Theo đó, tại cuộc trả lời phỏng vấn trên VTV1 ngày 21-3, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, khi được hỏi trách nhiệm trong việc chậm đưa ra mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu mới, để xảy ra tình trạng chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu khiến người tiêu dùng chịu thiệt, ông Thi trả lời: “Bộ Công Thương vẫn là bộ được giao chủ trì quyết định”.
Bộ Công Thương cho rằng nội dung trả lời của ông Thi là chưa hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ của hai bộ và quy định tại Nghị định 83/2014 về điều hành xăng dầu. Theo lý giải của Bộ Công Thương, Điều 36 Nghị định 83 quy định: Căn cứ khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ổn định đối với từng chủng loại xăng dầu, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ. Bên cạnh đó, theo điểm b khoản 2 Điều 40 Nghị định số 83 thì Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Bộ Công Thương khẳng định chiếu theo quy định trên, mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu cũng như các yếu tố đầu vào để tính giá cơ sở do Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn, Bộ Công Thương điều hành giá bán theo mức thuế Bộ Tài chính đưa ra.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cho biết trong thời gian qua bộ này đã nhiều lần có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét, xử lý các vấn đề liên quan đến thuế nhập khẩu xăng dầu, trong đó có lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu.