Bỏ đề xuất tịch thu tài sản giao cho lực lượng chống ma túy

Trong dự thảo lần 3 Luật Phòng, chống ma túy, Bộ Công an loại bỏ một nội dung rất đáng chú ý, liên quan đến việc tịch thu tài sản, phương tiện (gọi tắt là tài sản – PV) trong các vụ án ma túy.

Theo đó, ở các dự thảo trước, Bộ Công an đề xuất tài sản bị tịch thu trong các vụ vi phạm pháp luật về ma túy khi bản án, quyết định tịch thu có hiệu lực pháp luật thì được giao cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy để phục vụ công tác phòng, chống ma túy.

Từng trao đổi với PLO, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) nói đây là đề xuất mang tính đột phá. Bởi trang thiết bị cho lực lượng phòng, chống ma túy hiện còn thiếu; nếu được sử dụng chính những phương tiện, tài sản trong các vụ án phục vụ cho công tác nghiệp vụ thì hiệu quả đấu tranh tội phạm sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, ở dự thảo mới nhất, đề xuất nêu trên không còn được đưa vào. Được biết, khi góp ý xây dựng luật, nhiều bộ, ngành cũng không nhất trí hoặc băn khoăn đối với đề xuất này.

Trong đó, Bộ Tư pháp cho rằng việc xử lý tài sản bị tịch thu trong các vụ vi phạm pháp luật đã được quy định cụ thể trong BLHS năm 2015, BLTTHS năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012… Việc xử lý tài sản ở các vụ vi phạm pháp luật về ma túy lâu nay vẫn được thực hiện theo quy định trong các văn bản này.

Do đó, đề xuất như Bộ Công an cần được cân nhắc kỹ. Trường hợp Bộ Công an nhận thấy có những vấn đề đặc thù, không thể áp dụng theo các quy định trong các văn bản pháp luật nêu trên thì phải giải trình cụ thể các vấn đề đặc thù đó, đồng thời quy định cụ thể ngay tại dự thảo Luật các vấn đề về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý tài sản bị tịch thu.

“Đây là các vấn đề liên quan trực tiếp tới quyền tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, việc xử lý sẽ hạn chế, tác động trực tiếp tới quyền tài sản của các chủ thể này, phải được quy định trong Luật để thống nhất thực hiện” – Bộ Tư pháp nêu.

Trong trường hợp không có nội dung, vấn đề đặc thù so với quy định chung, Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc không bổ sung quy định mới mà dẫn chiếu tới các văn bản hiện hành.

Tương tự, Bộ Quốc phòng cũng đề nghị bỏ nội dung trên vì việc xử lý vật chứng đã được quy định tại Điều 106 BLTTHS năm 2015.

Trong khi đó, không bác bỏ đề xuất nhưng VKSND Tối cao đề nghị bổ sung các cơ quan tiến hành tố tụng (CQĐT, VKS) có đơn vị chuyên trách đấu tranh phòng, chống ma túy vào dự thảo. Điều này nhằm bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan đến việc xử lý vật chứng trong giải quyết các vụ án về ma túy theo quy định của BLTTHS…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm