Bình Phước: Phạt tù và buộc người vay phải trả nợ

Ngày 23-11, TAND tỉnh Bình Phước tuyên án vụ bà Ngô Minh Chiến bị khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản từ tháng 11-2014.
Bản án ghi nhận tại tòa, bị cáo cho rằng việc vay mượn với bị hại là giao dịch dân sự.
Các luật sư cho rằng VKS quy kết thân chủ viết vào tờ giấy vay tiền là đã trả hết nợ nhưng kết luận giám định không xác định được dòng chữ nào có trước, có sau.
Bị cáo không gian dối với bị hại mà vẫn thừa nhận nợ như bản chốt nợ giữa đôi bên. Lời khai nhận tội của bị cáo tại bệnh viện là khai theo điều tra viên yêu cầu để được tại ngoại (lúc này bà Chiến đang mang thai -PV). Từ đó, luật sư yêu cầu toà tuyên bị cáo không phạm tội .
Còn luật sư của bị hại cho rằng lời trình bày của bị cáo, bị hại và người liên quan có lệch nhau về số tiền gốc và lãi nhưng là có vay mượn.
Vấn đề mấu chốt là đến nay, bà Chiến vẫn nợ bị hại một số tiền lên đến tiền tỉ. Còn số bao nhiêu do cơ quan tiến hành tố tụng nhận định, phân tích. Bị hại thống nhất với việc truy tố của VKS trong vụ án này.

HĐXX đọc bản án. Ảnh: H.Y

Cáo trạng xác định dù lời khai của các bên mâu thuẫn về số tiền gốc và lãi nhưng có căn cứ xác định được số tiền mà ông T. cho bà Chiến vay để trả đáo hạn ngân hàng ít nhất bằng số tiền bà nợ ngân hàng là hơn 8,3 tỉ đồng.

Xét theo nguyên tắc có lợi của bị cáo, xác định số tiền gốc ông T. cho bà Chiến vay theo hợp đồng vay tiền là hơn 8,3 tỉ đồng. Ngày 29-9, Chiến có nhờ chồng đến nhà ông T vay thêm 400 triệu. Như vậy tổng số tiền mà vợ chồng đã vay của ông Tuệ là 8,7 tỉ đồng. Chiến chỉ mới trả được 3 lần tổng cộng 6,5 tỉ và còn nợ lại gần 2,3 tỉ tiền gốc. 

Và để nhằm chiếm đoạt số tiền còn nợ, Chiến đã dùng thủ đoạn gian dối cung cấp giấy tờ trả nợ có nội dung không phù hợp để làm chứng cứ chứng minh việc đã trả hết nợ tại buổi làm việc với công an Bình Phước vào ngày 10-1-2014. 

Bị cáo Ngô Minh Chiến tại toà sáng 23-11. Ảnh: H.Y

HĐXX về tố tụng nhận định có vi phạm về thời hạn điều tra. Về nội dung, toà đồng tình với việc truy tố.

Cụ thể là sau khi vay của ông T. 9 tỉ đồng qua hợp đồng vay cùng 400 triệu đồng, vợ chồng bị cáo đã ba lần thanh toán cho ông T. 6,5 tỉ đồng.

Khi ông T. tiếp tục đòi nợ và tố cáo đến cơ quan công an thì bà Chiến đã viết thêm vào tờ giấy trả tiền ngày 30-12-2010 trước đó có chữ ký của ông T. với nội dung ngày 30/12/2010, Chiến trả cho ông T. 9,4 tỉ đồng và ghi thêm chữ "lãi" vào dòng "Hôm nay ngày 30/12/2010, Chiến trả cho anh T. số tiền 1,5 tỉ đồng lãi”.

Theo toà, đây là hành vi giả mạo chứng cứ nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Chiến 13 năm tù.

Đồng thời, tòa buộc vợ chồng bị cáo liên đới bồi thường gần 2,3 tỉ đồng gốc trên cùng lãi hơn 2,2 tỉ đồng, tổng cộng là gần 4,5 tỉ đồng.

Trong các ngày xét xử, luật sư yêu cầu tòa kiểm tra lại bút lục hồ sơ. Vì có các bút lục, luật sư thấy rằng hồ sơ chụp từ toà với hồ sơ của VKS không khớp nhau. Nội dung bút lục VKS viện dẫn có nội dung khác bút lục trong hồ sơ của toà.

Luật sư cũng cho rằng trong biên bản phiên toà lần trước (hoãn một tháng sau mở lại) thiếu ý của luật sư tranh luận. Dù chủ tọa phiên toà trước có nói cho thư ký ghi âm phiên toà để tránh trường hợp thiếu sót nhưng vẫn bị thiếu sót. 

Còn đại diện VKS cho rằng tất cả các bút lục của VKS và tòa không khác về nội dung, chứng cứ. Tuy nhiên, luật sư không đồng ý với phản biện của VKS về đánh số bút lục.

Thậm chí, luật sư cho rằng có thể một số bút lục liên quan đến chứng cứ bị mất đi. Luật sư nói có thể có hai hồ sơ của riêng tòa và viện bởi vì không khớp bút lục dù bút lục không có dấu hiệu sửa đổi… Cạnh đó VKS có đối đáp 31 vấn đề với luật sư và cũng thừa nhận vụ án có vi phạm tố tụng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm