Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến hàng loạt ngành như du lịch, ăn uống, vận tải, nông thủy sản, dệt may, da giày, điện tử, giáo dục… lao đao. Trước thực trạng đó, nhiều ngân hàng đã chủ động cấp bách triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng vay vốn gặp khó khăn do dịch.
Dốc sức hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cho biết: “Khó khăn của các doanh nghiệp (DN) cũng gián tiếp là khó khăn của ngân hàng. Do đó, chủ trương của chúng tôi là phải chia sẻ, đồng hành để giúp DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vượt qua giai đoạn cam go. Hiện chúng tôi đã miễn, giảm lãi cũng như cơ cấu lại nợ, hỗ trợ thanh khoản cho một loạt khách hàng của mình. Đặc biệt, chúng tôi tập trung vào các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch như nông, lâm, thủy sản và xuất khẩu”.
Theo đánh giá bước đầu, hiện nay tổng dư nợ của khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch lên tới khoảng 104.970 tỉ đồng, chiếm 11,39% tổng dư nợ toàn hệ thống VietinBank. Từ nay đến 30-6, căn cứ trên mức độ ảnh hưởng của dịch tới kết quả hoạt động sản xuất và kinh doanh, khách hàng sẽ được xem xét áp dụng ưu đãi giảm trừ lãi suất cho vay 1,25%-3%/năm so với mức sàn lãi suất cho vay thông thường.
Bên cạnh đó, VietinBank sẽ tiếp tục áp dụng chính sách cho vay ưu đãi đối với dư nợ cũ trong thời gian tối đa sáu tháng.
Lãnh đạo VietinBank cũng thông tin từ ngày 23-1 đến 27-2 vừa qua, ngân hàng này đã giải ngân cho hơn 930 khách hàng với số tiền trên 17.400 tỉ đồng. “Chúng tôi đang tiếp tục xem xét cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi trong thời gian sớm nhất cho các khách hàng đang gặp khó khăn” - ông Thọ thông tin thêm.
Tương tự, ông Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc HDBank, cho biết: Đối với các khách hàng DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược và thiết bị vật tư y tế, HDBank hiện đang triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay. Cụ thể, lãi suất vay ngắn hạn tốt nhất là 7,5%/năm, lãi suất thấu chi giảm tối đa lên đến 3%. Đối với các DN khác, HDBank miễn phí chuyển khoản nội địa...
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng đã đăng ký tổng cộng 285.000 tỉ đồng để tung gói tín dụng lãi suất ưu đãi hỗ trợ khách hàng, DN bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Các ngân hàng sẽ dùng biện pháp giảm bớt chi phí của mình để hỗ trợ DN, giảm lãi suất 0,5%-1%.
“Nguồn vốn sẽ do ngân hàng tự cân đối và không sử dụng vốn ngân sách. Hiện nay, các ngân hàng đều đăng ký tham gia và kỳ này là tham gia thật. Ngoài ra, một số ngân hàng tham gia bằng cách miễn phí một phần hoặc toàn bộ giao dịch” - đại diện NHNN khẳng định.
Nhiều ngân hàng đã bắt đầu triển khai đăng ký gói tín dụng lãi suất thấp để hỗ trợ DN chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ảnh: TL
Du lịch là một trong lĩnh vực đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất từ dịch COVID-19. Ảnh: TU
Hỗ trợ phải kịp thời, chính xác
Đứng từ góc độ của DN, ông NVT, giám đốc một công ty vận tải tại TP.HCM, cho hay: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến doanh thu teo tóp, trong khi vẫn phải trả lương cho hàng trăm cán bộ, công nhân viên, trả tiền thuê mặt bằng, trả lãi vay ngân hàng... Rất may trong lúc DN gặp khó khăn đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ phía ngân hàng. Cụ thể là cùng với giải pháp tạm thời không dịch chuyển nhóm nợ vì nợ quá hạn (không thể trả cả gốc và lãi vào ngày đến hạn đã cam kết trong hợp đồng tín dụng), công ty còn được ngân hàng đồng ý cho vay thêm nhằm giảm áp lực căng thẳng thanh khoản trong ngắn hạn.
“Đối với người kinh doanh, việc bị nhảy nhóm nợ là điều vô cùng đáng sợ. Bởi nó làm giảm uy tín của DN, khi uy tín bị ảnh hưởng đồng nghĩa với việc sau này sẽ khó tiếp cận được vốn vay từ phía các ngân hàng” - vị đại diện DN cho hay.
Đại diện một công ty xuất khẩu nông sản thì cho rằng do ảnh hưởng bởi dịch nên doanh thu giảm khoảng 40%, trong khi tỉ lệ lãi vay trên doanh thu thì tùy thuộc vào loại hình kinh doanh và mức vay. Như vậy, với mức giảm lãi suất 0,5%-1%, các ngân hàng sẽ không xử lý được nhiều khó khăn cho DN.
“Do đó, tôi cho rằng để đồng hành cùng DN, các ngân hàng nên giãn nợ gốc, lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đến sau khi công bố hết dịch vài ba tháng và trả dần trong nhiều tháng. Làm như vậy thì mới có thể giảm chi phí, tăng doanh thu từ kinh doanh sau dịch, tạo ra nguồn bù đắp khoản phải chi trả cho ngân hàng” - vị đại diện công ty trên đề xuất.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính ngân hàng Huỳnh Trung Minh nhìn nhận điều quan trọng và cấp bách nhất mà nhà kinh doanh cần lúc này là làm sao được ngân hàng cung cấp tiếp nguồn vốn để cầm cự. Bởi cho dù DN lao đao, tạm ngừng sản xuất thì vẫn phải tốn một chi phí nhất định để duy trì hệ thống.
“Mặt khác, việc hỗ trợ cũng phải công bằng. Ví dụ, công ty nào sử dụng nhiều dịch vụ của ngân hàng, điểm tín dụng tốt, thực sự bị thiệt hại do dịch… thì mới nhận được sự hỗ trợ. Có như vậy mới tránh được trường hợp có những đơn vị lợi dụng chính sách để làm sai lệch chất lượng tín dụng” - ông Minh nhấn mạnh.
280.000 tỉ đồng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Tại Chỉ thị 11 vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao NHNN chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng. Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30.000 tỉ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. |
Từng ngân hàng phải đưa ra phương án phù hợp
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, khẳng định đang thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hiện chưa có bất cứ DN nào bị ảnh hưởng bởi dịch lại bị nhảy nhóm nợ vì nợ quá hạn cả. Nếu phát hiện ra bất cứ trường hợp DN chứng minh bị thiệt hại do dịch bệnh mà bị ngân hàng chuyển nhóm nợ thì sẽ bị NHNN xử lý ngay.
Liên quan đến việc các ngân hàng đang chờ NHNN ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đánh giá mức độ thiệt hại do dịch COVID-19 để thực hiện, ông Hùng thông tin: Sớm nhất trong tuần tới, còn nếu muộn nhất sẽ là ngày 31-3, thông tư hướng dẫn về các tiêu chí này sẽ được ban hành.
“Thông tư hướng dẫn về tiêu chí đánh giá mức độ thiệt hại do dịch là khung chung. Còn từng tổ chức tín dụng sẽ phải căn cứ vào thực tế để rà soát, xem xét, xử lý cho các DN vay vốn. Nghĩa là các ngân hàng thương mại phải đánh giá mức thiệt hại của DN dựa trên các yếu tố như sụt giảm doanh thu so với cùng kỳ năm trước, so với tháng trước... để đưa ra các phương án hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng khách hàng” - ông Hùng nói.
Tỉ lệ nội địa hóa cao vẫn gặp khó về nguyên liệu Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa dẫn đầu đoàn công tác của bộ làm việc tại một số DN trong lĩnh vực dệt may. Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây cho hay chuyên sản xuất giày lưu hóa, giày thể thao, ép phun với công suất tối đa đạt 120.000 đôi/tháng. Thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó 60% xuất sang thị trường Anh. Dù sản phẩm của công ty có tỉ lệ nội địa hóa cao trên 70% nhưng cũng gặp khó khăn trong vấn đề nguyên liệu. Tại Tổng Công ty May 10, nơi có 12.000 lao động đang làm việc trên khắp cả nước cũng đang chịu sức ép lãi vay ngắn hạn, trả nợ gốc, nỗi lo nhân công và nhất là nguy cơ khách hàng hủy đơn hàng do ảnh hưởng nguồn cung trong khi đối tác vẫn cần hàng. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự tích cực, chủ động vượt khó của từng DN. Bộ trưởng gợi ý với tỉ lệ nội địa hóa cao, có những đôi giày lên đến 95% như vậy, DN nên tìm kiếm các thị trường nguyên liệu khác, ưu tiên khai thác thị trường trong nước, tránh để phụ thuộc vào một thị trường cụ thể. A.HIỀN |