Tình hình dịch bệnh lây lan trên khắp thế giới đã đặt áp lực lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Các công ty lớn trên sàn, những người giàu nhất Việt Nam đã chứng kiến dòng tiền bốc hơi hàng ngàn tỉ đồng vào ngày thứ Hai đen tối.
Ngày thứ Hai đen tối
Phiên giao dịch đầu tuần (ngày 24-2), thị trường chứng khoán Việt Nam chao đảo, rung lắc dữ dội. Bảng điểm đỏ rực, lệnh bán tháo ồ ạt, vốn hóa bốc hơi. Thị trường rớt một mạch 30 điểm khiến chỉ số VnIndex còn 903 điểm, thổi bay luôn 300.000 tỉ đồng vốn hóa trên thị trường là những điểm nhấn khó quên trong ngày giao dịch này.
Sự thiệt hại được phơi bày ngay sau khi thị trường đóng cửa. Cổ phiếu các ngân hàng giảm giá nhiều nhất. Cổ phiếu của Ngân hàng BIDV bay mất 6,46% giá trị, tương đương 3.200 đồng. Với hơn 4 tỉ cổ phiếu đang lưu hành, giá trị vốn hóa của ngân hàng này bay mất gần 13.000 tỉ đồng.
Tương tự, cổ phiếu Ngân hàng Techcombank cũng rớt điểm mạnh với gần 1.600 đồng. Với hơn 35 tỉ cổ phiếu đang lưu hành, Techcombank có số phận không khác gì BIDV khi bốc hơi mất 5.700 tỉ đồng.
Chưa hết, người đứng đầu Techcombank là ông Hồ Hùng Anh, với vai trò chủ tịch HĐQT ngân hàng này, được xem là tỉ phú USD thế giới, đứng thứ sáu trong bảng xếp hạng người giàu nhất Việt Nam, sở hữu 39,3 triệu cổ phiếu Teckcombank cũng nhìn thấy tài sản mình vơi đi hơn 60 tỉ đồng.
Người phụ nữ Việt Nam duy nhất có tên trong bảng xếp hạng người giàu thế giới, cũng là người giàu thứ hai tại Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietJet, cũng phải nhìn tài sản ra đi trong phiên giao dịch đầu tuần. Với việc sở hữu hơn 200 triệu cổ phiếu VietJet, mỗi cổ phiếu mất 2.000 đồng khiến bà Thảo bị "bốc hơi" hơn 400 tỉ đồng tài sản.
Nỗi sợ toàn cầu
Thị trường chứng khoán Việt Nam không phải là nơi duy nhất giảm điểm mạnh. Từ Âu sang Á cùng chịu chung số phận đỏ sàn. Phiên lao dốc đầu tuần đã thổi bay gần 474 tỉ USD vốn hóa trên thị trường chứng khoán châu Âu. Chỉ số Stoxx 600 của châu Âu sụt hơn 3%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 3,9%. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 1,8%,…
Theo một chuyên gia, việc dịch COVID-19 lan rộng khỏi Trung Quốc đã gây hoảng sợ cho nền kinh tế toàn cầu. Các nhà đầu tư đã nhìn thấy bóng ma suy thoái kinh tế đang ảnh hưởng lên nhiều ngành kinh doanh, mà chưa xác định được khi nào phục hồi.
Công ty chứng khoán Bảo Việt đánh giá diễn biến bệnh dịch tại Hàn Quốc mới đây sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế Việt Nam bởi một số lý do sau:
Thứ nhất, việc dịch bệnh bùng phát tại Hàn Quốc có thể khiến lượng khách du lịch từ nước này vào Việt Nam giảm mạnh.
Thêm vào đó, xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam, vốn đã chịu tác động tiêu cực khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, có thể cũng sẽ bị ảnh hưởng không mấy tích cực do xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm tới 23,2% tổng giá trị xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ hai quốc gia này cũng chiếm tới 48,3% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu của nước ta.
Đáng chú ý, việc dịch bệnh bùng phát tại Hàn Quốc có thể sẽ gián đoạn chuỗi cung ứng các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam. Trong đó, các sản phẩm điện tử của Samsung - chiếm gần tới 30% giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ bị thiếu sản phẩm đầu vào.