Ngày 12-3, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức họp mặt báo chí đầu xuân Mậu Tuất 2018 tại Tỉnh ủy Bình Phước.
Thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà, bà Phạm Thị Ánh Hoa, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 của tỉnh tăng 6,64%, trong đó công nghiệp-xây dựng tăng 9,9%, dịch vụ tăng 6,32%...
Bà Hoa cũng cho hay các chính sách cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) và cải cách thủ tục hành chính được Bình Phước triển khai mạnh mẽ, cụ thể. Điều này đã giúp tháo gỡ khó khăn, tạo niềm tin cho DN,…
Đặc biệt, cuối năm 2017, Bình Phước đã thành lập tổ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN, tổ chức hằng tuần dưới sự chủ trì của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với sự tham gia của các sở, ngành. Trong năm tổ này đã tập trung tháo gỡ “nóng” khó khăn cho khoảng chín DN, quy trình giải quyết không phải qua nhiều lần họp.
Bà Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước, đang phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: T.TUYỀN
Riêng về lĩnh vực cải cách hành chính, Bình Phước đã rà soát, lập danh mục thủ tục hành chính và đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công. Đồng thời bãi bỏ, đổi tên, thành lập lại, tổ chức bộ máy một số đơn vị thuộc Sở NN&PTNT, Phòng NN&PTNT cấp huyện. Thực hiện tinh giản biên chế đợt I-2017 cho bốn trường hợp, dự kiến tinh giản biên chế đợt II là 41 trường hợp.
Bà Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước, cho biết năm 2017 Bình Phước đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức; tình hình kinh tế-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá cao, thu hút đầu tư DN có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, Bình Phước xác định đến năm 2020 thì ngân sách đạt 4.500 tỉ đồng.
Sang năm 2018, ngoài mục tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh, Bình Phước sẽ tập trung vào đề án tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện nghị quyết của Trung ương; cũng như thực hiện các công trình trọng điểm quảng bá về du lịch, thu hút đầu tư.
“Đề án tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được xây dựng theo phương châm và nguyên tắc “bốn giảm, bốn tăng” nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của các đơn vị. Trong đó, bốn giảm gồm giảm trung gian, giảm đầu mối, giảm biên chế, giảm chi ngân sách thường xuyên. Còn bốn tăng gồm tăng cường trách nhiệm người đứng đầu và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy hệ thống chính trị theo phân cấp phân quyền; tăng cường phân cấp quản lý cán bộ và tăng cường chất lượng phục vụ nhân dân” - bà Hiền thông tin.