Mới đây trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, khẳng định phải cần một cú “huých” đủ mạnh để tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh nhà.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó GĐ Sở NN&PTNT Bình Phước.
Bà Tuyết cho hay: Diện tích đất nông nghiệp của tỉnh là 445.783 ha chiếm 66,3% so với tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh (687.676 ha). Thế mạnh là cây công nghiệp dài ngày với tổng diện tích là 414.823 ha gồm các loại cây như điều, cao su, hồ tiêu, cà phê, cây ăn trái…
Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp quy mô rộng lớn tỉnh Bình Phước là điểm đến lý tưởng thu hút và môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, tỉnh Bình Phước được trung ương thuận chủ trương cho hình thành bốn khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đó là thị xã Đồng Xoài 1 khu, diện tích 50 ha; huyện Lộc Ninh 1 khu, diện tích 500 ha; huyện Hớn Quản 1 khu, diện tích 500 ha; huyện Đồng Phú 1 khu, diện tích 50 ha. Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ đưa khu Đồng Xoài (50 ha) vào hoạt động với sản phẩn nông nghiệp chính trong khu: Dưa lưới nhà màng, rau thủy canh, điều giống, hoa lan…Tới đây các khu này sẽ là hạt nhân mô hình nông nghiệp công nghệ cao để nhân rộng ra sản suất.
Vườn lai ghép cây giống ở Bình Phước.
Theo bà Tuyết, ngành nông nghiệp Bình Phước đang cố gắng khai thác triệt để chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với việc tổ chức nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các mô hình sản xuất gắn với đào tạo… Đồng thời, tận dụng quy hoạch và sự phân bố hiện có diện tích cây trồng và vật nuôi, khuyến khích thành lập các HTX, CLB, hộ gia đình sản xuất theo hướng công nghệ cao. Bên cạnh đó tích cực thu hút mời gọi các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực và quản lý chuyên nghiệp…
“Đặc biệt, vấn đề liên kết với các tỉnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao như cây giống ăn trái - Bến Tre, công nghệ rau – Lâm Đồng, kỹ năng quản lý – TP.HCM, vùng cây ăn trái (chôm chôm, bưởi) – Đồng Nai… để áp dụng triển khai trong tỉnh được ngành nông nghiệp chú trọng”, bà Tuyết khẳng định.