Ngày 9-2, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh; Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh Bình Thuận vừa ký ban hành Phương án bảo vệ rừng, phòng, chống phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2022.
Hiện trường một vụ phá rừng tại rừng phòng hộ Sông Lũy, Bắc Bình. Ảnh: PN
Phương án trên nhằm chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật trong thời kỳ cao điểm của mùa khô năm 2022, đặc biệt thời điểm trước, trong và sau Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Cụ thể toàn bộ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh trừ huyện đảo Phú Qúy đều xác định các địa điểm cần tập trung công tác chống phá rừng, đặc biệt là các khu rừng có trữ lượng và giá trị kinh tế cao nằm giáp ranh với các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại huyện Tuy Phong giáp ranh huyện Bắc Bình (thuộc các tiểu khu 12, 13, 15, 22); giáp ranh huyện Đức Trọng - tỉnh Lâm Đồng (thuộc các tiểu khu 3, 4, 5, 6); giáp ranh huyện Ninh Sơn, huyện Thuận Nam - tỉnh Ninh Thuận (thuộc các tiểu khu 18, 19, 20).
Trong đó chú ý ngăn ngừa lấn, chiếm đất lâm nghiệp khu vực Láng Lớn, Cây Cóc, Hòn Thủ và các hoạt động đào bới, mua bán gốc cây rừng tự nhiên làm cây cảnh, cây kiểng, đồ mộc mỹ nghệ.
Rừng bằng lăng tại Sông Lũy bị lâm tặc triệt hạ. Ảnh: PN
Tại huyện Bắc Bình cần chú ý thường xuyên theo dõi, xử lý kiên quyết tình hình mua bán lâm sản trái pháp luật do các đối tượng khai thác lâm sản tuyến vùng nội huyện dùng phương tiện xe cải tiến, xe máy độ chế vào khai thác vận chuyển về các địa phương như các xã Sông Lũy, Bình Tân, Phan Hòa, Hải Ninh để tiêu thụ hoặc bán lại cho các cơ sở chế biến lâm sản.
Đáng chú ý là khu vực vùng giáp ranh, lâm tặc thường vào khu vực rừng Bắc Bình khai thác, vận chuyển về xã Tà Năng, Đà Loan, Ninh Loan (Lâm Đồng) tiêu thụ....
Tỉnh Bình Thuận cũng xác định vùng trọng điểm cháy rừng được phân loại trên 3 yếu tố: Thời tiết khí hậu, khối lượng vật liệu cháy và nhân tố con người (gần khu dân cư, số lượng người ra vào rừng nhiều…) và chia làm 3 cấp.
Vùng trọng điểm cháy rừng cấp 3 (dễ xảy ra cháy rừng) gồm những khu vực rừng có kiểu rừng thường xanh nứa rụng lá, rừng khộp, tre nứa, các khu vực rừng trồng tập trung, rừng gần khu dân cư, gần các tuyến đường dân sinh, đường lâm nghiệp có các hoạt động ra vào thường xuyên của con nguời, gồm các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh.
Theo báo cáo, trong năm 2021, đã phát hiện và lập hồ sơ vi phạm Luật Lâm nghiệp 270 vụ/275 vu ̣so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lê ̣giảm 1,82% (khởi tố hình sự 6 vụ; tịch thu 254,17m3 các loại, 3 ô tô, 9 xe trâu bò kéo, 136 xe máy, 27 phương tiện khác; nộp ngân sách nhà nước gần 2 tỷ đồng. Trong năm 2021, xảy ra 26 trường hợp cháy thực bì (lá, cỏ khô...) dưới tán rừng, giảm 15 trường hợp (36,59 %) với diện tích 35 ha/67,02 ha (giảm 47,78 %) so với cùng kỳ năm 2020. |