Bỏ 'Chí Phèo' khỏi sách giáo khoa- một đề nghị vô lý

Nhiều ngày qua, tôi đọc được rất nhiều chia sẻ trên MXH về bài viết của nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền (đang học tại Úc). Bài viết được chia sẻ bởi quan điểm quá mới mẻ, táo bạo của anh Sóng Hiền với nhiều ý kiến đồng tình, phản đối khác nhau.
Ý kiến của tác giả có thể tóm gọn như sau:
- Chí Phèo chỉ đơn giản là một đứa trẻ không được giáo dục, không thể là đại diện cho tầng lớp nào trong xã hội.
- Phản kháng của Chí Phèo khi đâm chết Bá kiến không thể hình tượng hóa thành sự phản kháng của giai cấp nông dân với giai cấp cường hào, ác bá.
- Chí thực ra là một tên tội phạm, một kẻ lưu manh vì đã cưỡng bức Thị Nở, hay gây rối, giết Bá Kiến, đáng bị cách ly khỏi đời sống xã hội.
Tôi xin trao đổi lại với tác giả như sau:
Tìm ra cái mới bằng đôi mắt cũ vẫn là thiên kiến
Những người có phản xạ phản biện sẽ luôn có được nhiều góc nhìn mới mẻ. Đó cũng là một trong những yêu cầu cần có trong khi tiếp nhận kiến thức trong mọi môn học, càng cần thiết trong việc dạy và học các môn xã hội.
Nhưng tôi cũng cho rằng, anh dù tìm ra góc nhìn mới nhưng vẫn sử dụng phương pháp cũ, thì vẫn là thiên kiến. Tác giả vẫn đặt ra yêu cầu cho tác phẩm theo cách dạy- học văn cứng nhắc lâu nay: nhân vật này đại diện cho ai? Qua câu chuyện khái quát được gì về thực trạng xã hội (các tác phẩm văn học hiện thực phê phán trước 1945 được giảng dạy trong nhà trường gần như luôn phải gánh vác một nhiệm vụ giống nhau: tố cáo xã hôi nửa phong kiến- nửa thực dân).
Bởi vậy, khi cá nhân anh thấy tác phẩm chưa đủ sức đại diện, chưa đủ sức khái quát, chưa đủ mạnh mẽ để tuyên truyền cho thực trạng xã hội lúc bấy giờ, chưa đủ tốt để làm "nhân vật chính diện", anh cho rằng tác phẩm không đạt được hiệu quả giáo dục.
Tôi cho rằng Chí Phèo đủ sức đại diện cho một tầng lớp nông dân bị bần cùng hoá, bị lưu manh hoá, bị đẩy đến đường cùng trong xã hội lúc bấy giờ. Rất nhiều người đã bị đẩy đến con đường cùng bởi đói nghèo, bởi tầng lớp quan lại tham nhũng, bởi môi trường xã hội tù đọng, kém văn minh, không có quyền con người trong xã hội nông thôn miền Bắc thời bấy giờ.
Nhưng dù có giống nhiều người gần chung cảnh ngộ, thì số phận Chí Phèo vẫn là hết sức đặc biệt. Một tác phẩm văn học không có nhiệm vụ là một bài viết tuyên truyền, càng không thể giống nhau để có những nhân vật đồng dạng đại diện cho tầng lớp nào đó.
Tạo nên một nhân vật khác biệt, khác biệt tới mức đau đớn, day dứt, chính là cái tài của người cầm bút. Nếu một nhân vật nào đó, không đại diện cho ai, chỉ đại diện bi kịch cho riêng anh ta thôi, tại sao lại không đủ để chúng ta phân tích, bình luận và đánh giá.

Tạo hình Chí Phèo trong bộ phim '"Làng Vũ Đại ngày ấy" của đạo diễn Phạm Văn Khoa

Định dạng một tác phẩm văn học có giá trị

Tác phẩm văn học có trước, các bài phê bình văn học mới theo sau. Khi tác phẩm ra đời, đời sống của tác phẩm khi bước ra công chúng có khi không còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của tác giả nữa. Khi các thầy cô giáo dạy văn đều dạy tác phẩm theo những cách giống nhau, rút ra những bài học giống nhau, thậm chí lồng ghép vào đó những bài học chính trị giống nhau, đó chẳng bao giờ là lỗi của tác giả.

Và tranh luận việc đưa hay không đưa một tác phẩm văn học vào SGK, không thể là một đề xuất hời hợt, càng không thể dựa trên những luận điểm tác giả Sóng Hiền đưa ra được. Bởi vì đây mới là những yêu cầu bắt buộc cần phải có khi đánh giá, phê bình bất cứ một tác phẩm nào, đó là:

- Đánh giá sự mới mẻ, sáng tạo, tính hấp dẫn và các thủ pháp nghệ thuật tạo nên tác phẩm đó. 

- Đánh giá những bài học nhân sinh chứa đựng trong tác phẩm đó.

- Đánh giá tính thời đại và tính hiện thực trong tác phẩm đó. 

Nếu được đánh giá bởi những tiêu chí nêu trên, Chí Phèo chắc chắn là một viên ngọc quý của nền văn học hiện thực phê phán của Việt Nam trước 1945, và xứng đáng có một vị trí đặc biệt trong chương trình học phổ thông.

Tác giả bài báo mới chỉ phân loại nhân vật thuộc tuyến nhân vật phản diện hay chính diện và áp cái nhìn chủ quan cho hành động của nhân vật qua những lát cắt. Trong sự đánh giá đầy nghiệt ngã như một người giữ quyền công tố chỉ thiên về buộc tội, Sóng Hiền bỏ qua gần hết những những yêu cầu cơ bản khi đánh giá tác phẩm. 

Dạy văn: Bồi đắp giá trị, gợi mở và khai phóng

Để các em hiểu nhân vật, giáo viên cần giúp các em tiếp cận ở góc độ gần với nhân vật nhất, hoặc đặt mình vào nhân vật để hiểu về tâm tư tình cảm đời thường của họ và những biến cố họ đã trải qua. Chắc chắn sự trải nghiệm qua văn học sẽ giúp mỗi người xây dựng nên những tình cảm tốt đẹp với đồng loại, có trách nhiệm và kinh nghiệm khi ứng xử với người yếu thế và cường thế khi bước ra ngoài xã hội. Đó chính là những điều mà môn văn học cần hướng tới. 

Góc nhìn của tác giả Sóng Hiền về nhân vật Chí Phèo, dĩ nhiên có lý dưới góc độ một công tố viên và tôi tôn trọng góc nhìn đó. Nhưng nếu chọn đánh giá nhân vật dưới góc độ tâm lý học, xã hội học trong bối cảnh xã hội lúc đó, chắc chắn sẽ có nhiều bài học nhân sinh sâu sắc hơn nhiều.

Học tác phẩm Chí Phèo có thể giúp các em học sinh nhìn nhận rằng ai cũng có thể rơi xuống rất sâu trong bi kịch khi không có chỗ dựa gia đình, pháp luật không công bằng, bản thân họ cũng không đủ soi rọi để vượt qua, các thiết chế văn hoá- xã hội kém văn minh không bảo vệ được người yếu thế.

Tác phẩm có thể giúp các em thấy rằng ai cũng có những khao khát rất con người về gia đình, về một cuộc sống bình thường...

Qua tác phẩm, có thể giúp các em hiểu rõ và so sánh về một giai đoạn lịch sử xã hội đất nước đã trải qua. Giúp các em có thêm kỹ năng sống để tránh những bi kịch cho bản thân và giúp đỡ người khác...

Biết bao bài học nhân văn có thể được mở ra, thay chỉ vì đánh giá nhân vật theo tuyến nhân vật chính diện/phản diện và những kết luận vốn đã thành công thức.

Tôi cũng nhớ rằng từng có người đề nghị đưa Tấm Cám ra khỏi mục văn học dân gian, lý do là Tấm trả thù Cám và dì ghẻ cũng rất ác độc, không thể là người hiền được, không thể đại diện phụ nữ Việt Nam được.

Tại sao chúng ta không thể nói với các em học sinh về sự trả thù ấy của Tấm có chính đáng hay không? Xã hội ngày xưa quá coi trọng việc báo ân báo oán, xem đó là lẽ công bằng. Bây giờ chúng ta văn minh hơn, chúng ta sẽ chọn cách tha thứ, hoặc chọn cách ứng xử theo pháp luật, các em nhé.

Văn học vốn khai phóng và tự do kia mà, sao phải phủ nhận một tác phẩm nổi tiếng nhường ấy chỉ vì giá trị xã hội đã thay đổi (nên khiến cái ngày xưa trở thành lỗi thời, kỳ dị so với hôm nay)?

Bởi cách dạy- học của chúng ta cứng nhắc, có khi nặng tuyên truyền, nên khi xã hội có thêm giá trị mới, hoặc xã hội thay đổi một giá trị nào đó, chúng ta lại đòi loại bỏ tác phẩm khỏi sách giáo khoa. Đó là cách ứng xử rất không... văn học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới