Ngày 28-1, Bộ tư lệnh TP.HCM phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP đã tổ chức hội thảo khoa học lực lượng Biệt động Sài Gòn-Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước…
Những người mang bí số, bí danh
Những chiến công lừng lẫy của Biệt động Sài Gòn đã vào phim, sách… và tại hội thảo tiếp tục được đề cập.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu day dứt về chuyện đã 50 năm nhưng rất nhiều chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh vẫn chưa tìm được tên họ, còn mang bí số, bí danh. “Họ dấn thân vào cuộc kháng chiến với khát vọng bùng cháy giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Giờ đây họ là những liệt sĩ nhưng chưa tìm được tên tuổi thật. Gia đình, đồng đội vẫn cứ mãi đi tìm mà chưa biết bắt đầu từ đâu” - bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, bộc bạch.
Bà Thư cho biết các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hiểu rất rõ nhiệm vụ được giao trong Tết Mậu Thân là có đi mà không có về và phần nhiều trong số họ đã hy sinh.
Với câu hỏi: “Biệt động Sài Gòn - Bây giờ anh ở đâu?” - PGS-TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đã khắc họa khá rõ từ ngày sinh ra cho đến ngày giải thể của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Dù họ là người miền Bắc, người miền Trung hay người miền Nam, dù xuất thân từ nhiều tầng lớp xã hội, gốc gác quê quán khác nhau nhưng họ đều cố kết với nhau vì nghĩa lớn, sẵn sàng xả thân, tấn công vào các mục tiêu trọng điểm trong Tết Mậu Thân 1968. “Nhưng bây giờ họ không còn nằm trong “danh bạ” Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngoài một số người đã ra đi trong chiến tranh, nhất là trong Tết Mậu Thân 1968, số còn lại ra quân trở về cuộc sống bình thường với nhiều khó khăn chồng chất, cuộc sống bấp bênh, chênh vênh” - ông Biên nói.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi Đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Thành đội phó Sài Gòn-Gia Định, tại hội thảo. Ảnh: TÁ LÂM
“Không biết lực lượng Biệt động Sài Gòn năm xưa đến bây giờ ai còn, ai mất, ai ở đâu. Đọc danh sách những chiến sĩ đã hy sinh với những chú thích “tên giả”, “tên thật nhưng không biết họ” không ai không động lòng. Cha mẹ sinh ra đều có tên có họ, vậy mà lúc ra đi được gọi là vô danh” - ông Biên nghẹn ngào và cho biết đến nay phần lớn chưa tập kết được mộ phần của các chiến sĩ biệt động hy sinh.
64 chiến sĩ hy sinh, chỉ tìm thấy một hài cốt
Ông Biên lấy dẫn chứng về sự hy sinh của đội biệt động tấn công vào Đại sứ quán Mỹ. Dù hy sinh trong khuôn viên sứ quán, nằm ngay trong lòng TP.HCM nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Từ đó, ông Biên đề nghị cần hệ thống lại toàn bộ các di tích đã có và xem xét cần tiếp tục xây dựng những công trình tưởng niệm các chiến sĩ biệt động ở những nơi đã ghi dấu chiến công oanh liệt của họ.
Ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối vũ trang biệt động, tâm tư: 50 năm đã qua nhưng điều trăn trở và cũng là món nợ chưa trả đối với đồng đội trong lực lượng biệt động là 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận tổng tấn công Tết Mậu Thân vào năm mục tiêu, nhưng đến nay chỉ tìm được duy nhất một hài cốt, 63 chiến sĩ qua nhiều năm và bằng rất nhiều nguồn thông tin cũng chưa thể tìm được. “Chúng tôi tha thiết mong muốn nhận được sự giúp đỡ của Nhà nước và quân đội trong việc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ hy sinh để quy tập về nghĩa trang TP” - ông nói.
Theo ông Độ, việc giải thể sớm một lực lượng vũ trang mang tính đặc thù, nhất là chưa chuẩn bị tốt về tư tưởng, về chế độ, chính sách đã để lại những hậu quả lâu dài trong việc giải quyết chính sách tồn đọng mà nhiều năm qua và hiện nay đang tiếp tục phải giải quyết như khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích trong kháng chiến.
Tại hội thảo, các đại biểu không chỉ nêu cao vai trò của chiến sĩ biệt động trực tiếp chiến đấu mà còn nêu vai trò của người dân đã hết lòng cưu mang, che chở…
Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cho rằng Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là một bộ phận quan trọng của lực lượng vũ trang TP, ra đời như một tất yếu của cuộc chiến tranh nhân dân. Đây là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội ta, lập nên những chiến công vang dội, làm chấn động trong nước và thế giới.
Ghi nhận những ý kiến trên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng những chiến sĩ biệt động không có quân hàm, số hiệu, không có đơn vị, không có kinh phí trợ cấp mà tự làm tự nuôi, dựa vào dân mà chiến đấu. “Chính sách đã làm được nhiều nhưng có lẽ còn phải làm nhiều hơn nữa. Nếu chưa biết thì không nói nhưng đã biết thì phải tìm cách tri ân” - ông Nhân nói.
Ông Nhân cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến những người đã sẵn sàng đổ máu hy sinh cho độc lập và cho biết sẽ bàn với Thường vụ Thành ủy để giữ gìn, phát huy truyền thống cách mạng và tri ân thiết thực nhất.
Các liệt sĩ đã nằm xuống, Sài Gòn-Gia Định năm xưa, TP.HCM hôm nay vẫn thổn thức về họ, về những câu chuyện bi hùng… Những con người lặng lẽ hy sinh mà không thể tìm thấy gia đình và người thân. Có thể cuộc sống vội vã hôm nay đã vô tình lãng quên nhưng với người dân nơi đây, họ đã ghi tạc vào lòng hình ảnh bất tử của những con người gan dạ, dũng cảm… Bà THÂN THỊ THƯ, Trưởng ban Tuyên giáo |