Hôm nay (26-8), Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức họp báo công bố báo cáo "Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn". Tại đây, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến về các biện pháp Việt Nam cần hướng đến để phát triển thị trường vốn, trong đó huy động nguồn tiền từ bảo hiểm xã hội là một kênh quan trọng được nhắc đến.
Chuyên gia kinh tế trưởng của WB, ông Andrea Coppola, khẳng định để trở thành quốc gia thu nhập cao, Việt Nam cần tăng cường huy động tài chính cho các dự án dài hạn - đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và chuyển đổi khí hậu—với các nguồn lực bổ sung ước tính chiếm 7% GDP chỉ riêng cho các dự án cơ sở hạ tầng. Xét với quy mô GDP năm 2023 của Việt Nam, con số này tương đương 30 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Phân tích của chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, ông Andrea Coppola, cho thấy đầu tư công sẽ chỉ đáp ứng một phần của nhu cầu vốn (một phần ba cho các khoản đầu tư liên quan đến khí hậu), và phần còn lại phải do khu vực tư nhân đáp ứng.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng vật chất, nguồn tài chính dài hạn huy động thông qua thị trường vốn cũng rất cần thiết cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thải các-bon trong nền kinh tế, cũng như phát triển hạ tầng kỹ thuật số.
Thị trường vốn hoạt động hiệu quả có vai trò hết sức quan trọng để huy động nguồn lực, như một phần của thị trường tài chính có tính bao trùm, có khả năng chống chịu cao và hiện đại. Thị trường vốn lành mạnh là yếu tố cần thiết cho chiến lược tăng trưởng trở thành quốc gia thu nhập cao của Việt Nam.
Các thị trường đó sẽ giúp huy động nguồn lực cho đầu tư dài hạn và phân bổ nguồn lực hiệu quả giữa các ngành, khu vực địa lý và thời điểm khác nhau, đồng thời giúp đa dạng hóa các nguồn tài chính và giảm tập trung rủi ro trong khu vực ngân hàng.
Ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp về tài chính và thị trường vốn của WB lại đưa ra góc nhìn riêng về việc huy động nguồn vốn từ bảo hiểm xã hội nhằm phát triển hơn nữa kênh huy động vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam.
Theo số liệu của WB, mặc dù có quy mô vốn hóa thị trường lớn, nhưng lượng vốn huy động thông qua phát hành cổ phần trong năm năm qua lại tương đối nhỏ, bình quân chỉ đạt 37 ngàn tỉ đồng (1,5 tỉ đô la Mỹ) mỗi năm trên hai sàn giao dịch chứng khoán.
Khối lượng phát hành trái phiếu lớn hơn tương đối, đạt bình quân mỗi năm 271 ngàn tỉ đồng (11 tỉ đô la Mỹ) và 403 ngàn tỉ đồng (17 tỉ đô la Mỹ) tương ứng với trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp từ năm 2019 đến năm 2023.
Trái phiếu doanh nghiệp có triển vọng đáng khích lệ với khối lượng phát hành tăng trưởng đáng kể cho đến năm 2021, khi đạt đỉnh ở mức 637 ngàn tỉ đồng (26 tỉ đô la Mỹ).
Chuyên gia cao cấp về tài chính và thị trường vốn của WB băn khoăn mặc dù vậy, trái phiếu doanh nghiệp có kỳ hạn bình quân ngắn, chỉ khoảng bốn năm, chưa bằng một nửa so với mức trung bình của khu vực, phản ánh khả năng huy động dài hạn còn hạn chế. Đồng thời, những biến động gần đây trên thị trường—với khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm mạnh từ cuối năm 2022—đã bộc lộ những yếu kém trong nền tảng của thị trường.
Quỹ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) tham gia đầu tư đáng kể vào kênh trái phiếu chính phủ và đã tạo điều kiện để Chính phủ tập trung phát hành các công cụ có kỳ hạn dài.
Tuy nhiên, chuyên gia WB cho rằng để hiện thực hóa hiệu quả của thị trường trái phiếu chính phủ với chức năng làm nền tảng định giá cho các thị trường vốn, cần xem xét một số cải cách. Những cải cách chính bao gồm, trước tiên là đa dạng hóa đầu tư của BHXH để họ thoát khỏi tình trạng là nhà đầu tư nội ngành về trái phiếu chính phủ.
Theo chuyên gia WB, khi được đa dạng hóa danh mục đầu tư, lợi nhuận đầu tư thu về của BHXH sẽ tăng cao hơn, tạo kênh điều chuyển vốn sang khu vực doanh nghiệp năng suất và phát triển các thị trường chứng khoán doanh nghiệp (cổ phiếu và trái phiếu).
Quỹ BHXH là nhà đầu tư tổ chức lớn nhất ở Việt Nam – hiện đang quản lý danh mục tương đương 10% GDP. Các quỹ thuộc quản lý của BHXH ước lên đến 1.130 ngàn tỉ đồng (44 tỉ đô la Mỹ) và dự kiến sẽ tăng trưởng tới 15% trong vài thập kỷ tới. BHXH hiện bao phủ 32% lực lượng lao động của Việt Nam (17,5 triệu lao động), với mục tiêu bao phủ tới 60% vào năm 2030. Vì Việt Nam là một trong những quốc gia già hóa nhanh trên thế giới, yêu cầu đặt ra là BHXH phải duy trì năng lưc tài chính trong dài hạn để những người đóng góp hôm nay có thể tin tưởng họ sẽ nhận được các khoản lương hưu đầy đủ trong tương lai.