Phải trả 3.500 tỉ đồng thuế xăng dầu ‘móc túi’ của dân

Trước bức xúc của dư luận về chênh lệch thuế giữa đầu ra với đầu vào khiến doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi còn người mua xăng chịu thiệt, cuối tuần qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 48/2016 về việc sửa đổi biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng dầu.

Theo đó, từ ngày 18-3, thuế nhập khẩu xăng khoáng và xăng sinh học vẫn giữ nguyên ở mức 20%; dầu diesel giảm từ 10% xuống 7% và dầu hỏa giảm từ 13% xuống 7%.

Theo Bộ Tài chính, việc quy định mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng dầu tại Thông tư 48/2016 nhằm góp phần hài hòa về mức thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (biểu thuế MFN) và mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của các hiệp định thương mại song phương và khu vực.

Người mua chịu thiệt

Với biểu thuế mới trên, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng dầu giảm 3%-6%, trong khi mức chênh lệch trên thực tế là 10%. Như vậy, người mua dầu tiếp tục chịu thiệt thòi.

Điều khiến người tiêu dùng bức xúc hơn là tại sao thuế nhập khẩu đối với xăng khoáng (RON 92, 95) và xăng sinh học lại vẫn như nguyên ở mức 20% như trước trong khi đây là mặt hàng được nhiều người sử dụng. Thêm nữa, Thông tư 48/2016 của Bộ Tài chính cũng không yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu phải trả lại khoản chênh lệch thuế mà họ đã “móc túi” người dân trong hơn một năm qua.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được giảm thuế và cách tính giá bán lẻ của liên Bộ Tài chính - Công Thương đã tạo ra một khoảng chênh lệch 5%-10% tiền thuế với diesel, 10% với xăng trong một thời gian dài. Nói cách khác, các công ty xăng dầu nhập khẩu chịu mức thuế chỉ 0%-5% nhưng giá bán lẻ đến tay người mua vẫn được áp mức thuế 10%-20%.

Doanh nghiệp nhập xăng vào không chịu thuế, song đến tay người tiêu dùng vẫn được tính thuế 10%.Ảnh: HTD

Chính sự bất hợp lý này khiến người mua xăng dầu chịu thiệt rất lớn. Đơn cử, theo một chuyên gia tính toán, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ bình quân khoảng 438 triệu lít dầu diesel từ ASEAN. Như vậy, người dân đã phải trả thêm trên 260 tỉ đồng cho các công ty xăng dầu dù đáng lẽ họ không phải nộp vì thuế nhập khẩu có khi chỉ 0%.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay trong năm ngoái, tổng số thu thuế nhập khẩu xăng dầu đạt khoảng 35.000 tỉ đồng, nhưng đã phải hoàn thuế nhập khẩu xăng dầu khoảng 3.500 tỉ đồng, chủ yếu hoàn cho mặt hàng dầu có xuất xứ từ ASEAN do được hưởng thuế ưu đãi.

Nghĩa là số tiền chênh lệch này đã rơi vào túi doanh nghiệp. Một số chuyên gia tính toán, khoản thuế chênh lệch trên đã giúp các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có thể hưởng lợi khoảng 200-300 tỉ đồng mỗi tháng.

Chưa hết, trước đó, bản thân Bộ Tài chính cũng đã chính thức thừa nhận mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) của mặt hàng xăng dầu hiện đang cao hơn so với mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do (FTA). Vấn đề đặt ra là tại sao cơ quan quản lý biết được điều này nhưng vẫn không có sự điều chỉnh hợp lý.

Hãy trả lại tiền cho dân

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính, cho rằng vấn đề cần giải quyết ngay là Bộ Tài chính nhanh chóng truy thu số tiền chênh lệch thuế đang nằm ở doanh nghiệp để trả lại cho người tiêu dùng thông qua quỹ bình ổn giá. 

“Chính phủ giao Bộ Công Thương và Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu thì hai bộ này phải có trách nhiệm. Việc để xảy ra chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu suốt một năm qua đã giúp doanh nghiệp được hưởng lợi, đẩy phần thiệt cho người mua. Điều đó cho thấy trách nhiệm quản lý nhà nước của hai bộ chưa tốt. Trong lúc này, thay vì hai bộ đổ trách nhiệm cho nhau thì nên ngồi lại tính toán, đưa ra biện pháp để đem lại sự hài hòa quyền lợi cho các bên trong vấn đề giá xăng dầu” - ông Long nói.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách ĐH Quốc gia Hà Nội, nhìn nhận cơ quan quản lý cần phải trả lại số tiền chênh lệch cho người tiêu dùng do áp thuế nhập khẩu xăng dầu sai.

Chẳng hạn, cơ quan điều hành có thể đưa thuế nhập khẩu xăng dầu về 0% trong một quãng thời gian nhất định tương ứng với số tiền chênh lệch thuế mà người dân đã phải trả. Hoặc, có thể cho phép doanh nghiệp được hưởng quota nhập khẩu với một số lượng nhất định xăng dầu không chịu thuế để bán với giá thấp hơn giá thị trường, bù đắp cho người tiêu dùng.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng nên lấy giá chênh lệch thuế mà doanh nghiệp xăng dầu đã được hưởng để bù giá xăng và không được tăng giá xăng cho đến khi lấy lại hết số tiền chênh lệch này. Đến khi nào hết số tiền này mới tính đến việc bù giá từ quỹ bình ổn xăng dầu. Bởi suy cho cùng tiền từ chênh lệch thuế mà các công ty xăng dầu hưởng lợi cũng như quỹ bình ổn cũng là tiền của người tiêu dùng ứng trước. Làm như vậy mới thực sự bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, các công ty xăng dầu và người tiêu dùng.

Không còn phù hợp

Bộ Tài chính cho hay mức thuế nhập khẩu tính trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu hiện nay không còn phù hợp. Do đó, Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng đồng ý với phương án xác định mức thuế nhập khẩu tính trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo mức bình quân gia quyền của các biểu thuế MFN và FTA. Mức thuế này được xác định theo quý, tức dùng số liệu của quý trước để tính cho quý sau.

Bình luận về chủ trương trên, TS Ngô Trí Long đồng tình với việc thay đổi cách tính thuế nhập khẩu trong tính toán giá cơ sở. Tuy nhiên, ông Long lưu ý rằng giá xăng dầu trong nước hiện nay điều hành theo chu kỳ 15 ngày, nếu áp dụng cách tính thuế biến đổi theo quý sẽ làm khó khâu kiểm soát hàng nhập và tiến độ cập nhật giá thế giới.

Bộ Công Thương vừa có văn bản cho biết đã và đang tiếp tục đề nghị và phối hợp với Bộ Tài chính để sớm có giải pháp xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm