Bình Thuận dừng hoạt động chở du khách bằng xe bò trên bãi biển

(PLO)- Những người vận chuyển du khách bằng xe bò cho rằng từ khi hoạt động đến nay chưa xảy ra tai nạn, cam kết sẽ khắc phục môi trường để tiếp tục hành nghề.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản giao UBND thị xã La Gi giải quyết, hỗ trợ sinh kế cho 30 hộ dân hành nghề chở du khách bằng xe bò tại bãi biển Cam Bình, La Gi.

Xe bò vận chuyển du khách trên bãi biển Cam Bình, La Gi. Ảnh: PN

Xe bò vận chuyển du khách trên bãi biển Cam Bình, La Gi. Ảnh: PN

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND thị xã La Gi phối hợp với các sở, ngành liên quan và Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã La Gi có giải pháp hiệu quả để tuyên truyền, vận động bà con không tham gia vận chuyển hành khách bằng xe bò. Đồng thời, giải quyết sinh kế cho 30 hộ dân ở xã Tân Phước, La Gi.

UBND tỉnh cũng giao các Sở có liên quan chủ động phối hợp với UBND thị xã La Gi hỗ trợ sinh kế cho các hộ dân nói trên.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, qua làm việc với các hộ dân làm nghề vận chuyển khách bằng xe bò ở xã Tân Phước thì vẫn có ý kiến muốn tiếp tục hoạt động xe bò để chở khách du lịch.

Người dân cho rằng đây là một trong những ngành nghề nhà nước không cấm, đã hoạt động từ năm 2016 đến nay và chưa có tai nạn nào xảy ra với du khách.

Đa số bà con coi đó là nghề mưu sinh chính của gia đình, nuôi con đến trường; hơn nữa hoạt động đưa khách du lịch là đặc trưng vùng, miền và hiện nay các xe bò đưa đón du khách đã có biện pháp bảo vệ môi trường, không còn để phân bò rơi vãi ra ngoài...

Thu nhập từ hoạt động vận chuyển xe bò bình quân mỗi hộ được 8 triệu đồng/tháng, đủ để trang trải cuộc sống và cho con em đến trường...

Hiện vẫn còn 20 xe bò vận chuyển du khách trên bãi biển Cam Bình. Ảnh: PN

Hiện vẫn còn 20 xe bò vận chuyển du khách trên bãi biển Cam Bình. Ảnh: PN

Theo báo cáo, hiện nay vẫn còn 20/30 chiếc xe bò hoạt động (10 xe ngưng hoạt động , chuyển về nghề cũ đánh bắt lưới thúng). Các hộ này cam kết khắc phục môi trường và đề nghị địa phương tổ chức, sắp xếp lại chứ không ngừng hoạt động.

UBND xã Tân Phước cũng triển khai cho các hộ trên vay vốn giải quyết việc làm nhưng các hộ dân này cho rằng họ đã vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội La Gi nên không thể vay nữa. Họ chỉ mong muốn được tiếp tục hành nghề để giải quyết cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, việc chở khách bằng xe bò sẽ gây nguy hiểm cho du khách; ảnh hưởng đến hình ảnh và môi trường của ngành du lịch nên đề nghị chuyển sang nghề khác. Ngân hành Chính sách xã hội thị xã La Gi sẽ cho vay 100 triệu đồng mà không cần thế chấp tài sản để hỗ trợ giải quyết việc làm.

Sở NN&PTNT cũng cho biết hiện đang có các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn như chương trình Mỗi xã một sản phẩm; chương trình Du lịch Nông thôn, liên kết chuỗi giá trị, đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Do đó, Sở này đề nghị các hộ dân dừng hoạt động xe bò, chuyển đổi nghề khác phù hợp với điều kiện gia đình và liên hệ với chính quyền địa phương đề có sự phối hợp hỗ trợ.

Theo nhiều người dân ở thị xã La Gi, việc dùng xe bò vận chuyển du khách rất rủi ro dù hiện tại chưa xảy ra tai nạn. Do đó, việc UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo dừng hoạt động vận chuyển du khách bằng xe bò là cần thiết, tuy vậy chính quyền nên tạo điều kiện thiết thực hơn để hỗ trợ sinh kế, nghề nghiệp cho những người tự nguyện chấp hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm