Người phát ngôn Salvador Panelo của tổng thống Philippines mới đây nhận định việc Manila chia sẻ nguồn tài nguyên trên biển với trung quốc (TQ) theo tỉ lệ 60-40 là hợp lý, theo đài ABS-CBN.
Tháng 11 năm ngoái, tq và Philippines đã ký bản ghi nhớ (MOU) khai thác dầu khí chung ở khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Theo ThS Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu biển Đông, ĐH Luật TP.HCM, TQ muốn biến biển của nước khác thành tài sản chung.
“Khai thác chung” kiểu Trung Quốc rất vô lý
. Phóng viên: Nội hàm của khái niệm “khai thác chung” là như thế nào theo luật quốc tế?
+ ThS Hoàng Việt: Khái niệm “khai thác chung” trong luật quốc tế thể hiện ý nghĩa là khi hai quốc gia có một khu vực biển đang tranh chấp, mà tại đó có các tài nguyên quan trọng, trữ lượng lớn. Ngoài ra, trường hợp thứ hai là khi có một nguồn tài nguyên nằm vắt ngang biên giới trên biển giữa hai quốc gia. Trong cả hai trường hợp nêu trên, các quốc gia liên quan có thể thỏa thuận cùng nhau khai thác chung nguồn tài nguyên đó, không ảnh hưởng đến vấn đề chủ quyền hay biên giới của mỗi quốc gia.
. TQ có hiểu về khai thác chung giống như luật pháp quốc tế quy định?
+ Chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác” của TQ được cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa ra lần đầu tại Tokyo tháng 10-1982. Nó gồm bốn nội dung, trong đó đáng chú ý là khu vực TQ muốn khai thác chung mặc nhiên được nước này xem là chủ quyền lãnh thổ là thuộc TQ. Như vậy, ở biển Đông, khai thác chung theo ý muốn của TQ dưới cái gọi là “chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp, cùng khai thác” không giống cách hiểu của luật quốc tế. Theo đó, TQ khẳng định chủ quyền tại vùng biển sẽ “khai thác chung” này là của họ và họ cùng với nước khác (ví dụ như Philippines) sẽ tiến hành khai thác. Họ buộc các nước khai thác chung phải công nhận chủ quyền của họ bất chấp vùng biển đó không hề thuộc EEZ hay thềm lục địa của TQ dựa theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
. TQ dựa vào cơ sở nào để hiểu và thực hiện khái niệm “khai thác chung” kiểu vô lý đó?
+ TQ dựa trên cái gọi là “đường lưỡi bò” để yêu sách mập mờ, lúc thì quyền lịch sử, lúc thì chủ quyền của họ trên 80% biển Đông. Đường lưỡi bò này ăn sâu vào EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei. Và TQ cho rằng vì toàn bộ vùng biển nằm trong đường lưỡi bò thuộc chủ quyền của họ nên yêu cầu cácquốc gia trên “gác tranh chấp, cùng khai thác” ngay trên EEZ của các quốc gia này.
Hiểu và làm theo kiểu TQ như đã nêu không thể gọi là “khai thác chung”. Lý do là vì không có chuyện “khai thác chung” trên vùng biển hoàn toàn thuộc quyền của nước khác. Do đó, “khai thác chung” kiểu của TQ không thể chấp nhận được. TQ quan niệm là “cái gì của tôi là của tôi, còn cái gì của anh là của chúng ta”. Cách hiểu và diễn giải “khai thác chung” như vậy không có trong luật quốc tế.
Ông Tập Cận Bình (trái) trong chuyến thăm chính thức đến Philippines vào tháng 11 năm ngoái. Ảnh: AFP
Và rất nguy hiểm
. Theo quan sát của ông, chủ trương khai thác chung của Manila với Bắc Kinh đã được triển khai đến đâu?
+ Chưa thể nói Philippines đã đồng ý khai thác chung với TQ. Chính quyền Duterte có ký với TQ một số MOU liên quan đến khai thác chung giữa hai nước này năm ngoái, trong chuyến thăm của ông Tập đến Manila. Tuy nhiên, nội dung của MOU được chính quyền Manila cung cấp cho đài CNN Philippines thì chỉ là những cam kết chung chung, chưa có những quy định cụ thể về khai thác chung. Gần đây, Tổng thống Duterte có tuyên bố cho phép ngư dân TQ vào đánh bắt trong vùng Scarborough, thuộc EEZ của Philippines, như một sự thăm dò dư luận nước này cho việc khai thác chung với TQ bằng việc “đánh cá chung”. Tuy nhiên, quyết định này cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ nhánh tư pháp, cụ thể là Tòa án Tối cao Philippines, cũng như từ các đảng chính trị đối lập.
. Nếu chính quyền Duterte đồng ý với Bắc Kinh để khai thác chung trong EEZ của Philippines, luật pháp Philippines quy định như thế nào về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên?
+ Đối với trường hợp Philippines, theo hiến pháp cũng như trong các văn bản pháp luật, án lệ liên quan của nước này thì việc khai thác tài nguyên của Philippines phải do người Philippines thực hiện. Trong trường hợp bên Philippines không thể tự khai thác được do hạn chế về vốn và công nghệ thì có thể thực hiện dưới hình thức liên doanh, phía Philippines sẽ nắm 60% cổ phần. Việc khai thác như vậy phải đặt dưới sự giám sát của nhánh lập pháp, tuân thủ luật pháp Philippines. Nếu TQ và Philippines tiến hành khai thác chung theo hình thức nói trên tại EEZ của Philippines thì không ảnh hưởng chủ quyền của Philippines. Bởi vì theo hình thức này, phía TQ phải thừa nhận quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines và hoạt động khai thác phân chia lợi nhuận phải tuân thủ luật pháp Philippines.
. Tuy nhiên, như ông đã phân tích, TQ không hề có ý định sẽ công nhận chủ quyền của Philippines trong mối quan hệ khai thác chung kiểu TQ này?
+ Với Philippines, tôi cho rằng TQ muốn tạo thành tiền lệ thực tế cho chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Nếu Philippines buộc TQ chấp thuận việc khai thác chung dưới thỏa thuận liên doanh, tuân thủ luật pháp Philippines, bên Philippines nắm giữ 60% cổ phần thì sẽ là thắng lợi của Philippines. Vì như vậy TQ đã công nhận quyền chủ quyền của Philippines tại khu vực biển này. Ngược lại, nếu Philippines chấp thuận “gác tranh chấp, cùng khai thác” theo kiểu chơi của TQ thì đó sẽ là chiến thắng của Bắc kinh. Việc này sẽ là tiền lệ nguy hiểm, tạo ảnh hưởng rất xấu đến các quốc gia khác ở biển Đông.
. Xin cám ơn ông.
Khai thác chung là một phương án khả thi nhưng chỉ cho hai trường hợp. Thứ nhất, phải là vùng biển đang tranh chấp. Thứ hai, có nguồn tài nguyên vắt ngang biên giới biển của hai quốc gia. Trong trường hợp “gác tranh chấp, cùng khai thác” của TQ thì hoàn toàn khác. Không có chuyện “khai thác chung” với TQ trong EEZ và thềm lục địa của quốc gia khác. ThS HOÀNG VIỆT, chuyên gia nghiên cứu biển Đông, ĐH Luật TP.HCM |