'Bình tĩnh, hàng hóa tại Hà Nội đáp ứng đủ mọi cấp độ'

Chiều nay, 7-3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp với các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương TP Hà Nội bàn về các biện pháp đảm bảo nguồn cung trong nước, ổn định thị trường, tránh tạo tâm lý bất ổn của người dân về việc thiếu hàng hóa. 

Cuộc họp này được tổ chức ngay sau khi Việt Nam ghi nhận thêm ca nhiễm dịch bệnh COVID-19 thứ 17 tại Hà Nội vào tối 6-3.

Hà Nội đã xây dựng sẵn các kịch bản dự trữ hàng hóa

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp. Ảnh: AH

Thông tin tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết ngay khi dịch bắt đầu, Bộ Công Thương đã triển khai các nhiệm vụ đảm bảo cung cầu, hàng hóa cho nhân dân, xây dựng các kịch bản ứng phó ở cấp độ dịch được kiểm soát trong quý 1, quý 2 và kéo dài. Thậm chí xây dựng cả kịch bản đảm bảo hàng hóa với các địa phương bị cách ly.

Kết quả sơ bộ khi dịch bùng phát, qua báo cáo của các Sở Công Thương, các hệ thống phân phối đã dự báo được nhu cầu của người dân nên đều tăng lượng hàng dự trữ. Ví dụ như Big C tăng gấp ba lần, Coop Mart tăng 50%, các mặt hàng rau củ quả, mỳ, gia vị đều được nhà phân phối lớn có kế hoạch cung ứng và bày bán, có giá cả rõ ràng, không sốt hàng sốt giá.

"Ngay sau khi Hà Nội phát hiện ca nhiễm vào tối 6-3, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, từ sáng sớm Bộ Công Thương đã yêu cầu các nhà phân phối trên địa bàn tăng nguồn cung hàng hóa, đảm bảo đủ cho người dân. Người tiêu dùng hãy bình tĩnh. Về cơ bản hàng hóa tại Hà Nội là đáp ứng đủ" - ông Đông khẳng định.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội, cho biết ngay khi Chính phủ công bố dịch COVID-19 vào đầu tháng 2-2020 và TP Hà Nội công bố có một ca nhiễm dịch đã xảy ra tình trạng một số người dân đổ xô đi mua hàng dự trữ các mặt hàng thiết yếu như sản phẩm tươi sống, rau củ, quả, dầu ăn, mì tôm, khẩu trang, nước rửa tay, giấy vệ sinh, nước đóng chai...

Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 2-2020 Sở Công Thương TP Hà Nội đã chủ động tiếp tục triển khai công tác bình ổn thị trường sau tết theo Chương trình bình ổn thị trường của thành phố, các doanh nghiệp tham gia bình ổn vẫn trong các tháng thực hiện chương trình nên hàng hóa vẫn đáp ứng đầy đủ, giá cả ổn định không tăng. Một số mặt hàng thiết yếu giá còn thấp hơn so với ngoài chợ dân sinh, khách đến mua tại các siêu thị tăng hơn, tăng trưởng của các siêu thị trong tháng 2-2020 vẫn tăng 15%-20%.

Theo bà Lan, Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa để phòng chống dịch với bốn cấp độ. Cấp độ 1, 2 là mắc bệnh lây nhiễm bình thường. Cấp độ 3 lây nhiễm từ 20 người trở lên. Cấp độ 4 từ 1.000 người trở lên.

"Ngành Công Thương tập trung vào phương án 3, 4 có 20 người mắc bệnh trở nên thì chúng tôi đã tính toán đủ. Đặc biệt, với cấp độ 4 nếu như có 1.000 người mắc bệnh thì chúng tôi đã xây dựng lượng hàng hóa dự trữ cho 5.000 người phục vụ cho việc cách ly. Đã phân bổ đủ các loại hàng hóa thiết yếu như gạo, dầu ăn, trứng, muối và các loại thực phẩm khác, giao cụ thể cho các đơn vị phân phối tổ chức dự trữ" - phó giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội thông tin.

Doanh nghiệp cam kết không thiếu hàng, không tăng giá

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, khẳng định về cơ bản hàng hóa tại Hà Nội là đáp ứng đủ. Ảnh: AH

Tại cuộc họp, đại diện các hệ thống phân phối lớn trong nước và tại Hà Nội đều khẳng định đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Big C, cho biết siêu thị đã tăng 300%-400% các mặt hàng thiết yếu.

"Hôm nay, do tâm lý nên sức mua có tăng cao hơn so với ngày thường, lượng số người đông đến mức nhân viên không thể kiểm soát hết, là nguy cơ rất lớn để dịch bệnh lây lan. Chúng tôi đã huy động các đơn vị cung ứng tăng thời lượng giao hàng, đồng thời tính toán nhập khẩu mặt hàng thịt heo, ngày mai sẽ về tới. Để giảm tải số người tập trung tại một thời điểm, chúng tôi cũng điều chỉnh thời gian mở cửa từ 7 giờ sáng đến khi hết khách hàng. Để giảm thiểu tâm lý hoang mang của người dân, chúng tôi cam kết không tăng giá các mặt hàng trong giai đoạn này" - bà Phương cho biết.

Đại diện Saigon Co.op cho biết cũng triển khai dự trữ các mặt hàng thiết yếu với giá trị trên 500 tỉ đồng tại ba kho lớn trên toàn quốc. Ngoài ra, cũng chuẩn bị sẵn lượng hàng đông lạnh để phục vụ người dân trong ngày hôm nay. Trong sáng nay, lượng nhận đơn hàng qua điện thoại tăng gấp 10 lần so với bình thường. 

Sức mua tại các siêu thị ở Hà Nội tăng cao sau khi Việt Nam ghi nhận thêm ca nhiễm dịch bệnh COVID-19 thứ 17 tối 6-3. Ảnh: NAM NGUYỄN


Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, cho biết để giảm tải cho các siêu thị và hạn chế khả năng lây truyền trong bối cảnh đã xuất hiện ca dương tính với COVID-19 tại Hà Nội, Cục đang bàn với một số đơn vị vận chuyển triển khai giao hàng miễn phí trên địa bàn Hà Nội trong 24 giờ để kích thích người dân mua sắm trực tuyến.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Qua thông tin tại cuộc họp cho thấy chúng ta hoàn toàn tự tin về các phương án ứng phó với diễn biến xấu của dịch bệnh trong việc đảm bảo cung ứng hàng hóa, thực phẩm cho người dân.

Bộ trưởng cho biết bài học của Hà Nội trong những ngày qua là rất quý để tiếp tục hoàn thiện, bổ sung kịch bản ứng phó với dịch bệnh ở bất cứ cấp độ nào.

Bộ trưởng giao Vụ Thị trường trong nước chủ động bàn với các địa phương xây dựng kế hoạch, trong đó có những cam kết với doanh nghiệp địa phương bình ổn giá, cung cấp đủ hàng, không lợi dụng đẩy giá lên cao.

Đề nghị các địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch trong bối cảnh dịch đang diễn ra thực tế tại địa phương. Đẩy mạnh giao dịch mua bán qua mạng để giảm bớt việc đông người tập trung tại nơi công cộng, gây ra nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện kế hoạch đã xây dựng đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân. Nếu gặp khó khăn cần tháo gỡ thì chủ động báo cáo với các địa phương, Bộ Công Thương để kịp thời giải quyết...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm