Bình Thuận: Xử lý vi phạm nồng độ cồn 'không có vùng cấm, không có ngoại lệ'

(PLO)- Công an tỉnh Bình Thuận quán triệt đến lực lượng CSGT là xử lý vi phạm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-4, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký công văn gởi các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

CSGT Bình Thuận lập biên bản các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh PN.

CSGT Bình Thuận lập biên bản các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh PN.

Theo đó, trong những tháng đầu năm 2023, dưới sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp, vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể tỉnh và sự đồng thuận, ủng hộ của quần chúng nhân dân, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTANGT) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề đáng quan tâm, cụ thể 3 tháng đầu năm (từ ngày 15-12-2022 đến ngày 14-3-2023) tai nạn giao thông trên toàn tỉnh (gồm đường bộ và đường sắt) đã xảy ra 60 vụ, làm chết 46 người, bị thương 40 người. So với thời gian liền kề, tăng 1 vụ, tăng 6 người chết và tăng 5 người bị thương.

Tình hình vi phạm TTATGT còn xảy ra nhiều, phổ biến là các hành vi vi phạm về tốc đô,̣ nồng độ cồn,…; trong đó, nhiều trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia dẫn đến TNGT.

Để nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, góp phần phòng ngừa, kiềm chế và làm giảm TNGT, nhất là TNGT liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.

CSGT Bình Thuận kiểm tra nồng độ cồn người đi xe máy tại TP Phan Thiết.

CSGT Bình Thuận kiểm tra nồng độ cồn người đi xe máy tại TP Phan Thiết.

Tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên trong chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT, quyết tâm hình thành thói quen tiến tới xây dựng văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đề nghị mặt trận, đoàn thể tỉnh tổ chức quán triệt đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nắm rõ, tự giác chấp hành và vận động người thân chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

Yêu cầu đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đồng thời, nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý của lực lượng thực thi công vụ. Có hình thức, biện pháp xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm.

Các địa phương có tình hình TNGT mà nguyên nhân liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND cấp huyện phải trực tiếp chỉ đạo Ban An toàn giao thông, lực lượng Công an và các đơn vị liên quan tổ chức phân tích, đánh giá, xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, tham mưu, đề xuất các biện pháp phòng ngừa, kiềm chế TNGT. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra TNGT từ nghiêm trọng trở lên do người điều khiển phương tiện gây tai nạn có nồng độ cồn.

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSGT tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

CSGT Bình Thuận kiểm tra nồng độ cồn trường hợp lái xe ô tô.

CSGT Bình Thuận kiểm tra nồng độ cồn trường hợp lái xe ô tô.

Quán triệt đến toàn thể cán bộ chiến sĩ trong quá trình xử lý vi phạm phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không giải quyết bất cứ trường hợp can thiệp, xin bỏ qua lỗi vi phạm.

Quá trình xử lý vi phạm, xác định người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh thì phải thông báo đầy đủ hành vi vi phạm về cơ quan, đơn vị của người vi phạm để xử lý theo quy định.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người khi tham gia giao thông. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với lực lượng Công an tiến hành rà soát, làm việc với các nhà hàng, quán ăn và các cơ sở kinh doanh có nguy cơ, điều kiện phát sinh vi phạm về nồng độ cồn trên địa bàn để tuyên truyền, vận động khách hàng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia.

Sở Nội vụ phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan tiếp nhận thông tin các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước; đưa nội dung này vào các tiêu chí để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm