được điều khiển phương tiện. Bởi vi phạm của tài xế (để người ngồi trên buồng lái quá số người quy định) không thuộc các lỗi bị tước quyền sử dụng GPLX. Do chỉ bị tạm giữ GPLX để bảo đảm cho việc nộp phạt nên phải hiểu là tài xế vẫn có GPLX hợp lệ và được phép điều khiển xe.

Ông NGUYỄN KIM HẢI, Trưởng phòng Hướng dẫn tổ chức công tác tuần tra kiểm soát giao thông
- Cục CSGT đường bộ - đường sắt

THÀNH VĂN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm