Ngày 6-3, tại chợ đầu mối Hóc Môn lượng heo nhập chợ 3.925 con, giảm 181 con so với ngày 1-3.
Giá heo hơi ba máu cái (loại 1) vẫn ổn định 75.000 đồng/kg, heo hai máu đực (loại 2) giá 74.000 đồng/kg tăng 2.500 đồng/kg so với ngày 21-2. Heo mảnh loại 1 giá 105.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg.
Sườn non giá 180.000 đồng/kg tại chợ Phạm Văn Hai ngày 5-3.
Bà Nhi, tiểu thương chợ Gò Vấp cho biết, cách đây một tuần giá heo mảnh tại chợ đầu mối 90.000 đồng/kg thì sáng nay giá tăng lên 100.000 đồng/kg. Dù giá heo mảnh tăng lại nhưng giá bán lẻ vẫn cố gắng không tăng nhiều. Theo đó, thịt heo ba rọi loại ngon 160.000 đồng/kg, thịt đùi 140.000 đồng/kg, sườn non 180.000, xương 120.000-130.000 đồng.
Theo ông Bình, thương lái mua heo từ công ty CP Việt Nam, hôm nay giá heo hơi loại 1 vẫn mua 75.000 đồng/kg và giá ngoài thị trường dao động 77.000-78.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá heo loại 2 vào ngày 20-2 được chiết khấu 3.000 đồng còn 68.500 đồng/kg thì từ ngày 21-2 đến nay giá đã tăng lên 74.000 đồng/kg.
Theo ông Bình, giá heo loại 2 tăng là do nhu cầu tiêu thụ tại thị trường miền Bắc tăng. Heo loại 2 thường có trọng lượng trung bình 1,6-1,7 tạ, với trọng lượng này khi vận chuyển ra miền Bắc hay đi đường xa tỷ lệ hao hụt heo ít.
Sở công thương TP.HCM cho biết, ngày 5-3 giá heo hơi khu vực TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận dao động ở mức 72.000-76.000 đồng/kg, tăng 2.000-3.000 đồng/kg so với ngày 1-3 và giá này thấp hơn khu vực miền Bắc từ 4.000- 8.000 đồng/kg.
Nguyên nhân là do tình hình dịch tả heo Châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chăn nuôi, tái đàn, chi phí chống dịch. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc trở lại bình thường, làm nguồn cung trong nước bị ảnh hưởng.
Tại chợ đầu mối, lượng hàng về chợ ổn định, duy trì ở mức 6.700-6.800 con/đêm. Trong đó chợ đầu mối Hóc Môn từ 3.900- 4.100 con/đêm, chợ đầu mối Bình Điền từ 2.600- 2.700 con/đêm. Giá thịt heo mảnh ổn định từ Tết đến nay, duy trì ở mức 92.000- 105.000 đồng/kg tùy loại.
Riêng doanh nghiệp bình ổn thị trường tiếp tục cung ứng theo giá bán do Sở Tài chính công bố; đảm bảo sản lượng theo kế hoạch TP giao. Đồng thời tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá.
Theo Sở công thương TP, tâm lý người dân đã bớt lo ngại đối với dịch tả heo Châu Phi nên tổng sản lượng tiêu thụ toàn thị trường phục hồi so với thời điểm quý IV/2019. Trong đó, kênh phân phối hiện đại sức mua tăng nhanh hơn kênh chợ truyền thống. Riêng sản lượng tiêu thụ tại hệ thống điểm bán hàng bình ổn thị trường như Saigon Co.op, Satra, Vissan… tăng do giá cả ổn định, đảm bảo chất lượng, có truy xuất nguồn gốc.
Đối với tình hình nhập khẩu khẩu thịt heo, hiện tại có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ có đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt vào Viêt Nam gồm Úc, Braxin, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức…
Tất cả các sản phẩm từ động vật trên cạn (trong đó có thịt heo) trước khi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải thực hiện thủ tục kiểm dịch động vật. Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan thực hiện thủ tục này.
Tuy nhiên, do thói quen người tiêu dùng vẫn còn thích sử dụng thịt nóng, nên hiện nay thịt heo đông lạnh cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng vẫn còn hạn chế; chủ yếu cung ứng cho hoạt động sản xuất thực phẩm chế biến, nhà hàng, bếp ăn… Sản lượng hàng nhập khẩu gia tăng đã góp phần ổn định thị trường thời gian qua, cần được khuyến khích trong thời gian tới.
Sở công thương TP.HCM cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình hình cung-cầu, thị trường hàng hóa các mặt hàng thịt heo có nhiều yếu tố khó lường. Bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo của doanh nghiệp bình ổn thị trường, thời gian tới Sở công thương tiếp tục theo dõi sát thị trường thịt heo và thực phẩm thay thế thịt gia cầm, rau củ quả...
Quán triệt, triển khai hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường; đôn đốc doanh nghiệp tiếp tục chủ động nguồn hàng, đẩy mạnh cung ứng thịt heo. Kích cầu các mặt hàng thay thế thịt gia cầm, rau củ quả. Hiện các doanh nghiệp bình ổn thị trường thịt gia cầm như San Hà, Ba Huân… đều đã xây dựng phương án tăng nguồn cung.