Chiều nay (26-2), Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến các ngành sản xuất của Việt Nam.
Thông tin tại cuộc họp, Bộ Công Thương cho biết Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất các hàng hóa trung gian cho các ngành công nghiệp trên thế giới, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ lớn của rất nhiều ngành hàng đa quốc gia. Do đó, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc dự kiến sẽ tác động lớn đến các ngành sản xuất, vận tải, logistics, phân phối, dịch vụ trên toàn thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, tình hình diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp bên ngoài Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản... có thể sẽ khiến kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng hơn.
Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến các ngành sản xuất của Việt Nam. Ảnh: AH
Về nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất của nước ta, do nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nên chịu nhiều ảnh hưởng.
Cụ thể như ngành điện, điện tử chỉ còn đủ lượng linh kiện phục vụ cho sản xuất trong giữa hoặc cuối tháng 3.
Ngành dệt may, da giày, túi xách cũng chỉ còn nguyên liệu sản xuất đến đầu tháng 3 hoặc đầu tháng 4-2020. Do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành phải tạm dừng sản xuất là rất lớn.
Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, do các linh kiện, phụ tùng cũng chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nên dự kiến đến cuối quý I-2020, các doanh nghiệp này sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh kiện phục vụ sản xuất.
"Hiện nguồn cung nguyên vật liệu và linh phụ kiện đầu vào sản xuất từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là vì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại biên giới của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc khiến việc thông quan các lô hàng nhập khẩu diễn ra khó khăn hơn trước" - ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết.
Cạnh đó, ông Hoài cũng nêu thêm nguyên nhân khác như các nhà máy sản xuất sản phẩm nguyên phụ liệu đầu vào cho Việt Nam tại Trung Quốc hiện nay cũng đang tạm thời ngừng sản xuất, hoặc chỉ hoạt động rất ít trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng. Trong khi đó, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay chủ yếu được tổ chức theo chuỗi giá trị rất chặt chẽ, ngay cả trong vấn đề cung cấp nguyên phụ liệu và linh kiện đầu vào. Do vậy, tìm nguồn thay thế trong ngắn hạn là hết sức khó khăn.
"Nếu dịch bệnh kết thúc và phía Trung Quốc sản xuất, cung ứng trở lại nguồn đầu vào cho sản xuất trong nước thì giá thành nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ tăng lên so với trước đây, gây ảnh hưởng đến giá thành sản xuất sản phẩm trong nước" - ông Thành nói.