Bộ Công Thương đánh giá các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam (VN) hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc (TQ) và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như Hàn Quốc, Nhật Bản… để phục vụ sản xuất.
Trong đó, một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ngành điện-điện tử. Hiện nay các doanh nghiệp (DN) điện tử chỉ còn đủ lượng linh kiện, phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3-2020.
Mất 200.000 USD/tháng vì dịch
“Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hơn một tháng nay công ty đã mất gần 200.000 USD doanh thu” - ông Bùi Thanh Luân, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát, cho biết.
Theo ông Luân, công ty sản xuất các bộ truyền dữ liệu dùng cho máy CNC kết nối với Internet và đang bán trên 40 nước. Bộ truyền dữ liệu này hầu hết sử dụng nguyên phụ liệu tại VN nhưng màn hình LCD hiển thị thông số điều khiển phải nhập từ TQ do VN chưa làm được.
“Các nhà máy TQ dừng sản xuất để chống dịch nên không có hàng để chuyển sang bên mình. Bộ truyền dữ liệu đó đã được lắp đặt xong nhưng chỉ thiếu mỗi màn hình mà toàn bộ dây chuyền phải dừng hoạt động, đồng nghĩa không thể xuất bán cho khách hàng được. Cứ mỗi tháng công ty xuất hơn 1.500 bộ với giá 130 USD/bộ, như vậy là riêng mảng này đã mất khá nhiều doanh thu” - ông Luân nói.
Ngoài ra, Hiệp Phát cũng sử dụng nhiều linh phụ kiện nhập khẩu từ TQ cho các thiết bị khác nhưng đang trong tình trạng đóng băng vì thiếu nguyên phụ liệu. Không chỉ đầu vào là nguyên liệu thiếu hụt mà đầu ra cho sản phẩm cũng gặp khó. Lý do là hiện nay Hàn Quốc trở thành tâm dịch nên hàng hóa của công ty xuất khẩu qua nước này không dễ. “Hiện giờ gần như toàn bộ bị đóng băng vì không ai nhận chuyên chở hàng. Chúng tôi thiệt hại rất nặng nề” - ông Luân thở dài.
Đáng chú ý, ngay cả các ông lớn trong ngành điện tử, điện thoại cũng đang chịu sức ép lớn do dịch. Người phát ngôn của LG Electronics, đơn vị có nhà máy sản xuất điện thoại từ thấp cấp đến trung cấp tại VN, cho biết chưa đối mặt với việc thiếu nguyên liệu tại VN, song đã lên kế hoạch phòng ngừa một khi khủng hoảng dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến gián đoạn nguồn cung.
Khó khăn lớn nhất đối với ngành điện-điện tử hiện nay là nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào và thị trường tiêu thụ. Ảnh: QH
Trong khi đó, hãng Samsung lo ngại nếu khó khăn kéo dài sẽ gây sụt giảm lớn về doanh số năm 2020. Hãng này cho hay do ảnh hưởng của việc kiểm soát biên giới nhằm phòng ngừa dịch bệnh có thể sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất một số model chiến lược đời mới của hãng do một số linh phụ kiện sản xuất các dòng này được nhập khẩu từ TQ.
Theo Bộ Công Thương, nếu Samsung sụt giảm doanh số sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu và tăng trưởng của VN trong quý I và II, cũng như cả năm 2020. Hiện tổ hợp Samsung VN đang tích cực làm việc với phía TQ để đề nghị mở cửa khẩu trở lại cho hoạt động nhập khẩu linh kiện phục vụ sản xuất.
Chi 40 tỉ USD nhập linh kiện Riêng năm 2019, ngành điện-điện tử VN nhập khẩu khoảng 40 tỉ USD các mặt hàng linh kiện điện tử. Trong đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc là 16,8 tỉ USD, từ TQ 13,8 tỉ USD, từ Nhật Bản 1,7 tỉ USD. |
Chấp nhận chi phí cao để đảm bảo sản xuất
Để tìm cách khắc phục sự gián đoạn nguồn cung linh phụ kiện từ TQ, Samsung đã tìm giải pháp mới, chấp nhận gánh thêm chi phí sản xuất. Cụ thể, mới đây, để có thể kịp đưa các sản phẩm Galaxy S20 đến tay người tiêu dùng, khi mà tổng sản lượng điện thoại của Samsung chủ yếu được lắp ráp tại VN, hãng này phải dùng máy bay chuyên chở các linh phụ kiện từ TQ về các nhà máy VN, thay vì chỉ vận chuyển bằng đường bộ vốn đang chậm trễ. Giải pháp này làm phát sinh thêm chi phí nhưng đây là cần thiết trong thời điểm cấp bách hiện nay.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho các DN, đại diện Hiệp hội DN điện tử VN và các DN kiến nghị Chính phủ cần trực tiếp đàm phán với chính quyền các cấp của TQ xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới trong việc phòng ngừa dịch bệnh. Qua đó để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các DN công nghiệp trong nước.
TS Nguyễn Bách Phúc, Viện trưởng Viện Điện-điện tử và tin học TP.HCM, cho biết hiện nay một số tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm các đơn vị sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên, do năng lực sản xuất các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ trong nước còn thấp, việc kết nối cung ứng cho các DN đầu tư nước ngoài trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn.
Trước thực tế trên, TS Phúc cho rằng cần phải có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các công ty trong nước chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế. Bên cạnh đó, khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các đơn vị sản xuất linh phụ kiện đầu vào.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thực thi chiến lược đa dạng hóa thị trường và đối tác trong thời điểm hiện nay là cấp bách, nhằm hạn chế tối đa việc phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc vài thị trường hay đối tác. “Các DN cần làm chủ một số yếu tố đầu vào. Qua đó để vừa hạn chế nhập khẩu, vừa tăng tính chủ động trong nhiều tình huống khác nhau, vừa tạo việc làm và tăng khả năng kết nối giữa các khối DN” - ông Lực khuyến nghị.
Giảm công suất, lợi nhuận giảm Một cuộc khảo sát thực hiện tại TP.HCM mới đây của Phòng Thương mại Mỹ cho thấy: 70% công ty được phỏng vấn chỉ hoạt động với 70% công suất, số còn lại hoạt động từ 50% cho đến dưới 50% công suất thông thường. Nguyên nhân, các nhà cung cấp nguyên phụ liệu TQ dừng sản xuất dài hạn để phòng, chống dịch bệnh. Ông Andrew Harker, Phó Giám đốc Công ty nghiên cứu IHS Markit, cho biết thêm dịch COVID-19 đã ảnh hưởng khá nhiều lên lĩnh vực sản xuất của VN trong tháng 2, cả ở phía cung và phía cầu với chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng) đã giảm 50 điểm. Trong khi đó, các công ty đã gặp khó khăn trong việc nhập hàng hóa đầu vào thiết yếu từ TQ trong bối cảnh dịch bệnh, từ đó tạo áp lực tăng chi phí đầu vào. “Tình trạng này, cùng với nhu cầu giảm và kéo theo là giá cả đầu ra giảm, đã tạo áp lực lên biên lợi nhuận” - ông Andrew Harker nhận định. |