Bộ Công an rút đề xuất giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn thấp

(PLO)- Tiếp thu ý kiến của nhiều cơ quan đơn vị, Bộ Công an gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo nghị định theo hướng giữ nguyên mức phạt đối với hành vi nồng độ cồn như hiện hành.

Sau khi lấy ý kiến các cơ quan đơn vị, Bộ Công an vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo nghị định xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Trong đó, cơ quan soạn thảo bỏ đề xuất hạ mức phạt tiền đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp nhất.

Không thay đổi mức xử phạt nồng độ cồn

Tại dự thảo lấy ý kiến người dân vào đầu tháng 8, Bộ Công an đề xuất hạ mức phạt tiền đối với người điều khiển xe máy và ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu các ý kiến, cơ quan soạn thảo giữ nguyên quy định hiện hành.

Theo đó, tiếp tục giữ mức phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Bộ Công an giữ nguyên mức phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp. Ảnh: P.HÙNG

Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô, gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Như vậy, quy định xử phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn vẫn giữ như quy định hiện hành.

Công an các tỉnh muốn tăng mức phạt

Theo hồ sơ gửi đến Bộ Tư pháp, hầu hết các bộ đều đồng thuận với dự thảo và không có ý kiến về việc hạ mức xử phạt tiền đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp nhất.

Tuy nhiên, Công an tỉnh Thái Nguyên, đề nghị giữ nguyên mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp nhất để tạo sự răn đe đối với người vi phạm, góp phần kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông.

Đáng chú ý, công an tỉnh Vĩnh Phúc, Gia Lai, Quảng Ninh, Phú Thọ, Lâm Đồng, Thanh Hoá, Hoà Bình, Bắc Ninh và UBND tỉnh Hoà Bình lại đề nghị tăng mức phạt tiền hành vi “Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở” để đảm bảo tính răn đe.

Còn một số thành viên ban soạn thảo cũng cho rằng sau khi dự thảo Nghị định được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, còn có nhiều ý kiến đóng góp khác nhau về giảm mức xử phạt nồng độ cồn ở mức thấp nhất.

Có ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành, vì phạt nặng vi phạm nồng độ cồn sẽ giúp người tham gia giao thông có ý thức về việc “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

Có ý kiến đồng tình nên hạ mức phạt đối với vi phạm nồng độ cồn tối thiểu vì không ảnh hưởng lớn đến khả năng lái xe, mang tính nhân văn cao, nhất là đối với những trường hợp ở vùng nông thôn, vùng núi, nơi có phong tục tập quán hay tụ tập, liên hoan để vi phạm nồng độ cồn nhưng ở mức ít...

Tiếp thu các ý kiến trên, Bộ Công an tiếp tục giữ nguyên mức phạt đối với hành vi nồng độ cồn như hiện hành.

Hồi đầu tháng 8, Bộ Công an đề xuất hạ mức phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng xuống 800-1 triệu đồng đối với người lái xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Tương tự, giảm mức phạt tiền phạt tiền từ 2-3 triệu đồng xuống 400.000 - 600.000 đồng đối với người lái xe mô tô, xe gắn máy... đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn trên; giảm mức phạt tiền từ 3-5 triệu đồng xuống 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người lái xe máy chuyên dùng vi phạm nồng độ cồn như trên.

Đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, Bộ Công an đề xuất vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành, đồng thời bổ sung thêm hình thức xử phạt là trừ điểm giấy phép lái xe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới