Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, vùng biển nội thủy rộng 20.288 km2, là một trong ba ngư trường trọng điểm của cả nước.
Từ đầu năm 2023 đến nay, chính quyền tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU) nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Nỗi lo vi phạm khi nguồn thủy sản cạn kiệt
Cuối tháng 11, tại cảng Phan Thiết, TP Phan Thiết, tàu đậu trên sông Cà Ty thành những hàng dài. Nhiều ngư dân chưa thể ra khơi vì những ngày này biển động.
Trò chuyện với PV báo Pháp Luật TP.HCM, ngư dân Nguyễn Văn Chiến (56 tuổi, ngụ phường Đức Thắng, TP Phan Thiết) chia sẻ ông theo nghề đi biển đã hơn 40 năm nhưng chưa bao giờ thấy thất thu như thời gian gần đây.
Nhà ông Chiến có ba đời theo nghề mành chà. Ngày trước, cha ông Chiến để lại cho ba anh em 3-4 tàu cá, mỗi người quản lý vài tàu nhưng những năm gần đây nguồn thủy sản cạn kiệt, ông phải bán đi gần hết.
Ông Lê Hùng (51 tuổi, ngụ phường Đức Thắng, TP Phan Thiết) kể ngày trước khi chính quyền chưa siết chặt về chống khai thác trái phép, nhiều ngư dân đánh bắt vô tội vạ ở vùng biển trong và ngoài tỉnh, dẫn đến nguồn thủy sản cạn kiệt dần.
Khi chính quyền siết chặt việc quản lý tàu cá, ngăn chặn việc đánh bắt trái phép, ông Hùng và ông Chiến đều bày tỏ sự ủng hộ.
Cách đây một tuần, ông Chiến, ông Hùng và nhiều ngư dân trên địa bàn đã tham gia hội nghị tuyên truyền, phổ biến quy định về IUU do UBND phường Đức Thắng tổ chức.
Tại hội nghị, các ngư dân đã ký cam kết với lực lượng biên phòng và UBND phường sẽ không đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ngoài. Đó là một trong nhiều cách mà chính quyền tỉnh Bình Thuận nỗ lực chống khai thác IUU trên địa bàn.
Nhiều biện pháp chống khai thác IUU
Sau gần nửa tháng lênh đênh trên biển, lúc 6 giờ một ngày cuối tháng 11, tàu cá mang số hiệu BTh 85279 TS của ông Hoàng Văn Thành (42 tuổi) cập cảng Phan Thiết. Đây là chuyến đi biển thứ 15 của ông Thành trong năm nay.
1 tiếng trước khi cập cảng, ông Thành gọi báo cáo với Ban quản lý cảng Phan Thiết. Khi tàu vào cảng, ông nhanh chóng giao nộp nhật ký hành trình cho cơ quan chức năng.
“Ngày trước, tôi đi 3-4 chuyến rồi về nộp nhật ký một chuyến cũng được nhưng hiện nay thì đi chuyến nào phải báo chuyến đó. Chưa kể khi đi tàu lúc nào cũng phải bật giám sát hành trình 24/24 giờ để cơ quan chức năng giám sát có vi phạm hay không” - ông Thành kể.
Theo ông Thành, từ ngày Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng, chính quyền tỉnh đã siết chặt các biện pháp chống khai thác trái phép.
“Ban đầu tôi thấy bỡ ngỡ lắm nhưng dần dần tôi hiểu việc này có lợi cho bản thân, nếu khai thác trái phép sẽ bị bắt, bị phạt và ảnh hưởng đến nhiều người khác nữa” - ông Thành nói.
7.824
tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên thuộc tỉnh Bình Thuận. Trong đó, nhóm tàu có chiều dài 6-12 m là 3.786 tàu; nhóm tàu có chiều dài 12-15 m là 2.036 tàu; nhóm tàu có chiều dài từ 15 m trở lên là 2.002 tàu.
Về đăng ký tàu cá, tỉnh Bình Thuận đã thực hiện đăng ký 5.940 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên và cập nhật vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia, đạt 75,9%. Đối với số tàu cá chưa đăng ký (1.884 tàu) được tỉnh phân loại cụ thể, khẩn trương xây dựng phương án quản lý, đăng ký theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Ngoài việc chấp hành quy định của chính quyền, ông Phan Thanh Hạc (ngụ xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam) còn tham gia Hội Cộng đồng ngư dân xã Tân Thuận nhằm tuyên truyền, đồng hành cùng chính quyền chống khai thác IUU.
Đây là hội nhóm tự quản do các ngư dân trong xã Tân Thuận lập ra, với mục đích là cùng nhau khai thác, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản tại vùng biển địa phương.
Từ ngày tham gia hội, được tuyên truyền pháp luật về chống khai khai IUU, ông Hạc đã nhìn thấy được sự chuyển biến trong nhận thức của bản thân cũng như của bà con ngư dân xã Tân Thuận.
“Lúc trước, không biết gì thì muốn đi biển là đi thôi, thấy hải sản ở đây ít thì đi xa hơn một chút để đánh bắt mà không biết việc đó có vi phạm hay không. Nay biết rồi thì không làm như thế nữa, khi đi biển cũng quan sát xem có tàu nào vi phạm để báo cáo lại, như thế là cũng góp phần bảo vệ vùng biển của mình” - ông Hạc hào hứng.
Theo ngư dân Lê Xuân Huỳnh, Đội trưởng Đội giám sát IUU của hội, ngư dân ngoài việc báo cáo những tàu thuyền đánh bắt sai tuyến thì còn tham gia các buổi vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật hoặc hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển...
“Hiện hội có khoảng hơn 180/250 hộ dân đánh bắt trong vùng, không có thành viên nào trong hội đánh bắt bất hợp pháp. Từ khi thành lập, hội đã báo cáo và xử lý hơn 100 vụ đánh bắt sai tuyến, đời sống của ngư dân xã cũng ngày càng được nâng cao” - ông Huỳnh cho biết.
***********
Chống khai thác IUU không chỉ để gỡ thẻ vàng
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, cho biết tỉnh còn 1.882 tàu cá “ba không”, trong đó trên 90% là các tàu có chiều dài 6-12 m, đây là một thách thức đối với công tác quản lý tàu cá.
Tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn là nguy cơ tiềm ẩn, nhất là các tàu cá hoạt động ngoài tỉnh, tàu cá đã bán ra ngoài tỉnh nhưng chưa làm thủ tục, tàu dưới 15 m không thuộc diện lắp đặt thiết bị VMS, tàu cá vượt ranh giới cho phép khai thác trên biển.
Tàu cá mất kết nối thiết bị VMS trên biển vẫn xảy ra thường xuyên, nhiều trường hợp tàu cá mất kết nối nhiều ngày (trên sáu tháng, trên một năm) nhưng chậm được báo cáo, xác định nguyên nhân.
Nhiều tàu cá chưa đăng ký, tỉ lệ tàu cá được cấp phép khai thác và thực hiện đăng kiểm tuy có cố gắng song vẫn chưa đạt 100% theo mục tiêu yêu cầu.
Trên thực tế còn nhiều hành vi vi phạm quy định như tàu cá không đăng ký, không có giấy phép; không khai báo khi ra vào cảng cá, không ghi, không nộp nhật ký khai thác; không duy trì hoạt động thiết bị giám sát trên biển... chưa xử lý kiên quyết nên ảnh hưởng đến hiệu quả chống khai thác IUU trên địa bàn.
Tuy đã thực hiện lắp đặt 100% thiết bị VMS cho các tàu yêu cầu (trên 15 m và tàu giã cào bay), 1.944/1.944 tàu, việc tàu mất kết nối và không duy trì kết nối vẫn còn xảy ra, điều này sẽ gây khó khăn cho hoạt động giám sát tàu cá trên biển.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU; tăng cường quản lý đội tàu, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; nâng cao tỉ lệ tàu cá đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác toàn tỉnh; hoàn thành đăng ký lại đối với tàu cá “ba số” do cấp huyện quản lý trước đây; quản lý chặt chẽ số tàu cá chưa đăng ký qua rà soát, không để phát sinh mới.
Bình Thuận sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất nhập bến tại đồn hoặc trạm kiểm soát biên phòng vùng biển và tàu cá ra vào cảng theo đúng quy định. Kiểm soát 24/24 giờ đối với tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS trên hệ thống giám sát tàu cá.
Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường kiểm soát tại cảng cá, bến cá; đảm bảo truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác phục vụ chế biến xuất khẩu. Tiếp tục tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, nhất là tại cảng cá, bến cá, kiên quyết xử lý các tàu cá vi phạm khai thác IUU.
BẢO PHƯƠNG - HỮU ĐĂNG
***********
Tạo thêm sinh kế, cùng ngư dân gỡ thẻ vàng
. Tỉnh Bình Thuận xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.
Với quyết tâm vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp và hướng đến phát triển nghề cá theo hướng bền vững, việc chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có những chuyển biến tích cực.
Giải pháp căn cơ để chống khai thác IUU
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Chiến cho biết do đặc điểm của tỉnh có bờ biển dài, vùng biển rộng lớn nên gặp nhiều khó khăn trong việc chống khai thác IUU.
Ông Chiến cho biết nhiều ngư dân đang hoạt động ở bãi ngang và đa số ngư dân có điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức pháp luật còn thấp. “Áp lực sinh kế dễ dẫn đến việc ngư dân vi phạm khai thác IUU, đây là điều tỉnh rất trăn trở” - ông Chiến tâm tư.
Ông Chiến cũng nhìn nhận hệ thống cảng cá, khu tránh bão còn thiếu. Hiện tỉnh chỉ mới đầu tư được 5/12 cảng cá, khu tránh bão theo quy hoạch nên ảnh hưởng đến việc giám sát tàu ra vào cảng, kiểm soát sản lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.
Bên cạnh đó, công tác kiểm soát tàu cá hoạt động ngoài tỉnh vẫn chưa chặt chẽ. Vì vậy, nhiều năm qua có nhiều tàu cá xuất bến từ ngoài tỉnh Bình Thuận và vi phạm vùng biển nước ngoài.
Cũng theo ông Chiến, việc kiểm soát tàu cá tại địa phương còn khó khăn do đội ngũ làm công tác quản lý nghề cá tại địa phương hạn chế, số lượng ít nên công tác giám sát chưa hiệu quả.
Một trong những giải pháp căn cơ để chống khai thác IUU được tỉnh Bình Thuận hướng đến là tăng nguồn lợi thủy sản và có thêm sinh kế cho người dân.
“Thời gian dài, do ngư dân khai thác không đúng cách, thiếu kiểm soát nên nguồn lợi thủy sản ở tỉnh dần cạn kiệt. Hệ lụy là người dân sẽ đến những ngư trường mới để khai thác, đánh bắt trái phép và có thể vi phạm vùng biển của nước khác” - ông Chiến nói.
Thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển nuôi biển, chuyển đổi nghề cho ngư dân làm nghề cá ven bờ, đặc biệt là triển khai các mô hình bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với phát triển du lịch sinh thái, nghề cá giải trí...; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ven biển, đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội xây dựng làng cá văn minh.
Từng bước nâng cao nhận thức của ngư dân
Trong bối cảnh cả nước tập trung tháo gỡ thẻ vàng của EC, ông Nguyễn Văn Chiến cho biết lực lượng chức năng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hạn chế tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.
“Tỉnh xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu” - ông Chiến nhấn mạnh.
Theo ông Chiến, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt các sở, ngành chức năng và địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU; đặc biệt là thành lập Ban chỉ đạo chống khai thác IUU, lực lượng kiểm ngư, kiện toàn tổ chức quản lý cảng cá.
Tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị VMS đối với tàu cá đang hoạt động, kiểm soát chặt chẽ các tàu cá ngừng hoạt động chưa lắp đặt VMS. Bình Thuận là địa phương có tỉ lệ đăng ký, đăng kiểm cao, trong đó tỉ lệ tàu cá được cấp giấy phép khai thác còn hạn đạt 87,2%; tàu cá được đăng kiểm còn hạn đạt 82,6%.
Ngoài ra, tỉnh cũng thành lập bốn văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá Phan Thiết, Phú Hải, La Gi, Phan Rí Cửa; thành lập Trung tâm giám sát tàu cá và tổ chức trực ban 24/7 để giám sát tàu cá hoạt động trên biển.
“Hoạt động chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan. Các hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài từng bước được ngăn chặn và giảm thiểu so với các năm trước đây” - ông Chiến nhận định.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh đã xử phạt 360 vụ, thu phạt khoảng 3,4 tỉ đồng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của người dân và nâng cao hiệu quả trong việc chống khai thác IUU.
**********
Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến Bình Thuận
Tiếp tục hành trình, ngày 25-11, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ đến với bà con ngư dân tỉnh Bình Thuận. Đây là địa phương có biển thứ chín mà báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chương trình này.
Chương trình có sự tham dự của ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ (Chủ tịch danh dự của chương trình); lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, các đơn vị, huyện ủy, UBND các huyện và đông đảo bà con ngư dân tỉnh nhà.
Tại tỉnh Bình Thuận, đoàn do nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dẫn đầu cùng đại diện lãnh đạo tỉnh và Ban Tổ chức sẽ đến thăm hỏi, tặng quà cho ba gia đình ngư dân tiêu biểu ở phường Hưng Long, TP Phan Thiết, lắng nghe các hộ ngư dân trao đổi về các vấn đề sinh kế.
Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra tọa đàm “Bảo vệ môi trường biển để phát triển kinh tế biển bền vững tại tỉnh Bình Thuận”.
Ban Tổ chức sẽ trao tặng 200 phần quà, mỗi phần quà trị giá hơn 4 triệu đồng cho 200 hộ ngư dân tỉnh Bình Thuận, bao gồm: một bình ắc quy + đèn LED, một cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”, một túi thuốc gia đình phục vụ cho ngư dân ra khơi (với những loại thuốc cần thiết) và một hộp pin Con Ó cùng một số thực phẩm khác. Ngoài ra, chương trình còn dành tặng 40 suất học bổng cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi.
Dịp này, chương trình cũng trao quà cho 200 gia đình khó khăn trong chương trình “Chia sẻ khó khăn - Chăm lo đón Tết”, mỗi phần quà gồm: mì ăn liền, sữa, cháo, gia vị, nước chấm… và 500.000 đồng. BAN TỔ CHỨC