Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023-2030

(PLO)- Bộ Chính trị khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, phù hợp với thực tiễn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Chính trị vừa có Kết luận 48-KL/TW ngày 30-1-2023 về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Theo Bộ Chính trị, quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 đã bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã giảm đáng kể, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

Tuy nhiên, việc này còn một số hạn chế như chưa thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư. Chất lượng đô thị chưa được bảo đảm do sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị.

Cùng với đó, việc sắp xếp, xử lý các trụ sở làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính còn bất cập; việc thực hiện các chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp chưa kịp thời.

Bộ Chính trị yêu cầu việc sắp xếp các đơn vị hành chính huyện, xã phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bộ Chính trị yêu cầu việc sắp xếp các đơn vị hành chính huyện, xã phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị. Ảnh: HOÀNG GIANG

Để thực hiện hiệu quả chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và đoàn thể các cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, đáng chú ý, Bộ Chính trị yêu cầu việc sắp xếp này phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị; xác định rõ đối tượng, lộ trình sắp xếp và phải bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân.

Khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, phù hợp với thực tiễn địa phương (kể cả các đơn vị hành chính đã bảo đảm tiêu chuẩn).

Các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn trước, ổn định từ lâu, có vị trí biệt lập, có các yếu tố đặc thù và các đơn vị hành chính nông thôn đã được quy hoạch thành đơn vị hành chính đô thị thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp (trừ trường hợp địa phương có nhu cầu).

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng yêu cầu quy định rõ việc sử dụng và lộ trình sắp xếp cán bộ, công chức và số lượng cấp phó của các đơn vị hành chính dôi dư sau sắp xếp. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị cũng cần quy định rõ định mức phân bổ ngân sách, thời gian hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các đơn vị hành chính sau khi thực hiện sắp xếp…

Theo kết luận này, Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị chú trọng và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp uỷ, chính quyền và người đứng đầu.

Trong giai đoạn 2019 - 2021, cả nước đã sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, qua đó giảm được tám huyện và 561 xã. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã giảm được 3.437 cơ quan cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện, tinh giản 3.595 người biên chế cấp xã và 141 người ở cấp huyện, giảm chi khoảng 2.008,63 tỉ đồng.

Về mục tiêu, Bộ Chính trị yêu cầu đến năm 2025 hoàn thành sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích và dân số dưới 70% quy định; huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% quy định; xã có diện tích dưới 20% và dân số dưới 300% quy định.

Đến năm 2030 phải hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có diện tích và dân số dưới 100% quy định; huyện diện tích dưới 30% và dân số dưới 200% quy định; xã diện tích tự nhiên dưới 30% và dân số dưới 300% quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm