Biết trước, vẫn giật mình!

Cùng với việc tăng giá bán lẻ các loại xăng dầu, Bộ Tài chính cũng có quyết định lùi thuế suất thuế nhập khẩu các chủng loại xăng dầu về mức 0% và giảm sử dụng quỹ bình ổn giá các chủng loại xăng dầu xuống bằng mức trích quỹ bình ổn giá (300 đồng/lít, kg).

Theo lý giải của Bộ Tài chính, do thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng xăng dầu đã ở mức 0% và quỹ bình ổn giá đã sử dụng hết nên buộc phải điều chỉnh giá để đảm bảo quyền lợi giữa ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và đáp ứng được sức chịu đựng của người tiêu dùng cũng như đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, mức tăng 2.100 đồng/lít liệu có hợp lý?

Đối với người dân, việc Chính phủ chấp thuận phương án tăng giá xăng tới hơn 10% dường như là vượt quá sức chịu đựng bởi đi kèm với việc xăng tăng giá, các gia đình còn phải gánh chịu việc tăng giá đột biến của nhiều mặt hàng khác, từ lương thực thực phẩm, điện, nước, dịch vụ ăn uống, GTVT…

Đối với doanh nghiệp, việc tăng giá lần này sẽ chỉ có lợi cho một số ít các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhưng sẽ khiến phần lớn các doanh nghiệp thuộc tất cả lĩnh vực khác, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải khó khăn vì chi phí nhiên liệu tăng cao. Kéo theo đó là giá các nguyên liệu đầu vào và áp lực tăng lương cho người lao động cũng sẽ tăng.

Còn đối với Chính phủ, quyết định tăng mạnh giá xăng dầu tới 2.100 đồng rõ ràng đã khiến mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay ở mức một con số càng trở nên khó khăn hơn vì giá các mặt hàng sẽ đồng loạt tăng và chắc chắn sẽ tăng mạnh theo giá xăng.

Vì thế, dù đoán trước và chấp nhận việc giá xăng không thể không tăng do tình hình thế giới biến động phức tạp khiến giá xăng dầu thế giới tăng không ngừng nhưng với mức trên 2.000 đồng thì dư luận vẫn giật mình! Liệu CPI có giật mình tương tự?

VẠN BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm