Ngày 14-8, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ TN&MT, Bộ Công Thương kiến nghị về đề xuất điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan và khu vực dự trữ quặng titan trên địa bàn Bình Thuận.
Tỉnh Bình Thuận kiến nghị đưa hơn 20.000 ha diện tích ở các khu vực ven biển ra khỏi khu vực dự trữ titan.
Theo đó, ngày 23-7, Bộ TN&MT có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc trình phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với khoáng sản titan. Trong đó, yêu cầu giữ nguyên sáu khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với diện tích 82.500 ha, thời gian dự trữ đến năm 2050.
Tuy nhiên, Bộ TN&MT vẫn chưa có ý kiến về việc cho phép triển khai 49 dự án trong khu vực dự trữ theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Thuận.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, khu vực ven biển tỉnh Bình Thuận có nhiều địa danh, điểm du lịch nổi tiếng cả nước và thế giới như: Khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, Phan Thiết; Khu du lịch Cổ Thạch - Bình Thạnh, huyện Tuy Phong; khu vực Bàu Trắng, huyện Bắc Bình; đồi cát bay Trinh nữ… Trước khi có Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 06/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực dự trữ quặng titan, khu vực này đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhưng chưa thể chấp thuận.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh; xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành trung tâm du lịch-thể thao biển mang tầm quốc gia theo kết luận của Bộ Chính trị, UBND tỉnh kiến nghị đưa ra khỏi khu vực dự trữ quặng titan đối với các khu vực ven biển của tỉnh.
Cụ thể, Khu đô thị du lịch Cổ Thạch - Bình Thạnh, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (2.907 ha); Khu vực hai bên trục đường Hòa Thắng - Hòa Phú, hồ nước Bàu Trắng, đồi cát bay Trinh nữ và khu đô thị ven biển thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình và xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong (19.060 ha).
Hiện khu vực này có các dự án Khu đô thị Du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam diện tích 1.142 ha (chồng lấn 1.067 ha dự trữ); dự án Tổ hợp Đô thị - Du lịch - Thể thao biển Hòa Thắng diện tích 1.342 ha (chồng lấn 190 ha dự trữ).
Ngoài ra, còn khu vực Quy hoạch phát triển du lịch ven biển Hàm Tiến - Mũi Né, thành phố Phan Thiết; hai bên trục đường Võ Nguyên Giáp và sân bay Phan Thiết (3.521 ha). Trong khu vực này ngoài các dự án đã và đang đầu tư, hiện nay có các dự án đầu tư: Sân bay Phan Thiết đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thực hiện; dự án đầu tư Trung tâm Dịch vụ du lịch Hàm Tiến-Mũi Né diện tích 198 ha (chồng lấn 76 ha dự trữ)...
Đối với thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia, theo UBND tỉnh Bình Thuận thì đề nghị điều chỉnh của Bộ TN&MT chỉ đến năm 2050, như vậy thời gian dự trữ từ nay đến năm 2050 chỉ là 32 năm không đảm bảo đủ thời gian hoạt động cho vòng đời các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài ra không đáp ứng được thời gian chấp thuận đầu tư của các dự án (50-70 năm) theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai.
Để đảm bảo đủ thời gian hoạt động, vòng đời các dự án phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực dự trữ khoáng sản, tạo điều kiện để tỉnh chủ động tổ chức thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội, phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh (thực tế các dự án đầu tư đều có thời gian hoạt động là 50-70 năm mới đủ hoàn vốn đầu tư và có lợi nhuận), Bình Thuận đề nghị thời gian dự trữ khoáng sản titan quốc gia đến năm 2070 hoặc 2090 (50-70 năm). Trong đó, điều kiện là chủ đầu tư không được phép khai thác khoáng sản và tỉnh chịu trách nhiệm bảo vệ, báo cáo khoáng sản dự trữ trong thời gian thực hiện dự án.
Nhiều dự án khai thác titan nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trong thời gian rà soát khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, đề nghị Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tỉnh trước mắt được chấp thuận 49 dự án trong khu vực dự trữ khoáng sản quặng titan phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành và danh mục các dự án kêu gọi, xúc tiến đầu tư, đáp ứng các điều kiện theo Thông báo số 101/TB-VPCP ngày 13-3-2018 của Văn phòng Chính phủ.
Đối với 10 khu vực đã được cấp giấy phép thăm dò, qua rà soát nếu các khu vực này có địa hình cao so với các dự án, an toàn khu vực mỏ không cao, nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi vào hoạt động, không đảm bảo nguồn nước để cung cấp cho việc khai thác, tuyển quặng titan... cần phải được điều chỉnh, hoán đổi sang khu vực khác. Việc này nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhân dân, Nhà nước và doanh nghiệp, phù hợp theo quy định, tránh gây ra khiếu nại về sau.
Vỡ hồ, vật chất đổ ập xuống đường gây ô nhiễm, thiệt hại tài sản và bức xúc của người dân
Tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì cùng Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Thuận làm việc với các đơn vị đã được Bộ TN&MT cấp giấy phép thăm dò nêu trên để giải quyết việc điều chỉnh, hoán đổi cụ thể từng khu vực. Sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận việc đưa các diện tích trên vào khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia và cho phép thực hiện các dự án phát triển kinh tế khác.