Bình Dương: Tội phạm liên quan đến 'tín dụng đen’ biến tướng nguy hiểm

(PLO)- Để đòi nợ, các nhóm tín dụng đen khủng bố, đe dọa nạn nhân, người thân, nhiều người không liên quan gì cùng bị đe dọa khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bình Dương) đã đẩy mạnh công tác điều tra, triệt xóa nhiều băng nhóm cho vay lãi nặng.

Theo báo cáo của phòng Cảnh sát hình sự, từ đầu năm đến nay đã phát hiện điều tra làm rõ 6 vụ, bắt khởi tố 8 người về hành vi cho vay lãi nặng.

Thụy bị cơ quan công an bắt giữ vì hành vi cho vay lãi nặng. Ảnh: CACC

Thụy bị cơ quan công an bắt giữ vì hành vi cho vay lãi nặng. Ảnh: CACC

Đáng chú ý, tháng 2-2022 phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bình Dương) phối hợp Công an thị xã Bến Cát bắt giữ Phạm Bá Thụy (40 tuổi, ngụ tại phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát) vì hành vi cho vay lãi nặng.

Theo cơ quan công an, từ tháng 9-2020 Thụy nhiều lần cho cho chị T. vay tiền với lãi suất từ 6-24% một ngày, tương ứng 2160% đến 8640% một năm. Chu kỳ lấy lãi là 5 ngày, 10 ngày hoặc 1 tháng.

Lúc đầu, chị T. vay của Thụy số tiền 90 triệu đồng nhưng do không trả lãi kịp nên Thụy đã cộng dồn thành tiền vay. Cho đến nay, chị T. đã nợ Thụy số tiền hơn 10 tỉ đồng. Tổng số tiền lãi Thụy thu cho đến nay là gần 4 tỉ đồng.

Qua khám xét nơi ở của Thụy, lực lượng công an thu giữ 2 lượng vàng, số tiền 1,75 tỉ đồng (trong đó có 500 triệu đồng mới thu lãi của chị T.) cùng nhiều giấy tờ liên quan việc cho vay lãi nặng.

Số tiền cơ quan công an thu giữ tại nhà Thụy. Ảnh: CACC

Số tiền cơ quan công an thu giữ tại nhà Thụy. Ảnh: CACC

Thượng tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự cho biết, hiện nay tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” có dấu hiệu ra tăng.

Thủ đoạn của loại tội phạm này là vẫn sử dụng phương thức truyền thống nhưng tinh vi hơn như: Dán quảng cáo, phát tờ rơi nhưng không mở văn phòng, điểm giao dịch, giao dịch thông mạng xã hội, không yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân, không viết giấy vay nợ, chỉ yêu cầu cung cấp hình ảnh nhạy cảm cá nhân, số điện thoại của người thân.

Đặc biệt, một thủ đoạn tinh vi, biến tướng nguy hiểm của "tín dụng đen" là lập các hợp đồng "giả cách" với người vay tín chấp, thế chấp. Người vay cần vay số tiền lớn trong thời gian ngắn để sử dụng và chấp nhận trả lãi suất rất cao đến khi mất khả năng chi trả sẽ bị buộc chuyển quyền sở hữu tài sản đã thế chấp cho các đối tượng cho vay.

Nhiều người không vay nợ cũng bị nhóm người lạ bôi xấu trên mạng. Ảnh: Người dân cung cấp

Nhiều người không vay nợ cũng bị nhóm người lạ bôi xấu trên mạng. Ảnh: Người dân cung cấp

Nhiều người bị đe dọa chỉ vì là đồng nghiệp, quen biết với người vay nợ. Ảnh: Người dân cung cấp

Nhiều người bị đe dọa chỉ vì là đồng nghiệp, quen biết với người vay nợ. Ảnh: Người dân cung cấp

Gắn liền với thủ đoạn trên là thủ đoạn "mua bán nợ". Chủ nợ lập hợp đồng với công ty "mua bán nợ" (một hình thức biến tướng của công ty đòi nợ thuê) liên hệ người vay cố tình chây ỳ không trả nợ và sử dụng các thủ đoạn quấy rối, khủng bố (tạt sơn, tạt chất bẩn, nước thải, máu chó…) để đòi nợ theo hợp đồng.

Cũng theo thượng tá Vũ, hiện nay nổi lên tình trạng các đối tượng sử dụng các trang Website, ứng dụng điện thoại để công khai quảng cáo các hình thức cho vay với thủ tục đơn giản, người vay chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân; lãi suất vay bị các đối tượng này lách luật bằng các khoản phí dịch vụ.

Khi người vay cố tình không trả nợ, các đối tượng sử dụng số điện thoại "rác" gọi điện đe dọa, bêu rếu trên Facebook, khủng bố tinh thần buộc phải liên hệ yêu cầu người vay trả nợ cho chúng dẫn đến tâm lý hoang mang lo sợ cho những người không liên quan như người thân, bạn bè, chủ doanh nghiệp.

Theo thượng tá Vũ, trong thời gian tới lực lượng công an sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu và không nên vay mượn của những tổ chức cá nhân quảng cáo trên mạng. Nếu khó khăn thì người dân hãy tìm đến ngân hàng hoặc các quỹ các các tổ chức uy tín.

Bên cạnh đó, cũng tuyên truyền cho người dân cách xử lý khi bị “tín dụng đen khủng bố”.

Đặc biệt, lực lượng công an sẽ tập trung đẩy mạnh điều tra xử lý các băng nhóm có cho vay lãi nặng.

Mới đây, tại một trường THPT trên địa bàn TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) một số em học sinh lớp 12 đã liên tục bị gọi điện, nhắn tin đe dọa, tạt axit, chặt chân. Vì quá lo sợ, một số em học sinh đã phải nghỉ học tạm thời.

Theo lãnh đạo ngôi trường này, vụ việc này được cho là người thân của một em học sinh trong lớp có vay mượn tiền, nhưng chưa trả được.Tuy nhiên, sau khi làm việc thì gia đình cho biết không nợ nần ai.Phía nhà trường đã báo cáo vụ việc cho lực lượng công an có biện pháp xử lý.

Bên cạnh đó, phía nhà trường cũng nhanh chóng tư vấn cho các em học sinh để các em ổn định tâm lý. Không hoang mang lo sợ trước những lời đe dọa trên mạng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm