Theo đó, từ ngày 18-3, các mặt hàng xăng dầu sẽ được áp mức thuế nhập khẩu ưu đãi mới như sau: Xăng khoáng và xăng sinh học: 20%; dầu diezel và dầu diezel sinh học: 7%; dầu madút: 7%; dầu hỏa: 7%; xăng máy bay và nhiêu liệu động cơ máy bay: 7%.
Như vậy với biểu thuế mới này, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng dầu đã được giảm xuống so với quy định trước đó theo Thông tư 78/2015 của Bộ Tài chính. Thông tư 78/2015 quy định mức thuế nhập khẩu ưu đãi để tính toán giá cơ sở xăng dầu trong nước là: 20% đối với xăng, 10% với dầu diesel và madut, 13% với dầu hỏa.
Việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với dầu sẽ giúp giảm chi phí trong cơ cấu giá cơ sở của mặt hàng này.
Theo Bộ Tài chính, việc quy định mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng dầu tại Thông tư số 48 nhằm góp phần hài hòa về mức thuế nhập khẩu ưu đãi (Biểu thuế MFN) và mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của các hiệp định thương mại song phương và khu vực.
Những ngày qua, người tiêu dùng đang rất bức xúc với mức chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu trong cách tính giá cơ sở. Mới đây, Bộ Tài chính đã phát đi thông cáo báo chí thừa nhận có sự chênh lệch giữa các mức thuế nhập khẩu đối với xăng dầu. Bộ Tài chính hứa sẽ nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch này trong giá cơ sở xăng dầu.