Một vụ án, đánh số bút lục giữa Tòa và VKS khác nhau?

Sáng 16-11, TAND tỉnh Bình Phước mở lại phiên xử sơ thẩm vụ bà Ngô Minh Chiến (sinh năm 1976 tại Thái Bình) bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trước đây một tháng, HĐXX sau khi tiến hành hết tất cả các phần tố tụng, nghị án kéo dài thì quyết định không tuyên án, hoãn lại để xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ và tài liệu đồ vật mà không phải thực hiện ngay tại phiên toà, không phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Bị cáo Ngô Minh Chiến. Ảnh: H.Y

Cụ thể là đối chất giữa người làm chứng, bị cáo và bị hại, người liên quan về số tiền bà Chiến vay để trả cho bị hại T. Cạnh đó là đối chất làm rõ có hay không việc giới thiệu, tác động hay ép buộc gì hay không để bị cáo vay tiền bị hại chín tỉ đáo hạn ngân hàng...
Đáng chú ý, ngay trong phần đầu phiên xử, luật sư yêu cầu tòa kiểm tra lại bút lục hồ sơ. Cụ thể trong công văn VKS phúc đáp tòa về các vấn đề nêu trên, VKS dẫn các bút lục 191, 192. Qua đối chiếu hồ sơ, ngoài bút lục trên còn có các bút lục luật sư thấy rằng hồ sơ chụp từ toà với hồ sơ của VKS không khớp nhau. Nội dung bút lục VKS viện dẫn có nội dung khác bút lục trong hồ sơ của toà.
Đại diện VKS cho rằng tất cả các bút lục của VKS và tòa không khác về nội dung, chứng cứ. VKS đánh bút lục khi hồ sơ từ CQĐT đưa qua.
Tuy nhiên, luật sư không đồng ý với phản biện của VKS về đánh số bút lục. Thậm chí, luật sư cho rằng có thể một số bút lục liên quan đến chứng cứ bị mất đi. Luật sư nói có thể có hai hồ sơ của riêng toà và viện bởi vì không khớp bút lục dù bút lục không có dấu hiệu sửa đổi...

Đại diện VKS tại toà. Ảnh: H.Y

Tại phiên xử trước đó, đại diện VKS đối đáp 31 vấn đề với luật sư và cũng thừa nhận vụ án có vi phạm tố tụng. Tuy nhiên, theo cơ quan này, vụ án phải trả hồ sơ nhiều lần là do lời khai của bị cáo Chiến trước sau bất nhất, nhỏ giọt, mỗi lúc một kiểu.
Mỗi lần như thế, vì thận trọng nên phải trả hồ sơ để đi điều tra xác minh dẫn tới vi phạm tố tụng… VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Chiến 12-13 năm tù. Quan điểm truy tố của VKS vẫn bảo lưu đến nay.
Còn các luật sư bào chữa cho bị cáo cùng một quan điểm không yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án mà đề nghị tòa tuyên thân chủ không phạm tội. Bởi vụ án này đã có kỷ lục về trả hồ sơ điều tra bổ sung. Theo các luật sư, CQĐT có một kết luận điều tra tiếp đó là 11 kết luận điều tra bổ sung. VKSND có 11 lần và TAND cũng năm lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung...
Phiên toà vẫn đang tiếp diễn phần tranh luận.

Bị khởi tố khi chưa trả nợ

Tháng 7-2010, bà Chiến ký hợp đồng vay của ông NVT 9 tỉ đồng với lãi suất 2%/tháng tại phòng công chứng. 
Tháng 4-2012, hai bên chốt lại số nợ còn 2,9 tỉ đồng (gồm 2,5 tỉ đồng tiền gốc và 400 triệu đồng tiền lãi). Sau đó, bà Chiến không trả được nợ nên tháng 11-2013, ông T. đã làm đơn tố cáo bà Chiến chiếm đoạt của ông 2,9 tỉ đồng. 
Bị Công an tỉnh Bình Phước triệu tập lên làm việc, bà Chiến thừa nhận món nợ, khẳng định việc vay mượn này là quan hệ dân sự, không có sự gian dối và bà không hề có ý định bỏ trốn để né tránh việc trả nợ. 
Tuy nhiên, một năm sau (tháng 11-2014), Công an tỉnh Bình Phước khởi tố, bắt tạm giam bà Chiến về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vì cho rằng bà đã chiếm đoạt tiền của ông T. 
Một tháng sau, khi phát hiện bà Chiến có thai, CQĐT mới cho tại ngoại đến nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm