Theo trang tin Forex Live, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 21-9 đã lên tiếng hoan nghênh việc Anh, Đức và Pháp mới đây bác bỏ yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Chúng tôi hoan nghênh việc Anh, Đức và Pháp bác bỏ yêu sách hàng hải trái pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông tại Liên Hợp Quốc” – ông Pompeo viết trên tài khoản Twitter của chính phủ Mỹ.
“Trung Quốc phải tuân theo các chuẩn mực quốc tế. Chúng tôi tham gia cùng các đồng minh của mình bác bỏ ý tưởng ‘chân lý thuộc về kẻ mạnh’” – quan chức ngoại giao cao cấp của chính phủ viết thêm.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: AFP
Trước đó, theo website chính thức của Liên Hợp Quốc ngày 16-9, Pháp, thay mặt Anh và Đức, đã gửi công hàm lên tổ chức này thể hiện lập trường pháp lý lâu dài liên quan đến các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
Công hàm khẳng định Pháp, Đức và Anh sẽ tiếp tục duy trì và khẳng định các quyền và tự do được quy định trong Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
Công hàm thể hiện lập trường của Pháp, Đức và Anh đối với các công hàm trước đó của Trung Quốc gửi lên LHQ liên quan Biển Đông, cụ thể: công hàm số CML/14/2019 ngày 12-12-2019, số CML/11/2020 ngày 23-3-2020, số CML/42/2020 ngày 17-4-2020, Số CML/46/2020 ngày 2-6-2020, số CML/48/2020 ngày 18-6-2020, số CML/54/2020 ngày 29-7-2020 và số CML/56/2020 ngày 7-8-2020, cũng như bức thư Trung Quốc gửi tới Tổng Thư ký LHQ vào ngày 9-6 liên quan đến công hàm số HA 59/19 ngày 12-12-2019 của Malaysia.
Công hàm nhắc lại tính bao quát và thống nhất của UNCLOS trong việc đặt ra khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động trên biển, đồng thời nhấn mạnh tính toàn vẹn của Công ước cần được duy trì. Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi quyền tự do trên biển, đặc biệt là quyền tự do hàng hải và hàng không cũng như quyền đi lại được quy định trong UNCLOS, bao gồm cả ở Biển Đông.
Ba nước cũng nhấn mạnh các tuyên bố chủ quyền liên quan đến việc thực thi “quyền lịch sử” trên Biển Đông là không tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS, đồng thời tái khẳng định tính pháp lý của phán quyết Tòa trọng tài năm 2016 giữa Philippines và Trung Quốc.
Pháp, Đức và Anh cho rằng tất cả các yêu sách hàng hải ở Biển Đông cần được đưa ra và giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc và quy định của UNCLOS cũng như các cách thức và thủ tục giải quyết tranh chấp được quy định trong Công ước.
Hôm 9-9, tại Hội nghị ngoại trưởng Cấp cao Đông Á lần thứ 10 diễn ra theo hình thức trực tuyến, Ngoại trưởng Pompeo đã cùng với một số quốc gia ASEAN và "nhiều đối tác khác" bày tỏ quan ngại về "những hành động gây hấn" của Trung Quốc ở Biển Đông, hãng Reuters đưa tin.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Pompeo khi đó cũng đã nhấn mạnh Washington ủng hộ các nguyên tắc minh bạch, cởi mở và thượng tôn luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.