Biết sai vẫn xử rồi xin hủy án

Tòa đã trả hồ sơ nhưng VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố nên tòa vẫn phải xử và kiến nghị cấp trên kháng nghị hủy chính bản án của mình.

Ngày 24-7, TAND huyện Tân Uyên (Bình Dương) xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Thụ 24 tháng tù về tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản. Tòa buộc bị cáo Thụ và ông Nguyễn Văn Danh liên đới bồi thường thiệt hại hơn 3 tỉ đồng cho chủ nhà bị cháy.

Điều thú vị là ngay trong bản án này, TAND huyện Tân Uyên lại kiến nghị TAND tỉnh Bình Dương kháng nghị theo hướng hủy chính bản án do mình xử để điều tra, xét xử lại.

Lúc đầu tội này, sau tội khác

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, Thụ là người làm thuê cho ông Danh. Ngày 27-10-2011, ông Danh giao Thụ dùng máy cắt các thanh sắt tại vách tường trên tầng lầu nhà một người ở giáp nhà ông Đinh Văn Kia. Khi cắt, Thụ không che chắn nên những tia sắt rớt xuống nhà ông Kia gây cháy, đám cháy lan qua tiệm tạp hóa của con ông Kia.

Tháng 3-2012, Phòng Cảnh sát PCCC huyện Tân Uyên khởi tố Thụ về tội vi phạm quy định về PCCC theo Điều 240 BLHS. Tuy nhiên, tháng 10-2013, cơ quan điều tra công an huyện này đã đổi tội danh, chuyển sang khởi tố Thụ tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 145 BLHS). Cơ quan này cho rằng ông Danh là người thuê, mướn sử dụng lao động nhưng không áp dụng biện pháp bảo hộ và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng lao động nên ông phải có trách nhiệm liên đới bồi thường. Sau đó VKS huyện cũng truy tố Thụ tội này.

Bị cáo Nguyễn Xuân Thụ tại tòa. Ảnh: KP

Đầu năm 2014, TAND huyện Tân Uyên đưa vụ án ra xử sơ thẩm. Bà Tuyết không đồng ý với tội danh của Thụ và cho rằng cơ quan tố tụng đã bỏ lọt tội phạm đối với ông Danh. Sau đó, tòa trả hồ sơ yêu cầu VKS cùng cấp điều tra bổ sung làm rõ hành vi phạm tội của ông Danh. Tuy nhiên, VKS huyện Tân Uyên trả lời việc cắt sắt gây cháy là do Thụ bất cẩn, giữa Thụ và ông Danh không bàn bạc, dự liệu trước trường hợp này. Vì vậy ông Danh không có vai trò đồng phạm với Thụ.

Kiến nghị hủy chính bản án của mình

Tại phiên xử ngày 23-7, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Thụ và đề nghị mức án từ 24 đến 30 tháng tù.

Luật sư của bị hại đề nghị tòa trả hồ sơ cho VKS để khởi tố, truy tố Thụ đúng hành vi vi phạm quy định về PCCC theo Điều 240 BLHS. Theo luật sư, ông Danh là người giữ vai trò chính trong việc tổ chức sử dụng cắt sắt gây cháy nhà, cả ông Danh và Thụ đều biết là khi hàn, cắt sắt có nguy cơ gây cháy nổ nhưng họ không thực hiện các biện pháp để đảm bảo PCCC. Từ đó luật sư đề nghị khởi tố cả Thụ và ông Danh về tội danh nói trên như Phòng Cảnh sát PCCC huyện Tân Uyên đã khởi tố…

HĐXX xét thấy bị cáo Thụ nhận tội về hành vi bất cẩn của mình gây cháy hai căn nhà nên tuyên phạt Thụ 24 tháng tù. Theo tòa, ngoài hành vi của Thụ còn có hành vi của ông Danh mà cáo trạng của VKS đã không nói đến. Ông Danh là người tổ chức thi công tháo dỡ nhà và trực tiếp có mặt tại công trình thì lẽ ra ông ấy phải đảm bảo an toàn về PCCC nhưng ông đã vô trách nhiệm để xảy ra vụ cháy, gây thiệt hại cho người khác. Tòa cho rằng VKS chỉ truy tố Thụ mà không truy tố ông Danh là bỏ lọt tội phạm. Từ đó tòa này đề nghị TAND tỉnh kháng nghị bản án theo hướng hủy án để điều tra xét xử lại.

Vẫn có cách phối hợp tốt hơn

Thật ra tình huống nói trên không phải hiếm gặp trong thực tiễn xét xử. Bởi lẽ tòa đã trả hồ sơ rồi mà viện vẫn bảo lưu quan điểm truy tố thì theo khoản 2 Điều 179 BLTTHS, tòa phải đưa vụ án ra xét xử. Ngoài ra, theo Điều 196 BLTTHS, tòa chỉ xử tội danh khác với tội mà viện truy tố nếu tội ấy bằng hoặc nhẹ hơn tội mà viện truy tố.

Trong vụ này, do tội tòa định xử nặng hơn tội do VKS truy tố nên tòa không thể xử tội về PCCC mà phải xử tội do viện truy tố. Đó là chưa nói, trường hợp này tòa thấy rõ viện còn bỏ lọt tội phạm nên mới phải kiến nghị tòa cấp trên hủy bản án do chính mình xử để điều tra, xét xử lại.

Tuy nhiên, theo Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), trường hợp này vẫn có cách giải quyết khác khéo léo hơn giữa tòa và viện. Cụ thể, trước khi quyết định xét xử theo tội danh mà cáo trạng truy tố, TAND huyện nên “ôm” hồ sơ lên TAND tỉnh (cấp trên) để báo cáo, đề xuất ý kiến của mình. Lúc này, tòa tỉnh sẽ trao đổi với VKSND tỉnh quan điểm về tội danh. Nếu hai bên thống nhất theo cách hiểu của TAND huyện thì VKSND tỉnh có quyền yêu cầu VKSND huyện thay đổi tội danh trong cáo trạng. Trường hợp VKSND cấp tỉnh có cùng quan điểm với VKSND huyện thì tòa huyện mới xử theo cáo trạng rồi kiến nghị tòa trên hủy án như TAND huyện Tân Uyên đã làm.

“Tôi minh định rằng vấn đề này luật không quy định nhưng đây rõ ràng là phương pháp phối hợp làm việc tốt, mang lại hiệu quả trong trường hợp mâu thuẫn quan điểm về tội danh” - Thẩm phán Phạm Công Hùng nói.

KIM PHỤNG - T.TÙNG

Tòa huyện đã làm đúng luật

Tôi cho rằng cách giải quyết của tòa huyện trong trường hợp này là không vi phạm giới hạn xét xử. Vì nếu tòa xử tội khác mà khung hình phạt nhẹ hơn thì không nói, đằng này tòa muốn xử tội nặng hơn thì rõ ràng luật không cho. Tình huống này tòa cũng không thể tuyên bị cáo không phạm tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (dù cho rằng tội này không đúng), vì hậu quả pháp lý của việc tuyên bố không phạm tội rất lớn. Do đó việc xử theo tội danh trong cáo trạng rồi kiến nghị tòa cấp trên xử phúc thẩm theo hướng hủy án để điều tra lại từ đầu là ổn.

Một kiểm sát viên Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm