Biển Đông: Trung Quốc lập quận, đặt tên đảo cũng vô ích

Bộ Nội chính Trung Quốc (TQ) hôm 19-4 đăng thông báo nước này công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn”. Hiểu nôm na đây là việc đặt tên chính thức cho 25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý dưới biển ở biển Đông.

Trước đó một ngày, truyền thông nhà nước TQ đưa tin chính quyền Bắc Kinh phê chuẩn việc thành lập cái gọi là “quận Nam Sa” và “quận Tây Sa” - hai đơn vị hành chính trực thuộc “thành phố Tam Sa” để quản lý biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (của Việt Nam (VN)).

Nước lớn nhưng thiếu trách nhiệm

TQ là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Bắc Kinh tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” và có trách nhiệm nhưng cách hành xử của họ ở biển Đông thì trái ngược. Là nơi bùng phát dịch, thay vì tập trung chống dịch bằng các biện pháp minh bạch, hiệu quả thì TQ lợi dụng thời điểm khó khăn để bước tiếp con đường độc chiếm biển Đông.

Ông Hoàng Việt, chuyên gia về luật hàng hải quốc tế và nghiên cứu về biển Đông (ĐH Luật TP.HCM), nhận định: Lập quận đảo hay đặt tên cho các thực thể ở biển Đông (gồm đảo, đá hay các thực thể dưới đáy biển) là một bước tiến tiếp theo trong kế hoạch của TQ nhằm tìm cách độc chiếm biển Đông.

“Nhân dịp thế giới đang tập trung chống dịch COVID-19, đồng thời những mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ đang diễn ra ở TQ khiến nước này cần “chuyển lửa” ra bên ngoài, thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc cực đoan để khỏa lấp các vấn đề nội bộ. Ngoài ra, TQ cũng muốn gây chú ý ở biển Đông để né tránh những chỉ trích của thế giới về trách nhiệm của TQ trong việc để đại dịch bùng phát, lan rộng” - chuyên gia Hoàng Việt trả lời báo PLO.

Các chuyên gia Mỹ cũng cho rằng TQ không vì chống đại dịch mà ngừng gây rối biển Đông. “TQ đã không giảm tốc việc hành xử hung hăng của họ bất chấp thế giới đang đứng giữa cơn đại dịch, điều mà lẽ ra bất kỳ quốc gia có trách nhiệm nào cũng phải làm” - chuyên gia Gregory B. Poling, Giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), nhận định.

GS James Kraska, chuyên gia luật hàng hải quốc tế tại Trung tâm Luật quốc tế Stockton (ĐH Hải chiến Mỹ), cũng nhận định: “TQ có lịch sử tận dụng các cuộc khủng hoảng để chiếm hữu các lợi thế phục vụ những ý đồ chiến lược của họ”.

Có thể nhắc lại các sự kiện lịch sử như: Trong giai đoạn chiến tranh VN kết thúc năm 1974, TQ đã tấn công và chiếm đoạt trái phép quần đảo Hoàng Sa của VN; hay như sau khi Philippines yêu cầu các lực lượng đồn trú của Mỹ ở vịnh Subic và căn cứ lực lượng không quân Clark đóng cửa vào đầu những năm 1990, TQ đã chớp thời cơ chiếm giữ đá Vành Khăn từ sự kiểm soát của Philippines (vào đầu năm 1995).

Mỹ cử các đội tàu sân bay, tàu tuần dương đến biển Đông để thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Ảnh minh họa: US NAVY

Thể hiện sự chiếm hữu phi pháp

Nhận định về mưu đồ của TQ đằng sau các động thái chỉ mặt, đặt tên, lập trụ sở hành chính các thực thể ở biển Đông, chuyên gia Hoàng Việt cho rằng TQ muốn thể hiện hành động chiếm hữu trên thực tế khu vực biển Đông. Nói cách khác, qua hành động này, TQ muốn chuyển đi thông điệp: “Ta là chủ, mọi thứ ở biển Đông thuộc về ta, nên ta có quyền”.

“Hành động này vừa làm thỏa mãn dư luận trong nước, lại vừa đánh giá được mức độ phản ứng của các quốc gia liên quan. Từ đó, TQ sẽ có những chỉ dấu để tung ra các hành động tiếp theo” - chuyên gia Hoàng Việt nhận xét.

PGS-TS Vũ Thanh Ca, ĐH Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo VN, thì cho rằng hoạt động tuyên bố thành lập hai huyện Tây Sa và Nam Sa là một bước của TQ nhằm thể chế hóa cái gọi là yêu sách Tứ Sa.

“Chính quyền Bắc Kinh muốn thông qua hành động lần này để thể hiện rằng TQ đang quản lý một cách hòa bình, lâu dài và liên tục hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN cũng như các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của VN và nhiều nước khác xung quanh biển Đông” - ông Ca nói.

Biển Đông: Trung Quốc lập quận, đặt tên đảo cũng vô ích ảnh 2
 

Để ứng phó TQ, trước hết các nước trực tiếp liên quan biển Đông phải có tiếng nói chung. VN với tư cách là chủ tịch ASEAN năm nay cần tận dụng tối đa cơ hội để đoàn kết ASEAN, chí ít là các nước liên quan đến biển Đông. Ngoài ra, VN cần vận động các quốc gia trong “bộ tứ kim cương” (The QUAD), gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, cùng các quốc gia thành viên trong Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng lên tiếng. Tất cả đồng lòng lên tiếng thì TQ chắc chắn phải e ngại.

Chuyên gia luật hàng hải quốc tế và biển Đông HOÀNG VIỆT
ĐH Luật TP.HCM 

Mưu đồ bất thành

Nói về việc lập quận đảo, GS James Kraska khẳng định: Trên thực tế, việc bất kỳ quốc gia ven biển nào tuyên bố chủ quyền (hoàn toàn và đầy đủ) đối với vùng biển rộng quá 12 hải lý (tính từ đường cơ sở) đều là bất hợp pháp. Vì vậy, hành động lần này của TQ càng chứng minh nước này xem thường Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà chính họ đã ký.

Ông Bill Hayton, chuyên gia biển Đông, Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh, cũng đưa quan điểm tương tự trên tờ Inquirer rằng không một quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể trên biển trừ khi chúng nằm trong phạm vi 12 hải lý (tính từ đường cơ sở của quốc gia đó).

“TQ không hiểu điều này hay cố tình xem thường luật pháp quốc tế. TQ đã phê chuẩn UNCLOS 1982, trong đó quy định rất rõ ràng về các đối tượng mà một quốc gia được phép và không được phép tuyên bố chủ quyền. Dù vậy, TQ dường như đang chống lại UNCLOS khi nước này tuyên bố chủ quyền ở những vùng biển rất xa” - ông Bill Hayton nhận xét.

Trong khi đó, bình luận về việc TQ đặt tên cho đảo, đá và các thực thể ở biển Đông, chuyên gia Hoàng Việt khẳng định: Về mặt luật pháp quốc tế thì các tuyên bố này không có giá trị pháp lý, thậm chí vi phạm luật pháp quốc tế.

“Lý do là bởi các tuyên bố về lãnh thổ của một quốc gia phải dựa trên nền tảng của luật pháp quốc tế. TQ vừa không có chủ quyền trên cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, lại còn dựa trên các yêu sách vô lối và vi phạm luật quốc tế như yêu sách “quyền lịch sử” hay “đường lưỡi bò”. Các yêu sách như vậy đã bị phản bác bởi phán quyết 2016 của Tòa Trọng tài” - ông Hoàng Việt khẳng định, đồng thời cho biết “các tuyên bố này của TQ là vô ích”.

Bị các nước quyết liệt phản đối

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Ngô Toàn Thắng hôm 23-4 đã trả lời báo chí liên quan đến công hàm hôm 17-4 của TQ gửi lên Liên Hiệp Quốc và phát ngôn của người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Cảnh Sảng hôm 20 và 21-4 về biển Đông. Ông Ngô Toàn Thắng khẳng định: Công hàm nêu các yêu sách chủ quyền phi lý của TQ đối với Hoàng Sa và Trường Sa là hoàn toàn trái với Công ước Luật Biển năm 1982. “VN đã lưu hành công hàm tại Liên Hiệp Quốc để bác bỏ các yêu sách này. VN cũng đã giao thiệp với TQ để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của VN, bác bỏ quan điểm sai trái của TQ” - ông Ngô Toàn Thắng nói thêm.

Hôm 19-4, VN cũng lên tiếng phản đối hành xử phi pháp của TQ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Lập trường nhất quán của VN là mạnh mẽ phản đối cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN…”.

Hãng tin CNN dẫn thông báo của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. trên Twitter chiều tối 22-4 cho biết: Philippines phản đối TQ về việc đơn phương lập ra hai quận Nam Sa và Tây Sa, xem một phần lãnh thổ của Philippines thuộc tỉnh Hải Nam của TQ. Song song đó, Manila cũng gửi công hàm phản đối việc TQ đã chĩa súng radar vào tàu hải quân Philippines “ở vùng biển Philippines”. “Cả hai hành động nói trên của TQ đều vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của Philippines” - Ngoại trưởng Locsin viết.

Mỹ và một số quốc gia cũng bày tỏ quan ngại trước hành động leo thang của TQ giữa lúc thế giới tập trung chống dịch. Để bày tỏ thái độ, ngày 22-4, tàu hộ vệ HMAS Parramatta của hải quân hoàng gia Úc và tàu khu trục USS Barry của hải quân Mỹ đã được điều đến biển Đông. Trước đó một ngày, hải quân Mỹ thông báo đã điều tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đến khu vực này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm