Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin trong tuyến bài Cuộc đua vào ĐH bằng kỳ thi tuyển sinh riêng, tính đến thời điểm này, cả nước có 9 cơ sở đào tạo đại học (ĐH) sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng với mục đích đánh giá năng lực (ĐGNL) thí sinh (TS) để phục vụ việc xét tuyển ĐH-CĐ.
Nếu tính về đợt thi, sẽ có khoảng 20-30 đợt thi trải đều trong vài tháng tới đây. Mỗi năm, hàng trăm trường sử dụng kết quả này để xét tuyển. Mặc dù việc tổ chức thi riêng là quyền tự chủ của các trường, miễn là thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT, TS thêm cơ hội vào ĐH nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề lo ngại như tốn kém cho xã hội, áp lực cho TS, tính trung thực của kết quả....
Về vấn đề này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, cho rằng việc tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng như ĐGNL, đánh giá tư duy…là quyền tự chủ của các trường.
Theo Thứ trưởng, không tính các trường khối quân đội và công an nhân dân, cả nước hiện nay có 9 cơ sở tổ chức thi riêng là không nhiều, và không phải trường nào cũng có thể tổ chức thi được nên tới đây số lượng kỳ thi cũng sẽ khó tăng lên nữa.
Thứ trưởng Sơn cho rằng để tổ chức một kỳ thi là rất khó. Đòi hỏi cơ sở đào tạo phải có năng lực tốt, đầu tư kinh phí lớn (để làm đề, chi trả cho đội ngũ…) và nhất là phải đảm bảo độ tin cậy về kết quả để có thể sử dụng xét tuyển tại đơn vị hoặc cho nhiều trường khác sử dụng.
Một kỳ thi mà có nhiều TS tham gia cũng cho thấy mức độ hiệu quả và uy tín của đơn vị tổ chức đó.
Theo Thứ trưởng, hầu hết các trường hiện nay đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, trong đó chủ yếu như xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm học bạ…Và thực tế thời gian qua, số lượng TS chọn xét tuyển bằng điểm kỳ thi tuyển sinh riêng chiếm tỷ trọng không lớn trên cả nước. Thông thường chỉ có trường nào hoặc ngành nào có tính cạnh tranh cao mới cần những kỳ thi này để chọn lọc TS tốt hơn.
Các kỳ thi này cũng chỉ là một kênh để TS thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH nên việc thi hay không là quyền lựa chọn của các em. Nếu các em thi cũng là một cách đánh giá năng lực để hỗ trợ việc học tốt hơn, đánh giá được khả năng đáp ứng việc học ĐH.
“Còn phía Bộ GD&ĐT, Bộ mong muốn đi theo hướng các trường nên hợp tác với nhau để chỉ còn một vài kỳ thi tuyển sinh riêng thôi. Việc sử dụng chung kết quả giữa các trường cũng là một xu hướng phù hợp chứ không cần phải có quá nhiều kỳ thi. Trước mắt, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra nếu có thông tin phản ánh liên quan đến kỳ thi” – Thứ trưởng Sơn nói.
TS trúng tuyển từ kỳ thi riêng chỉ chiếm 2,57%
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT về kết quả tuyển sinh năm 2023, tỷ trọng TS trúng tuyển nhiều nhất vẫn từ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT với 49,45%, kế đến là phương thức xét kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ) với hơn 30%. Còn với các kỳ thi riêng (như đánh giá năng lực và đánh giá tư duy) chỉ chiếm 2,5%, xét tuyển thẳng của cơ sở đào tạo là 2,32%...
Từ nhiều phương thức tuyển sinh như hiện nay, Bộ GD&ĐT lưu ý các trường cần có phân tích đối sánh kết quả giữa các phương thức một cách nghiêm túc và sâu sắc để có hướng lựa chọn phương thức phù hợp, hiệu quả, ít tốn kém và đảm bảo tính công bằng cho TS.